MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệu quả hoạt động ngân hàng ra sao giữa đại dịch Covid-19?

25-11-2020 - 12:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Bên cạnh lợi nhuận, hiệu quả hoạt động của các nhà băng được nhìn cụ thể hơn qua khả năng khai thác vốn, khai thác tài sản cùng tỷ lệ chi phí trên thu nhập.

Với tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, 2020 được coi là một năm đầy khó khăn của cả nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Dù vậy, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm vẫn cho thấy những con số lợi nhuận khá khả quan, nhiều thành viên vẫn có sự tăng trưởng tốt.

Bên cạnh những con số về lợi nhuận, điểm cụ thể hơn được thị trường quan tâm chính là hiệu quả hoạt động của các nhà băng, thể hiện qua một số chỉ số như khả năng khai thác vốn (ROE), khai thác tài sản ( ROA ) cùng tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR).

ĐỒNG LOẠT CẮT GIẢM CHI PHÍ

Lợi nhuận 9 tháng của các ngân hàng vẫn có sự tăng trưởng dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ tương đương 2/3 cùng kỳ năm ngoái.

Có được điều này một phần là nhờ các nhà băng linh hoạt đẩy mạnh các hoạt động tăng thu ngoài lãi, bao gồm các hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm, kinh doanh ngoại hối, phân phối bảo hiểm, đầu tư chứng khoán,… nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

Bên cạnh đó, việc tiết giảm chi phí cũng là một trong những mục tiêu quan trọng được các nhà băng đưa ra trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường trong năm nay.

Hiệu quả hoạt động ngân hàng ra sao giữa đại dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Khảo sát của BizLIVE tại 23 ngân hàng cho thấy, có tới 15 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của VietCapitalBank, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm là 998 tỷ đồng, tăng 20,7% mức đạt được cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chi phí hoạt động trong năm được tiết giảm 4%, chỉ số CIR theo đó giảm mạnh từ 76,5% trong 9 tháng đầu năm 2019 xuống còn 61,1% 9 tháng đầu năm nay.

Đây là yếu tố quan trọng giúp lãi ròng 9 tháng của ngân hàng tăng tới 63,7% so với cùng kỳ, đạt 110 tỷ đồng.

Một trường hợp khác, báo cáo tài chính của NCB cho biết, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm của ngân hàng là 948 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chi phí hoạt động của NCB lũy kế từ đầu năm đến cuối quý 3/2020 lại giảm 3,8% so với cùng kỳ. Điều này khiến CIR của 9 tháng của ngân hàng giảm xuống còn 61,3%. Mặc dù con số này vẫn ở mức khá cao so với mặt bằng chung nhưng cũng đã cải thiện mạnh so với mức 82,6% cùng kỳ năm trước.

Tương tự, tại VPBank, chi phí hoạt động trong 9 tháng đầu năm giảm 5,7% trong khi tổng thu nhập lại tăng 7,5% đã giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng vọt tới 30,6%, đạt 7.516 tỷ đồng.

Về cơ bản, một tỷ lệ CIR càng thấp thì càng cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, do tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.

Tuy nhiên, điều này đôi khi cũng mang tính thời điểm, như trong trường hợp ngân hàng trong giai đoạn đầu tư thì sẽ khiến CIR gia tăng; tuy nhiên, nhìn về dài hạn, việc đầu tư này sẽ giúp ngân hàng giảm bớt chi phí vận hành, từ đó, kéo CIR xuống thấp.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ chi phí/thu nhập trung bình 9 tháng đầu năm của nhóm ở mức 49,1%, cải thiện đáng kể so với mức 51,1% cùng kỳ năm trước.

Có 6/23 ngân hàng có CIR dưới 40%, trong đó, phần lớn thành viên trong top 10 ngân hàng có CIR thấp nhất cũng là những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng tốt trong 9 tháng qua.

PHÂN HÓA RÕ VỀ HIỆU QUẢ

Xét về hiệu quả khai thác tài sản, Techcombank đang là ngân hàng sở hữu chỉ số ROA cao nhất nhóm khảo sát với 2,2%, tức với mỗi 100 đồng tài sản, cổ đông ngân hàng được nhận 2,2 đồng lợi nhuận. Con số này cũng có cải thiện đáng kể so với mức 2,06% đạt được cùng kỳ năm trước.

Hiệu quả hoạt động ngân hàng ra sao giữa đại dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Tỷ lệ này cũng được cải thiện tại thành viên đứng thứ hai trong nhóm là VPBank với ROA đạt 1,9% (cùng kỳ năm trước đạt 1,69%). VIB và MBB cùng giữ vị trí thứ ba với 1,6%.

Một mức ROA thấp là kết quả của một chính sách đầu tư hay cho vay không hiệu quả hoặc chi phí hoạt động của ngân hàng quá mức.

Ngược lại, mức ROA cao phản ánh ngân hàng sử dụng một cơ cấu tài sản hợp lý, chính sách kinh doanh và đầu tư tài sản hiệu quả.

Các chỉ số đưa ra cho thấy, tính hiệu quả trong việc sử dụng tài sản đang thuộc về một số các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhiều hơn.

Các "ông lớn" có vốn Nhà nước mặc dù đang sở hữu tổng tài sản lớn nhưng ROA chỉ ở mức trung bình, trong đó ROA của Vietcombank 9 tháng là 1,1%, của VietinBank là 0,7% và tại BIDV là 0,4%.

Hiệu quả hoạt động ngân hàng ra sao giữa đại dịch Covid-19? - Ảnh 3.

Trong khi đó, xét về hiệu quả sử dụng nguồn vốn, VIB đang là ngân hàng có suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong 23 ngân hàng khảo sát với chỉ số ROE 9 tháng đầu năm đạt 21,5%, nghĩa là ngân hàng đã kiếm lời được 21,5 đồng trên 100 đồng vốn bỏ ra kinh doanh. Tỷ suất này cũng có sự cải thiện đáng kể so với mức 20,1% mà ngân hàng đạt được cùng kỳ năm ngoái.

TPBank đứng thứ hai với ROE đạt 17% (giảm nhẹ so với mức 17,1% cùng kỳ) trong khi ACB đứng ngay sát phía sau với 16,9% (cùng kỳ năm trước đạt 19,2%).

Hiệu quả hoạt động ngân hàng ra sao giữa đại dịch Covid-19? - Ảnh 4.

VPBank, HDBank cũng là những ngân hàng có hiệu quả khai thác vốn khá tốt với ROE đều trên 16% và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Kienlongbank hay VietCapitalBank lại đang là nhóm ngân hàng đứng cuối bảng khi ROE chỉ đạt lần lượt 3% và 2,9%.


Theo Trần Thúy

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên