Mưa nhiều nhưng miền Bắc vẫn lo thiếu điện
Do mức dự phòng công suất, điện năng thời điểm cuối mùa khô thường ở mức thấp nên miền Bắc vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số thời điểm.
- 05-07-2024Đâu dễ mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp
- 05-07-2024Đề xuất xây "thần tốc" tuyến tàu điện tự lái 20.000 tỷ chạy trên kênh, rạch ở đô thị lớn nhất Việt Nam
- 03-07-2024Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp
Theo báo cáo vừa được Bộ Công Thương công bố, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 152,347 tỉ kWh, cao hơn 12,43% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 6 đầu năm 2024, tình hình thủy văn của các hồ chứa thủy điện khu vực miền Bắc có cải thiện, một số hồ thủy điện đã thực hiện xả nước theo quy trình vận hành. Các nguồn thủy điện đã được tăng huy động theo tình hình thủy văn thực tế.
Các nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc, đã được huy động hợp lý để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.
Kết hợp với giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc trong các tháng đầu năm, tình hình cung ứng điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là các dịp nghỉ lễ, Tết.
Bộ Công Thương cho biết cuối tháng 6, cơ quan này đã tổ chức họp với EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia rà soát Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia tháng 7-2024. Theo tính toán cập nhật, việc cung ứng điện cơ bản sẽ được đảm bảo trong thời gian còn lại của năm 2024.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay đối với khu vực miền Bắc, do mức dự phòng công suất, điện năng thời điểm cuối mùa khô (cuối tháng 6) thường ở mức thấp nên có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số thời điểm nếu xảy ra sự cố nhiều tổ máy phát lớn hoặc nhu cầu phụ tải tăng cao bất thường.
Bộ Công Thương cũng đánh giá nhu cầu điện tăng đột biến từ đầu năm 2024 đặt ra yêu cầu cao đối với công tác đảm bảo cung ứng điện.
Vì vậy, cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát việc cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu), tình hình vận hành các nguồn điện, đôn đốc, chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại của năm 2024.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng nhu cầu công suất phụ tải, tuy nhiên mức độ dự phòng công suất nguồn điện còn thấp.
Trong tháng 7-2024, với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố/suy giảm công suất thì hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất.
Trong trường hợp này sẽ quyết liệt triển khai việc điều hành dịch chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm, đồng thời huy động thêm các nguồn phát Diesel mượn của khách hàng để đảm bảo cung ứng đủ điện.
Trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12, dự phòng công suất hệ thống điện miền Bắc vẫn còn thấp, các đơn vị phát điện cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đảm bảo duy trì công suất khả dụng và độ sẵn sàng của thiết bị.
Đối với hệ thống điện miền Nam và miền Trung đáp ứng đủ nhu cầu công suất đỉnh trong cả năm 2024.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, các mỏ khí dừng hoạt động để bảo dưỡng sửa chữa và để đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống điện miền Nam, cần thiết huy động các nguồn linh hoạt như chuyển sang chạy bằng nhiên liệu dầu DO, bổ sung khí LNG cho các tổ máy tuabin khí và các tổ máy chạy dầu Cần Thơ, Thủ Đức... để đáp ứng phụ tải đỉnh cũng như đáp ứng phụ tải cao điểm buổi tối khi nguồn điện mặt trời không phát công suất.
Người lao động