MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung

Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII, năm 2023, tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung; triển khai nhiều dự án động lực, công trình giao thông trọng điểm.

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung - Ảnh 1.

Nhìn từ lợi thế vượt trội

Nhìn vào lợi thế của địa phương, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng bày tỏ, với vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN.

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung - Ảnh 2.

Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây được Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quan tâm đầu tư và đánh giá là một lợi thế nổi trội để tỉnh Quảng Trị mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết kinh tế, phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa với cả nước và các nước trong khu vực.

Những năm gần đây, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề quan tâm của Việt Nam cũng như toàn cầu, Chính phủ đã kịp thời, nhạy bén ban hành nhiều quyết sách, chủ trương nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo.

“Đây chính là cơ hội và bước ngoặt để tỉnh Quảng Trị nhận diện rõ hơn về tiềm năng, lợi thế vượt trội của mình”, ông Hà Sỹ Đồng nhìn nhận.

Trong Quy hoạch điện VIII, tỉnh Quảng Trị có nhiều dự án năng lượng được thông qua. Điều này tạo tiền đề để sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng miền Trung mà địa phương này hướng tới.

Cụ thể, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Phương án phát triển điện lực quốc gia được xác định tại Quyết định nêu trên đã xác định đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối ...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất; phát triển các nhà máy thủy điện tích năng để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ tích cực các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn; định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac đối với các nhà máy nhiệt điện than; ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho các nhà máy điện khí. Đây là những tín hiệu tích cực của tỉnh khi Quảng Trị có đầy đủ tiềm năng riêng có để phát triển các dự án năng lượng về gió, mặt trời, thủy điện tích năng và khí (từ mỏ Báo Vàng và trong tương lai là mỏ Kèn Bầu).

Một tín hiệu tích cực nữa là, các dự án nguồn điện than và khí vừa và lớn của tỉnh Quảng Trị trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chưa đưa vào vận hành đã được điều chỉnh trong Quy hoạch điện VIII (Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW, Dự án TBKHH Quảng Trị - 340MW, Dự án Nhiệt điện Quảng Trị 1 - 1.320MW). Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII cũng đã đưa vào danh mục đầu tư các dự án đường dây và trạm biến áp 500kV tại Quảng Trị (900MVA) và Lao Bảo (1.800MVA), đây là các dự án quan trọng để giải tỏa công suất các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung - Ảnh 3.

Hiện thực hóa mục tiêu thành trung tâm năng lượng miền Trung

Theo lãnh đạo Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh có khoảng 500MW điện gió, gần 100MW thủy điện đã có trong quy hoạch nhưng chưa vận hành thương mại. Đây là một trong những vướng mắc hiện nay mà địa phương sẽ tập trung chỉ đạo các ngành và địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan, đẩy nhanh tiến độ triển khai để hoàn thành đưa vào vận hành các dự án này trong giai đoạn đến năm 2025.

Đối với các dự án nguồn nhiệt điện, tỉnh Quảng Trị cùng với nhà đầu tư tiếp tục làm việc với các bộ, ngành trung ương sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW, làm cơ sở phê duyệt dự án đầu tư để triển khai các bước tiếp theo; hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai đầu tư Dự án TBKHH Quảng Trị - 340MW đảm bảo tiến độ theo Quy hoạch điện VIII.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn, để trở thành "Trung tâm năng lượng miền Trung", trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 1.500 - 3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 6.000 - 10.000MW giai đoạn đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2023 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị.

Thời gian qua, Quảng Trị cũng có nhiều chiến lược kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất và đầu tư các dự án năng lượng trên địa bàn; tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện…; Đồng thời, tập trung quy hoạch, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải kết nối trong nước và các nước lân cận nhằm phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000 MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500 MW giai đoạn đến năm 2030.

Ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ ý kiến trong một cuộc thăm và làm việc với Quảng Trị trước đây về chủ trương “mở cánh cửa” hợp tác về năng lượng tái tạo. Ông nói, chúng tôi không mạnh về hạ tầng nhưng mạnh về công nghệ với nhiều phần mềm thông minh về quản lý và vận hành các dự án năng lượng. Chúng tôi tin rằng, là một quốc gia đang trên con đường trở nên độc lập về năng lượng thông qua các giải pháp tiên tiến về năng lượng tái tạo, Israel sẽ có cơ hội mở cánh cửa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này và Quảng Trị là một trong những địa chỉ chúng tôi muốn hướng tới.

Theo Việt Hương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên