Hiệp hội Taxi tiếp tục đấu căng với Grab
Grab vừa kiến nghị nhiều nội dung trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ GTVT, ngay lập tức Hiệp hội Taxi TP HCM lên tiếng phản biện.
- 18-04-2019Hà Nội ủng hộ 'quản' Grab như taxi
- 17-04-2019Grab đề xuất bỏ nhiều nội dung trong Nghị định kinh doanh vận tải
- 16-04-2019Bộ Giao thông ‘quản’ taxi truyền thống và Grab, Uber theo đề xuất mới
Ngày 10-4 vừa qua, Công ty TNHH Grab có Văn bản số 1104 gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu ý kiến muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô như bỏ quy định về hộp đèn trên nóc xe; bỏ bớt những thông tin không cần thiết trong hợp đồng điện tử như mã số thuế, thông tin về doanh nghiệp, người lái xe, phương tiện... Đồng thời, quy định rõ ràng hơn về các khái niệm "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải"...
Hiệp hội Taxi TP HCM (gọi tắt: Hiệp hội) cho rằng những ý kiến và luận điểm của Grab nêu trong Văn bản 1104 là trái thực tế, trái pháp luật, muốn hạ thấp vai trò quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực vận tải. Việc Grab muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải để dễ dàng lách luật, né tránh sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng như thanh tra giao thông, CSGT..., né tránh nghĩa vụ xã hội với người lao động và giảm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Trong khi đây là lĩnh vực liên quan đến tính mạng con người, thậm chí là tính mạng nhiều người.
Grab và Hiệp hội Taxi liên tục có những quan điểm trái chiều về dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô
Hiệp hội còn cho rằng Grab đang muốn phá vỡ cơ cấu vận tải và vô hiệu hóa quyền quản lý địa bàn của chính quyền các địa phương góp phần gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông..., thậm chí đang trong chiều hướng ngày càng khó kiểm soát.
Trái ngược với quan điểm của Grab, Hiệp hội Taxi TP cho biết rất đồng tình với các quy định trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, tức phải xác định các công đoạn của quy trình kinh doanh vận tải, trong đó có các công đoạn thể hiện bản chất của kinh doanh vận tải, như: quyền điều xe - lái xe (quyền điều hành) và quyền quyết định giá dịch vụ (quyền năng về tài chính). Bởi, nếu doanh nghiệp không tham gia điều xe - điều lái xe và quyết định giá dịch vụ thì không phải doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo hiệp hội, quy định này ngoài việc để phân biệt đơn kinh doanh vận tải với đơn vị không kinh doanh vận tải... còn có ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm của chủ thể chính, các quyền và nghĩa vụ có liên quan như: doanh thu, vấn đề chính sách lao động, nghĩa vụ bảo hiểm, nghĩa vụ thuế hoặc dân sự - hình sự...
"Tóm lại chúng tôi kiến nghị giữ nguyên các quy định nói trên theo dự thảo" - Hiệp hội nêu.
Về vấn đề gắn hộp đèn trên xe, Hiệp hội cho rằng thực tế gần 4 năm thí điểm theo Quyết định số 24, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đều khẳng định bản chất kinh doanh của Grab là vận tải taxi. Do đó, việc gắn hộp đèn nóc là dấu hiệu cơ bản để nhận diện một phương tiện có chức năng vận chuyển khách với các phương tiện khác. Hộp đèn cũng giúp công tác kiểm tra giám sát thuận lợi hơn cho các lực lượng tuần tra kiểm soát, kể cả cho người tham gia giao thông, nhất là khi xảy ra tai nạn giao thông... Ngoài ra, hộp đèn còn có ý nghĩa về sự minh bạch, văn minh trong kinh doanh vận tải hành khách tại các đô thị. "Thật không công bằng cho các xe dưới 9 chỗ cùng kinh doanh chở khách, bản chất như nhau mà cái có đèn nóc, cái thì không" - đại diện hiệp hội nhấn mạnh.
Hiệp hội phản đối luận điểm của Grab cho rằng hộp đèn chỉ dành cho các xe có khách vẫy trên đường, còn với Grab luật đã quy định dán phù hiệu, phần mềm có thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc... nên không cần thiết có hộp đèn...
"Cần hiểu rằng xe kinh doanh có bản chất giống nhau thì điều kiện kinh doanh giống nhau. Còn các thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc, điểm đi điểm đến, tiền cước... thì cả xe taxi cũng quy định phải thực hiện và thể hiện qua hóa đơn đưa cho khách. Đối với các hãng taxi đã và đang sử dụng phần mềm giống Grab hiện cũng phải có đèn nóc, vậy không có lý do gì xe chạy cho Grab thì lại không?" - đại diện hiệp hội tỏ ra bức xúc, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT giữ nguyên quy định xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải chở khách.
Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo lần 8 nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Trước đó, qua 7 lần dự thảo, Bộ GTVT vẫn chưa tìm được tiếng nói chung của các bên về những quy định mới, phù hợp thực tiễn trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Một phần văn bản của Hiệp hội Taxi TP HCM vừa gửi các bộ, ngành hữu quan
Người lao động