Hiểu đúng về các chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không
Dự báo tình hình năm 2021, doanh thu các hãng hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục giảm sâu và đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền. Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT cho rằng, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sau khi được Chính phủ cấp gói hỗ trợ tín dụng đã có tác động tốt tới hoạt động của Tổng công ty, VABA đề nghị tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không khác.
- 24-03-2021Người ngoại tỉnh nếu không đăng ký tạm trú ngay trước 1/7 có thể bị xoá đăng ký thường trú ở quê
- 23-03-2021Đầu tư 2 dự án hạ tầng khu công nghiệp hơn 4.000 tỷ đồng tại hai tỉnh Vĩnh Long và Hà Nam
- 23-03-2021Hải Dương tiếp tục có thêm dự án khu công nghiệp hơn 2.000 tỷ đồng được phê duyệt
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đưa ra thông tin, năm 2021, các hãng hàng không trên thế giới cần Chính phủ hỗ trợ khoảng 70-80 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành hàng không có tác dụng tích cực đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Đơn cử, với chính sách giảm 50% giá, phí dịch vụ cất hạ cánh, điều hành đi và đến với các hãng hàng không, riêng Vietnam Airlines đã giảm được 155 tỷ đồng. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không cũng đã giúp hãng giảm chi phí 164 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021, chi phí được giảm bớt theo quy định hiện hành là khoảng 430 tỷ đồng.
Với Bamboo Airways, tổng số tiền mà hãng được hưởng từ các khoản giảm trừ này là 120 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,4% tổng chi phí hoạt động của hãng trong năm 2020. Chính sách tái cơ cấu nợ cũng liên quan tới trị giá tín dụng ở quy mô hạn chế và mức giảm lãi suất khá thấp với Bamboo Airways là 0,5- 1% và thời gian áp dụng 6 tháng.
Tuy nhiên, VABA cũng nhận định, do tác động hai chiều của chính sách, một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cũng chịu thiệt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bạn trong ngành.
Đơn cử, do Nhà nước quyết định giảm phí điều hành bay, năm 2020 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã giảm doanh thu tới 159 tỷ đồng cho các khoản thu từ giá điều hành đối với các chuyến bay quốc nội.
Từ thực trạng hiện nay và dự báo tình hình năm 2021, VABA đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong năm 2021.
Cụ thể, VABA dẫn chứng, Vietnam Airlines khi được hỗ trợ tín dụng đã có tác động tốt tới hoạt động của Tổng công ty, VABA đề nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không khác.
Trong đó, Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong 3 năm (2021-2023) và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ.
VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
VABA kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900-1.000 đồng/lít; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân…; giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 10/2020 cho đến hết tháng 12/2021, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 10/2020 đến hết tháng 12/2021…
Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vay do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: NIA
Thế nào là "lãi suất tái cấp vốn 0%"?
Đầu tháng 3/2021, Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vay do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Căn cứ các nghị quyết về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA của Quốc hội và Chính phủ, trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) cho VNA vay, chỉ đạo TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, xác định tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ, NHNN đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn.
Theo đó, tổng số tiền tái cấp vốn đối với TCTD tối đa là 4.000 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn 0%/năm, áp dụng đối với thời hạn tái cấp vốn và thời hạn gia hạn tái cấp vốn. Lãi suất tái cấp vốn đối với nợ quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản tái cấp vốn chuyển nợ quá hạn; không tính lãi đối với nợ quá hạn.
Thời hạn tái cấp vốn theo đề nghị của TCTD, tối đa bằng thời hạn khoản vay của TCTD theo nghị quyết và không vượt quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại. Tổng thời gian tái cấp vốn và các lần gia hạn không được vượt quá 1.092 ngày.
NHNN tái cấp vốn không có tài sản đảm bảo đối với TCTD. NHNN giải ngân tái cấp vốn theo đề nghị của TCTD và dừng giải ngân không muộn hơn ngày 31/12/2021. Ngoài ra, dự thảo thông tư còn đề cập đến trả nợ vay tái cấp vốn, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro…
Nghị quyết số 194 ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định rõ lãi suất tái cấp vốn là 0%, không nói Vietnam Airlines được vay với lãi suất 0%. Trên thực tế, VNA vẫn phải chịu lãi vay cho khoản 4.000 tỷ đồng này.
Để thực hiện việc "tái cấp vốn", TCTD sẽ vay NHNN đúng bằng số tiền đã cho Vietnam Airlines vay, lãi suất mà TCTD vay NHNN mới là 0%. Về bản chất, NHNN đã cấp lại vốn cho các TCTD kinh doanh nên khoản vay này có tên là "tái cấp vốn".
Lãi suất mà Vietnam Airlines phải trả cho TCTD sẽ thấp hơn so với lãi suất thị trường. Phần chênh lệch giữa lãi vay thực tế và lãi suất thị trường sẽ được quy đổi thành cổ phần Vietnam Airlines theo giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần hoặc một phương án khác.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng cho biết, việc Quốc hội ban hành nghị quyết cho VNA được vay 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 4%/năm theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thông qua một tổ chức tín dụng của Nhà nước và đồng ý để VNA phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước là cơ chế bình thường.
Quyết định này được đưa ra dựa trên tính chất Nhà nước là chủ sở hữu của VNA, trong khoản cho vay này, VNA vẫn phải trả lãi 4%, cả lãi và nợ gốc đều tính vào phần vốn góp nhà nước.
Ông Kiên cho biết, VNA có 86% vốn nhà nước, tài sản là của toàn dân, Chính phủ có trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản có hiệu quả. Bất kỳ một doanh nghiệp nào gặp khó khăn thì chủ sở hữu cũng phải cứu doanh nghiệp của mình, khác với các chính sách hỗ trợ chung cho toàn ngành.
Trước đó, tại hội thảo quốc gia "Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam" ngày 26/11/2020, ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đề cập đến việc tiếp cận các nguồn vốn vay, cho rằng các hãng hàng không cần chứng minh và thuyết phục ngân hàng, ngành hàng không là mũi nhọn về kinh tế, hứng chịu thiệt hại nhiều nhất nhưng lúc đứng dậy cũng phải là đầu tiên.
Bên cạnh đó, ông Trần Đình Thiên cũng khẳng định Chính phủ thường xuyên quan tâm tới phát triển ngành hàng không như đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hành lang pháp lý tạo môi trường hoạt động ngày càng thuận lợi. Các hãng hàng không Việt Nam đều cần được "cứu", Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các giải pháp như hỗ trợ cấp vốn, lãi suất… Ngược lại, các hãng hàng không cần chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch.
Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), so cùng kỳ 2019, sản lượng đặt chỗ trong quý I/2021 giảm 80%, sản lượng vận tải hành khách năm 2021 giảm trên 50%.
IATA dự báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỷ USD và phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng nhận định, năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ trên 220 tỷ USD và tiếp tục âm tiền mặt.
Tại Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động từ ba đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.
VGPNews