Hiệp hội Dệt may VN: Đơn hàng giảm nhưng không có chuyện đóng cửa thị trường Mỹ, EU
Việc Mỹ và EU đóng cửa biên giới có thể ảnh hưởng đến lượng cung hàng hóa chứ không có chuyện 2 thị trường này đóng cửa với hàng hóa Việt Nam.Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đứng trước những thách thức rất lớn.
- 07-03-2020Ngành dệt may toàn cầu mất 1,5 tỷ USD do dịch bệnh nCoV
- 06-03-2020Bộ trưởng Công Thương họp tìm giải pháp “cứu” ngành dệt may
- 28-02-2020Báo Trung Quốc: Ngay cả khi các nhà máy Trung Quốc hoạt động trở lại, dệt may ở Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng lớn
Trao đổi với Người Đồng Hành sáng 20/3, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết việc Mỹ và EU thực hiện chính sách đóng cửa biên giới phòng dịch có thể ảnh hưởng đến lượng cầu từ những thị trường này nhưng không có chuyên đóng cửa thị trường. Theo đó, do hoạt động bán lẻ tại các khu vực này bị ảnh hưởng, một số đơn đặt hàng với nhà sản xuất tại Việt Nam có thể bị giãn, hoãn... thông qua các thông báo của bên mua.
Ngành dệt may Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn khi các đối tác EU, Mỹ bắt đầu hoãn, cắt đơn hàng. Ảnh: AFP/Getty Images
"Dịch bệnh có thể khiến đơn hàng sụt giảm nhưng việc cấm thông thương hàng hóa không phải là một việc đơn giản", lãnh đạo doanh nghiệp có khoảng 40% doanh thu đến từ 2 thị trường nêu trên nhìn nhận.Chia sẻ thông tin này, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công (HoSE: TCM), cho biết chưa có một thông tin chính thức nào từ Chính phủ Mỹ hay châu Âu về việc tạm dừng nhập hàng dệt may Việt Nam. Do vậy thông tin về việc đóng cửa thị trường là một sự nhầm lẫn. Một số doanh nghiệp chia sẻ rằng khách hàng của họ yêu cầu giảm đơn hàng hoặc tạm siết có thể do lo sợ rủi ro. Riêng phía TCM vẫn làm việc bình thường với khách hàng Mỹ.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 3 ngày (16 - 19/3) có hiện tượng các khách hàng nhập khẩu từ thị trường EU và Mỹ thông báo giãn, hoãn, đẩy lùi thời gian giao hàng. Cá biệt, những đơn hàng trong tháng 4 nếu mới nhập nguyên liệu mà chưa sản xuất thì cũng được báo hủy đơn. Như vậy, trước mắt các doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn khi phải huỷ, hoãn, các đơn này từ các đối tác tại hai thị trường nêu trên.
"Trong khủng hoảng kinh tế, cầu giảm nhưng sản xuất vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên đây là sự dừng đột ngột và hoãn kế hoạch sản xuất rất dài. Lần đầu tiên chúng ta đối mặt với thách thức này", ông Trường cho biết. Hiện thị trường Mỹ đang chiếm 45% và EU chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn (số liệu năm 2019).
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc may Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết cũng vừa nhận được thông tin của một số khách hàng từ EU (Mango, Zara) và Mỹ (Taget, JCPenney) thông báo tạm dừng nhận hàng từ thứ 2 tuần tới (23/3) và chưa rõ thời gian nối lại. Những khách hàng này chiếm khoảng 40% tổng đơn hàng của doanh nghiệp, còn các thị trường khác thì chưa có bất kỳ thông tin thay đổi nào.
Trước đó, trên thị trường xuất hiện thông tin xuất các thị trường lớn như Mỹ và EU vừa có thông báo tạm ngưng nhập hàng may mặc từ Việt Nam trong vòng 3-4 tuần tới, sau khi các khu vực này siết hoạt động đi lại để phòng dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp đã nhận được thông báo từ phía khách hàng trong vòng một tuần trở lại đây.
Người đồng hành