MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp hội sắn kêu cứu

Chiều 22-3, TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam (Vicaas), cho biết hiệp hội vừa gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Phạm Minh Chính do các doanh nghiệp (DN) trong ngành có nguy cơ sụp đổ vì Công văn 632 ngày 7-3 của Tổng cục Thuế liên quan đến hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn (khoai mì).

Theo ông Lạng, sắn là 1 trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 1,35 tỉ USD với sự tham gia của 1,2 triệu lao động. Diện tích cây sắn trên cả nước khoảng 530.000 ha, chủ yếu ở vùng trung du, miền núi. Tuy nhiên, qua Công văn 632, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế địa phương xác minh khách hàng nước ngoài, dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế GTGT của DN xuất khẩu sắn. Do đó, Vicaas kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế dừng thực hiện công văn trên. Đồng thời, thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật Việt Nam và hồ sơ thực tế của DN để bảo đảm công bằng cho các DN xuất khẩu sắn.

Vicaas cho rằng pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn. Đồng thời, DN xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Vicaas, cho hay 2 năm qua, DN ngành sắn rất khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều DN tồn kho lớn, không còn tiền để thu mua nguyên liệu của nông dân, buộc phải dừng sản xuất. "Nguy cơ phá sản rất lớn. Thông tin từ một DN lớn của ngành, hồ sơ hoàn thuế của họ lên đến 384 tỉ đồng bị "treo" nên tính chung toàn ngành có thể lên đến cả ngàn tỉ đồng" - ông Tiến tiết lộ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân Tổng cục Thuế "siết" hồ sơ hoàn thuế của ngành sắn là do phát hiện hồ sơ có dấu hiệu trục lợi. Cụ thể, theo xác minh về các DN Trung Quốc giao dịch mua tinh bột sắn của 2 DN là Công ty TNHH Thương mại và Hỗ trợ đầu tư A.P (Hà Nội) và Công ty CP F. Việt Nam (TP HCM), phần lớn đều không tồn tại hoặc DN có tồn tại nhưng không mua hàng của 2 DN trên.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam (chiếm hơn 95% thị phần) và đang phổ biến hình thức xuất khẩu DAF tức DN Việt Nam chịu trách nhiệm giao hàng biên giới, được hải quan xác nhận thông quan còn DN Trung Quốc chịu trách nhiệm nhận hàng và làm thủ tục nhập khẩu theo quy định nước sở tại. Do đó, việc xác minh tư cách pháp lý của người mua hàng của nước nhập khẩu là ngoài khả năng của DN. Theo Vicaas, đây là hoạt động thương mại biên giới hợp pháp và được hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật.

Theo Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên