Highlands Coffee không phải cá biệt! Còn nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang 'tiền hậu bất nhất', thờ ơ với việc hạn chế sử dụng nilon và đồ nhựa dùng một lần!
Có thể nói, câu chuyện hành động nửa vời vì môi trường của Highlands Coffee không phải trường hợp cá biệt tại Việt Nam. Ngoài Highlands Coffee, hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cũng đang hành động nửa vời như thế, thậm chí còn không quan tâm đến câu chuyện này.
Với chuỗi cà phê – hạn chế sử dụng dụng cụ nhựa là việc buộc phải làm
Trong vài ngày gần đây, hình ảnh của chuỗi cà phê Highlands Coffee đã bị sứt mẻ nghiêm trọng, khi có rất nhiều KOLs và người dùng trên các mạng xã hội lên tiếng phê bình họ vì ưu tiên sử dụng đồ nhựa trong quán thay vì thủy tinh, sứ và inox như nhiều chuỗi quán khác.
Đầu tiên, trong khoảng vài tháng gần dây, Highlands đã thực hiện rất nhiều chiến dịch truyền thông về chuyện hạn chế dùng đồ nilon, nhựa để bảo vệ môi trường, ví dụ như chương trình Upsize khi khách mang theo ly riêng dùng nhiều lần, hay Những cánh tay xanh. Tuy nhiên, theo nhiều khách hàng, dường như Highlands chỉ nói cho vui hoặc chạy theo trend khi muốn marketing, vì khách vẫn được phục vụ bằng ly cốc nhựa hoàn toàn.
Một khách hàng không hài lòng với việc Highlands luôn dùng cốc nhựa để quảng bá sản phẩm.
Trong các quán cà phê của Highlands, trừ phi khách hàng mua đồ uống quá nóng như cà phê nóng thì mới được dùng ly sứ, còn hầu hết sẽ dùng ly nhựa, ống hút nhựa. Nhân viên của Highlands rất ít hỏi khách hàng dùng ở đây hay mang đi như những chuỗi cà phê khác, bởi dùng tại chỗ hay mang đi thì đồ uống đều đựng trong ly cốc nhựa (gần đây, việc hỏi khách dùng đồ uống tại chỗ hay mang đi bước đầu áp dụng, sau quy định bỏ nắp nhựa với khách dùng tại chỗ, tuy nhiên gần 100% đồ uống vẫn đựng trong ly nhựa).
Nhiều khách hàng nêu ý kiến, nếu một doanh nghiệp thật sự mong muốn giảm tải đồ nilon và nhựa để góp phần bảo vệ môi trường, sẽ thay đổi từ trong ra ngoài và từ trên xuống dước, chứ không phải qua một vài chiến dịch hú họa như vậy. Thậm chí, nhiều người cho rằng Highlands đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường sang khách hàng, bởi họ khuyến khích khách mang cốc, bình đựng, nhưng bản thân doanh nghiệp này vẫn dùng ly nhựa cho khách, dù họ ngồi lại tại quán.
Thứ hai, Highland đang là chuỗi cà phê có doanh số tốt nhất thị trường – 1.600 tỷ đồng trong năm 2018, cũng như quy mô lớn nhất thị trường hiện với hơn 300 cửa hàng. Tuy nhiên, quy mô lớn không phải là lý do để bao biện cho việc doanh nghiệp này ưu tiên sử dụng đồ nhựa hơn là những đồ dễ phân hủy và tái chế khác. Có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các quán cà phê đều phục vụ khách dùng tại chỗ bằng ly thủy tinh hoặc cốc sư, dù là thương hiệu tầm trung hay quán nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ làm được vậy, tại sao Highlands được Tập đoàn Jollibee Foods đến từ Philippines hậu thuẫn, lại không làm được?
Với 145 cửa hàng, The Coffee House vẫn cố gắng hạn chế sử dụng đồ nhựa một cách tối đa. Hiện startup này vẫn còn sử dụng ống hút nhựa, nhưng có lẽ họ sẽ phải thay đổi điều đó trong tương lai khi có rất nhiều khách hàng bình luận trên fanpage của The Coffee House và muốn doanh nghiệp này thay đổi – tức là chuyển sang sử dụng ống hút giấy hoặc inox. Trung Nguyên thậm chí còn làm tốt hơn, chuỗi Trung Nguyên Legend đã sử dụng ống hút giấy từ rất lâu và tất nhiên những dụng cụ mà họ dùng cho khách hàng khác như ly thuỷ tinh, cốc sứ, muỗng inox.
Không ít khách hàng của The Coffee House đề nghị chuỗi này ngừng dùng ống hút nhựa.
John Trung Nguyễn – Đồng sáng lập của Chessee Coffee, chuỗi cà phê – trà sữa quy mô nhỏ, với khoảng trên dưới 10 quán từng chia sẻ với chúng tôi, ngay từ khi kinh doanh chuỗi này đã hướng tới việc sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường, bởi đó không chỉ là trách nhiệm xã hội của một người trẻ như Trung và doanh nghiệp, mà còn bởi những khách hàng của Chessee Coffee muốn thế.
Hiện tại, tất cả những ly đựng thức uống mà Chessee Coffee dùng đều làm từ giấy, kể cả uống tại quán hay mang đi. Dù muốn thay nắp nhựa bằng những vật liệu thân thiện với môi trường khác, song John Trung Nguyễn vẫn chưa tìm ra những giải pháp thay thế tối ưu. Ngoài ra, Chessee Coffee còn tích cực khuyến khích các khách hàng của mình mua ly sử dụng nhiều lần, ống hút inox hay quai xách take away bằng vải để mang tới sử dụng tại quán.
Những ‘thủ phạm’ chính vẫn còn khá thờ ơ với câu chuyện giảm sử dụng nilon, nhựa
Có thể nói, việc các chuỗi cà phê buộc phải chuyển mình là bởi khách hàng của họ tương đối trẻ, những người có ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường. Mở rộng câu chuyện đến những siêu thị và đơn vị giao nhận thức ăn (Now, GrabFood hay Go-Food…), hai loại hình kinh doanh đang dùng vật phẩm nilon nhựa cực kỳ nhiều, lại mới chỉ thực hiện nửa vời, thậm chí còn không đả động tới vấn đề này. Phải chăng do tệp khách hàng của họ rộng và nhiều người vẫn chưa quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường, nên doanh nghiệp chưa cần bận tâm?
Nhìn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thỉnh thoảng chúng ta lại thấy các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam như Lotte, Co.opmart hay BigC tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng bao bì nhựa, thay bằng túi vải. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn mang tính phong trào là chính, chứ chưa đi sâu đi sát vào từng nhân viên siêu thị.
Rau củ dùng lá chuối để bọc lại chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên quầy kệ của Lotte Mart, bao quanh nó rất nhiều túi nilon.
Ví dụ, Lotte Mart có chương trình Eco-Green khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải thay túi nhựa và họ còn đưa hình ảnh các mớ rau trên kệ của Lotte Mart dùng lá chuối bọc lại thay vì túi nhựa. Nhưng đó là tất cả những gì Lotte Mart đã làm.
Khi chúng tôi đến mua hàng tại Lotte Mart Quận 7, TPHCM, không nhân viên nào đứng ở quầy tính tiền của siêu thị này hỏi xem khách hàng có mua túi vải để sử dụng hay không. Họ cho khách hàng túi nilon khá hào phóng, túi to lồng túi nhỏ. Với từng đó món hàng, chỉ cần sử dụng 1 đến 2 túi song thường họ sẽ cho nhiều túi nilon hơn cần thiết. Còn số lượng rau dùng lá chuối buộc lại, chiếm một phần không đáng kể trên các quầy kệ của Lotte Mart.
Về túi nilon, không chỉ nhân viên của Lotte Mart hào phóng mà nhân viên của Bách Hóa Xanh cũng vậy. Nhân viên tại quầy tính tiền của chuỗi siêu thị này cũng phát túi nilon cho khách hàng rất nhiều. Hiện Bách Hóa Xanh đang có gần 450 cửa hàng trên toàn quốc, với sự rộng rãi của các nhân viên của họ như thế, thì mỗi ngày nhân viên và khách hàng của Bách Hóa Xanh sẽ thải ra môi trường bao nhiêu túi nilon?
Lotte Mart, Bách Hóa Xanh là hai trong số rất rất nhiều cái tên siêu thị lớn nhỏ vẫn đang hàng ngày hàng giờ cung ứng túi nilon đến khách hàng. Dường như, các chuỗi siêu thị Việt Nam vẫn chưa truyền thông đúng và đủ cho các nhân viên tại các chuỗi siêu thị của mình trong việc hạn chế sử dụng đồ nilon và nhựa xài một lần. Các nhân viên bán hàng – thu ngân – thu mua tại các siêu thị nôm na chính là người ra ‘chiến trường’, nếu họ không hiểu được đầy đủ về vấn đề này, thì dù lãnh đạo phía trên nói ngàn lời cũng vô dụng.
So với các siêu thị thì các công ty gọi thức ăn dùng sản phẩm làm từ nilon và nhựa nhiều chẳng kém, nhưng tuyệt nhiên chúng ta chưa từng thấy Now, Go-Food hay Beamin đề cập đến chuyện giảm tải túi nilon hoặc muỗng nhựa khi hoạt động kinh doanh.
Vào tháng tư vừa qua, GrabFood có thực hiện chiến dịch Sống xanh với chương trình "Quán ngon thân thiện môi trường" với sự tham gia của các nhãn hàng như Thinker & Dreamer Coffee, Sado Chado, The Vegan Garden và Măng’s Mania, Cuốn & Roll… khi sử dụng hộp giấy và muỗng giấy; nhưng trên bình diện chung, GrabFood vẫn chủ yếu sử dụng túi nilon và đồ nhựa xài một lần khi chuyển thức ăn cho khách hàng.
Một khách hàng hoài nghi về chiến dịch Sống xanh của Grab.
Thậm chí trên Fanpage có khách còn nghi ngờ chiến dịch này của GrabFood là... gian dối, bởi shop có trong danh sách mà Grab đưa ra, vẫn chuyển thức ăn bằng túi nilon đến cho họ.
Khi chúng tôi đặt vấn đề với ông Samuel Conroy – Giám đốc điều hành DHL eCommerce Solutions Việt Nam, phải chăng, để phát triển nhanh, các nước phải chấp nhận đánh đổi bằng môi trường? Ông Samuel cho biết: "Trách nhiệm doanh nghiệp là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược kết nối con người và cải thiện cuộc sống, vì vậy DHL không xem việc bảo vệ môi trường là một sự đánh đổi. Trên thực tế, khách hàng và các nhà đầu tư đang ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về các giải pháp thân thiện với môi trường".
Lấy ví dụ hai sáng kiến quan trọng mà DHL đang tiến hành tại Việt Nam nhằm giảm chi phí và mang đến tác động tích cực cho môi trường. Đầu tiên, DHL đang đưa vào thử nghiệm các xe máy điện và dần đưa vào sử dụng hơn 200 chiếc tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng đang xem xét việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời ở tất cả các cảng trung chuyển tập trung và trên mái các kho hàng để giảm thiểu lượng điện năng tiêu thụ.
Thế nên, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt không nên xem chuyện hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần như là một phương các marketing – PR để đánh bóng thương hiệu, mà nên coi đó là một chiến lược phát triển quan trọng cần thiết, vì khách hàng muốn điều đó, môi trường cần điều đó và xã hội quan tâm đến điều đó.
Trí thức trẻ