MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện tượng lạ về EVFTA cần theo dõi

Ảnh: lifestylia.com

Ảnh: lifestylia.com

Sau một năm ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu hàng hóa tăng hơn 24%. Đây là hiện tượng cần tiếp tục theo dõi vì nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu.

Chiều 3/11, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Viện Konrad - Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Công bố Báo cáo đánh giá một năm thực hiện Hiệp định EVFTA”.

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020, khi mà cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Nhờ có những cam kết mạnh mẽ trong việc mở cửa thị trường hàng hóa, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng mà Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông, thủy sản.

Cùng nhìn lại một năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mặc dù quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU có những sự phát triển vượt bậc, nhưng nhìn chung, Việt Nam hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài. 

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tác động tích cực của Hiệp định EVFTA bị kìm hãm đáng kể.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39,75 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU là 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24%. Đây là hiện tượng cần tiếp tục theo dõi vì nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu.

Hiện tượng lạ về EVFTA cần theo dõi  - Ảnh 1.

Đồ họa: Ánh Nguyệt

PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, cải cách để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA sẽ ngày càng khó và chậm hơn, trong khi đó, lợi thế tương đối của Hiệp định này cho Việt Nam đối với các nước trong khu vực sẽ ngày càng giảm đi nhanh hơn. 

Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động, cải thiện năng lực, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi, cho dù có hay không có FTA thì xu hướng sản xuất và giao thương theo chuỗi giá trị vẫn diễn ra rất tích cực, chiếm một phần không nhỏ trong trị giá xuất nhập khẩu toàn cầu.

Ngoài ra, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với các cam kết trong Hiệp định, cũng như giảm bớt các thủ tục hải quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. 

Ông Phạm Văn Long, đại diện Nhóm Nghiên cứu cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận và phỏng vấn được 8 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như nông sản, dệt may và đồ chơi thông minh. Trong đó, có 7 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trực tiếp và gia công hàng xuất khẩu sang thị trường EU. Chỉ có hai doanh nghiệp cho biết, trị giá xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong năm vừa qua, số doanh nghiệp còn lại đều giảm.

Nguyên nhân là do số lượng đơn hàng giảm và chi phí sản xuất gia tăng. Các điều kiện xuất khẩu thắt chặt hơn và chi phí logistics tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến cước tàu biển tăng liên tục do sự khan hiếm container. Đặc biệt, vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trái cây, rau củ chính là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường EU.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến diễn giả tập trung khuyến nghị về việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các cấp, ngành và địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông và hướng dẫn doanh nghiệp trong nước, nhằm hiểu rõ các quy định trong Hiệp định EVFTA và tận dụng triệt để các lợi ích thương mại từ Hiệp định.

Ánh Nguyệt

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên