Hiểu rõ nguyên nhân trẻ hay khóc mỗi khi đến trường để không quát mắng con
Sự thấu hiểu và quan tâm của bố mẹ sẽ là điều tuyệt vời nhất dành cho những đứa con.
- 17-09-2022Loại củ có thể giảm 50% lượng đường trong máu
- 16-09-2022Chuyên đi tìm một nửa hạnh phúc cho giới triệu phú, người phú nữ đạt thu nhập 'khủng'
- 12-09-2022Đổi nhà cho người lạ, gia đình 6 người đi khắp thế giới trong 8 năm mà không tốn tiền ở khách sạn
Học mầm non hay tiểu học là một giai đoạn thú vị trong cuộc sống của trẻ. Có thể nói là khác hoàn toàn so với những gì bé đối diện từ sau khi sinh. Với cha mẹ, đây là cột mốc con đang trưởng thành thực sự. Nhưng với rất nhiều đứa trẻ sự phấn khích những ngày đầu nhanh chóng được thay thế bằng lo lắng, chán nán và muốn từ bỏ.
Không ít cha mẹ phàn nàn về chuyện con mình rất ghét đi học, đặc biệt vào mỗi sáng khi đưa con tới lớp, nhiều phụ huynh phải dùng đủ mọi cách nhưng bé vẫn oà khóc nức nở. Vậy nguyên nhân và giải pháp cho tình huống này là gì. Cùng lắng nghe chia sẻ từ chị Trần Dung - Chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và nuôi dạy con cái về vấn đề này.
Làm thế nào khi con gào khóc không chịu đi học?
Mỗi sáng chở con đi học, dọc đường mình nhìn thấy vài trẻ gào khóc trên xe khi ba mẹ chở đến trường. Ba mẹ bất lực/mặc kệ con khóc, thấy thương đứa trẻ quá. Nhà mình gần trường mầm non, cách trường xa mà vẫn nghe trẻ gào lên "con không đi học đâu".
Con gái mình cũng vào lớp 1, con rất hào hứng đi học và trưởng thành hẳn so với mẫu giáo. Lý do là trường mới có bạn mới, cô mới, có thư viện, căng tin... Thường cái gì mới sẽ có 2 xu hướng xảy ra, 1 là lo lắng và 2 là hào hứng.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân: Con cảm thấy KHÔNG AN TOÀN.
- Trẻ mầm non: lần đầu xa gia đình, vào môi trường lạ và không hề có người thân nào bên cạnh. Con lo sợ đủ thứ, đó là bản năng và con không thể diễn tả được bằng lời, thế là gào khóc, la hét, ăn vạ, làm đủ mọi chiến lược chỉ mong ba mẹ hiểu để được ở nhà.
- Trẻ tiểu học: Khi con đang trong quá trình lớp lá, giai đoạn chuyển giao độ tuổi khủng hoảng lên 6 đã khó khăn lắm rồi, người lớn còn thêm "gia vị" nỗi sợ vào tâm trí con như: Lên lớp 1 khó lắm đó, không học là bị cô phạt ngay; Lo mà ăn cho giỏi chứ lên lớp 1 không ăn kịp là cô không chăm đâu; Lên lớp 1 phải học toán, học viết chữ... bao nhiêu thứ mới mẻ được người lớn tô vẽ khi việc đi học còn chưa bắt đầu khiến trẻ hoang mang...
Ba mẹ làm gì khi con khóc mỗi lần đến trường?
Giải pháp: Giúp con cảm thấy THOẢI MÁI về mặt TÂM LÝ.
- Khi nói chuyện với trẻ, mắt nhìn mắt và thấp người xuống bằng con, tay đặt lên vai hoặc cầm tay con.
- Khẳng định cùng con: Đi học không có người thân (ba mẹ, anh chị em) bên cạnh cả ngày đúng là buồn chán phải không con? (Cách nói này muốn tìm sự đồng thuận của trẻ, trẻ sẽ thấy BA MẸ THẬT HIỂU MÌNH).
Ảnh minh hoạ
- Đồng cảm cùng con: Hồi ba mẹ bằng tuổi con, đi học cũng khóc hoài chứ gì, ba mẹ còn nhớ... (kể chuyện buồn cười hài hước về quá khứ của ba mẹ lúc bằng tuổi con, có thể không có thật cũng được, trẻ sẽ thấy À THÌ RA BA MẸ CŨNG VẬY).
- Khơi gợi cụ thể: bây giờ, hãy hỏi con: Khi đi học điều gì khiến con lo lắng? Con không thoải mái ở đâu? Ai là người làm cho con khóc? Làm thế nào để cho con cảm thấy tốt hơn?
Khi con nói lý do, ba mẹ hãy nói "ba mẹ đồng ý với con'' (cùng con tháo gỡ những vướng mắc) và tìm cách giúp đỡ con.
Những lưu ý cần nhớ:
- Cực kỳ KIÊN NHẪN với con.
- Lắng nghe con 100% và thật lòng rất muốn giải quyết chuyện của con.
- Tuyệt đối không phán xét, chê bai, chỉ trích và đưa suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của con kiểu như "có vậy mà cũng sợ/lo lắng...".
Ảnh minh hoạ
Và nên nhớ rằng, ba mẹ cũng từng là trẻ con.
Khi bé đi học mầm non hay tiểu học những tháng đầu cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn để đồng hành. Không có đứa trẻ nào ngoan ngoãn khi bỗng nhiên phải rời xa gia đình, làm quen với người lạ. Nhưng trẻ con học rất nhanh, bố mẹ hãy cố gắng cùng con nhé!
Phụ nữ Việt Nam