MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hiệu quả khai thác của BĐS đang ở mức lớn nhất trong vòng 20 năm qua"

Đây là khẳng định của ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group tại Tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới” được Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức tại Hà Nội sáng 18/5

Bàn về vấn đề bong bóng BĐS, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group đã đưa ra 3 yếu tố đánh giá mức độ thị trường đã nóng hay chưa.

Thứ nhất, đó là khả năng tiếp cận của người tiêu dùng. Sự biến động về giá của nhóm sản phẩm mục tiêu của các đối tượng khách hàng thay đổi không lớn.

Thứ hai, việc tham gia của giới đầu tư lướt sóng ngắn hạn hy vọng bán lại cho người tiếp theo có mức giá cao hơn là rất ít và hiện nay người mua nhà vẫn còn nhận được rất nhiều chính sách khuyến mại giảm giá trực tiếp từ chủ đầu tư.

Thứ ba, “tỷ số P/E” – hiệu quả sinh lời của BĐS trên giá giao dịch được đánh giá là rất tốt. Hiệu quả khai thác khá tuyệt vời trên trị giá giao dịch hiện nay đã đạt 5-6% ở Hà Nội, ở TP HCM là 6-7%, đối với bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch có thể đạt 10-12%. Hơn 20 năm qua tôi chưa bao giờ thấy có hiệu quả khai thác tốt đến như vậy.

"Đây là thời điểm tuyệt vời để người mua nhà để ở hay người đầu tư dài hạn tham gia thị trường", ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng có cái nhìn lạc quan về thị trường BĐS, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường đã có sự ấm lên trong vài năm trở lại đây. Sau khi giảm giá sâu, đến nay giá BĐS đã tương đối ổn định và ở mức phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.

Ông Nam cũng khẳng định, chưa thể xuất hiện bong bóng BĐS trong giai đoạn hiện nay. Theo các con số phân tích, giai đoạn này giao dịch tăng nhưng giá không tăng vì có lượng hàng tồn kho lớn, tương tương 100.000 tỷ đồng, giờ giảm xuống còn 40.000 tỷ đồng. Khi cung tăng thì cầu đáp ứng được ngay. Lượng cung và cầu sát nhau.

"Bong bóng chỉ khi xuất hiện cầu ảo, chênh lệch giá cả thì mới nói đến bong bóng. Trong thời gian vài năm tới có thể loại bỏ vấn đề bong bóng. Còn dự báo 2018, khi hàng tồn kho hết, cầu tăng thì giá có thể tăng và khi ấy có xảy ra bong bóng hay không còn phải phụ thuộc vao nhiều yếu tố", ông Nam cho biết.

Đồng quan điểm với ông Nam, ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Nếu nói thị trường bất động sản nóng và bong bóng thì phải so với khi nào, so với cái gì".

Cũng theo ông Phấn, thời kỳ bong bóng (2008 – 2009), thị trường nhà ở nóng ở bình diện rộng. Tuy nhiên cũng tập trung ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Khánh Hòa. Còn lại các tỉnh khác thì thị trường vẫn giữ ổn định. Lúc thị trường nóng nhất (2008 – 2009), giá bất động sản được đẩy lên rất cao, thế nhưng khi thị trường trầm lắng (2010 – 2011 – 2012), giá nhà đất đã giảm 30 – 40% so với lúc thời kỳ nóng. Cho đến nay, giá bất động sản mới tăng khoảng 5-10% và cũng chỉ xảy ra ở một số dự án, không phải trên bình diện rộng. Đây là mức giá còn xa so với thời kỳ nóng nhất.

"Ngoài ra, hiện nay, số lượng dự án, số lượng nhà đang triển khai rất nhiều (nguồn cung dồi dào), vì vậy tôi cho rằng khả năng xảy ra bong bóng trong thời gian tới là rất khó. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định trong giai đoạn 2015 – 2016, thị trường đã và sẽ có dấu hiệu ấm lên", ông Phấn cho hay.

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên