Hít một hơi sâu, nhìn lại năm 2018 đầy biến động!
Thế giới năm 2018 chứng kiến những bước cải thiện trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên nhưng cũng đối mặt tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách bảo hộ thương mại của Washington.
- 30-12-2018Tài chính thế giới 2018 qua các đồ thị
- 29-12-201810 quốc gia tập trung nhiều người siêu giàu nhất thế giới
- 28-12-2018Chứng khoán Trung Quốc giảm tệ nhất thế giới năm 2018
- 27-12-2018Công ty chíp đào tiền ảo lớn nhất thế giới sắp sa thải 50% nhân viên
- 27-12-2018Kinh tế thế giới "lãnh đòn" vào năm 2019
Tình hình thế giới còn bị phủ bóng bởi một loạt biến động địa chính trị và thiên tai kinh hoàng ở nhiều nơi. Trong bối cảnh đó, chiến dịch giải cứu thành công đội bóng nhí bị mắc kẹt trong hang động ở Thái Lan là một trong những thông tin tốt lành hiếm hoi.
Dưới đây là một số sự kiện nổi bật xảy ra trên thế giới trong năm vừa qua:
1. Trung Quốc bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước
Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3 thông qua việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước và phó chủ tịch nước. Những thay đổi này cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ hai (dự kiến vào năm 2022) sẽ có cơ hội tiếp tục đảm nhận vị trí này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
2. Tổng thống Putin tái đắc cử
Ông Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 và sẽ nắm quyền tới năm 2024. Đây là nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của nhà lãnh đạo này.Chiến thắng này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng bởi nghi án Moscow đầu độc cựu gián điệp Sergei Skripal tại Anh và can thiệp bầu cử Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
3. Chính trường châu Âu xáo trộn
Lãnh đạo một số nước lớn ở châu Âu đối mặt đủ loại thách thức đe dọa đến chiếc ghế của mình. Tại Anh, Thủ tướngTheresa May vật lộn với việc tìm kiếm sự ủng hộ cho thỏa thuận Brexit đạt được với Liên minh châu Âu.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron buộc phải nhượng bộ người biểu tình "Áo ghi-lê vàng" bất mãn với sự sụt giảm của chất lượng sống. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chức chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) trong động thái thừa nhận sự ủng hộ dành cho bản thân và CDU đang sụt giảm.
Người biểu tình ở thủ đô Paris - Pháp hôm 15-12. Ảnh: Reuters
4. Tâm điểm Donald Trump
Ông chủ Nhà Trắng tiếp tục gây chú ý trong năm 2018 với một loạt chính sách đối nội và đối ngoại gây tranh cãi, từ cứng rắn với người nhập cư, chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đánh thuế nhôm thép nhập khẩu từ nhiều nước (trong đó có không ít đồng minh)...
Với ông Trump, cuộc bầu cử nhiệm kỳ cho kết quả lẫn lộn - đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện nhưng giành thêm ghế tại Thượng viện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
5. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Năm 2018 ghi nhận một loạt nghiên cứu mới cảnh báo về những hậu quả thảm khốc nếu các nước không đẩy mạnh nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đáng chú ý là cuộc chiến này đang gặp khó khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có lập trường hoài nghi về vấn đề biến đổi khí hậu.
Các học sinh tham gia một sự kiện kêu gọi sự quan tâm đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu ở Katowice - Ba Lan hôm 14-12. Ảnh: Reuters.
6. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Một số chuyên gia cho rằng cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động nhằm vào Trung Quốc có thể báo hiệu hai nước này đang ở giai đoạn đầu của chiến tranh lạnh mới về kinh tế.
Bất chấp thỏa thuận đình chiến thương mại vừa đạt được, khả năng hai nước tìm được giải pháp là không cao, nhất là khi quan hệ song phương bị phủ bóng bởi một loạt bất đồng, từ biển Đông, tình hình Đài Loan cho đến Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Mỹ - Trung Quốc tạm đình chiến thương mại sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước tại Argentina hôm 1-12. Ảnh: Reuters
7. Ông Kim Jong-un tỏa sáng
Cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra tại Singapore hôm 12-6. Sau hội đàm, hai bên đã ra tuyên bố chung, theo đó cam kết làm việc cùng nhau để hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên trong lúc Washington hứa bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng.
Bất chấp chưa có nhiều tiến triển đạt được kể từ cuộc gặp, ông Trump cho biết có thể gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 1 hoặc 2-2019.
Ngoài ra, ông Kim Jong-un còn trở thành tâm điểm chú ý khi 3 lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong năm 2018, qua đó góp phần giảm nhẹ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore hôm 12-6. Ảnh: Reuters
8. Cục diện biển Đông biến chuyển
Mỹ tăng tốc các chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông, cộng với sự tham gia của hải quân một số nước đồng minh như Anh, Úc, Nhật, Pháp... Trong khi đó, Trung Quốc và ASEAN đạt được bước tiến trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Singapore hôm 14-11. Ảnh: Tân Hoa Xã
9. Giải cứu đội bóng "nhí" ở Thái Lan
Vụ giải cứu huấn luyện viên và 12 cầu thủ nhí của đội bóng Lợn Hoang ở Thái Lan trong 2 tháng 6 và 7-2018 thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Với sự tham gia của khoảng hơn 10.000 người, trong đó có hơn 100 thợ lặn, 900 cảnh sát, 2.000 binh sĩ và chuyên gia của một số nước, chiến dịch đã diễn ra thành công khi đưa toàn bộ người mắc kẹt bên trong hang Tham Luang từ hôm 23-6 ra ngoài trong 3 ngày 8,9 và 10-7.
Một thợ lặn Thái Lan không may thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu thần kỳ này.
Chiến dịch giải cứu thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Ảnh: Reuters
10. Tình hình Syria rối ren
Liên quân Mỹ, Anh và Pháp hôm 14-4 tấn công 3 khu vực của chính phủ Syria, nhắm mục tiêu vào những địa điểm được cho là các cơ sở vũ trang hóa học. Hơn 100 tên lửa đã được phóng vào những mục tiêu nói trên để trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vì "gây ra" vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường tại thị trấn Douma, thuộc khu vực Đông Ghouta, không lâu trước đó.
Đến cuối năm 2018, tình hình Syria vẫn còn rối ren với sự hiện diện của lực lượng nhiều nước và các nhóm vũ trang, như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Hezbollah…
Một tên lửa được phóng trong chiến dịch không kích Syria. Ảnh: Reuters
11. IS sắp đến hồi cáo chung?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19-12 bất ngờ thông báo quyết định rút 2.000 binh sĩ khỏi Syria, nơi họ chủ yếu huấn luyện các lực lượng địa phương chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Lý do được ông chủ Nhà Trắng đưa ra là Washington đã đánh bại IS ở Syria. Hồi tháng 7-2017, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng tuyên bố IS đã bị đánh bại ở TP Mosul.
Dù vậy, liên minh chống IS ước tính vẫn còn khoảng 2.000 tay súng IS ở thị trấn Hajin, tỉnh Deir Ezzor – Syria. Trong khi đó, báo cáo của Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ nói số lượng thành viên IS ở Syria và Iraq lên đến 30.000 người.
Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tấn công vị trí của IS tại tỉnh Deir Ezzor - Syria hôm 12-10. Ảnh: Quân đội Mỹ
11. Thiên tai kinh hoàng
Trong số những thiên tai kinh hoàng của năm 2018, tồi tệ nhất chính là thảm họa kép động đất, sóng thần ở TP Palu – Indonesia hôm 28-9 khiến hơn 2.200 người chết, 1.000 người mất tích, hàng chục ngàn nhà cửa, công trình bị phá hủy. Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 911 triệu USD, theo Jakarta.
Ngoài ra, một số nước cũng hứng chịu các trận bão lũ, nắng nóng và cháy rừng nghiêm trọng. Riêng vụ phun trào núi lửa ở Guatemala hồi tháng 6 khiến ít nhất 425 người thiệt mạng.
Một phụ nữ mất ba con trong thảm họa động đất, sóng thần tại Palu Ảnh: Reuters
12. Nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi bị sát hại
Vụ sát hại nhà báo 60 tuổi Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2-10 làm dấy lên làn sóng giận dữ trên thế giới và khiến Riyadh đối mặt khủng hoảng ngoại giao.
Quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi cũng bị căng thẳng, nhất là sau khi Thượng viện Mỹ cáo buộc Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đứng sau vụ việc.
Một người biểu tình cầm một áp phích có in hình nhà báo Jamal Khashoggi trong cuộc biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25-10. Ảnh: Reuters
13. CPTPP có hiệu lực
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) chính thức có hiệu lực hôm 30-12. Ảnh: Kyodo
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) chính thức có hiệu lực hôm 30-12 ở 6/11 nước thành viên phê chuẩn đầu tiên là Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Mexico, Singapore.
Với Việt Nam, hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 15-1-2019. 4 nước còn lại là Brunei, Chile, Malaysia và Peru sẽ tham gia cuộc chơi 60 ngày sau khi tiến trình phê chuẩn của họ hoàn tất.
CPTPP không chỉ xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa mà còn tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, mang lại cơ hội lớn hơn trong thương mại và đầu tư...