MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

H&M, Nike,... và khủng hoảng bùng nổ khó hiểu về bông Tân Cương: Mối liên hệ sâu xa của ông Biden

06-04-2021 - 10:15 AM | Tài chính quốc tế

(Ảnh minh họa: Reuters)

(Ảnh minh họa: Reuters)

Cuộc đối đầu về bông vải chỉ là hiện tượng bề mặt, ẩn dưới đó là cuộc cạnh tranh gay gắt giành ảnh hưởng trong toàn bộ chuỗi cung cứng - theo iFeng (Trung Quốc).

Vì sao đến nay căng thẳng bông Tân Cương mới bùng phát?

Sản phẩm bông vải của Tân Cương, Trung Quốc , bùng lên thành đề tài nóng bỏng vào cuối tháng 3, khi hãng thời trang H&M bất ngờ thông báo ngưng nhập mặt hàng này bởi "quan ngại sâu sắc về những báo cáo từ các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số" tại khu tự trị Tân Cương.

Vụ việc thổi bùng làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc đối với hàng loạt thương hiệu quốc tế.

Số liệu do trang tractorjunction.com đăng tải tháng 12/2020 thể hiện, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ là ba nước đứng đầu trong Top 10 quốc gia sản xuất bông vải lớn nhất thế giới.

H&M, Nike,... và khủng hoảng bùng nổ khó hiểu về bông Tân Cương: Mối liên hệ sâu xa của ông Biden - Ảnh 1.

Các nước sản xuất bông lớn nhất thế giới (Nguồn: tractorjunction.com)

Trung Quốc và Ấn Độ đồng thời là các nước sản xuất sản phẩm may mặc lớn thứ nhất và thứ hai toàn cầu, do đó bông vải chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. Trung Quốc hàng năm còn bị thiếu hụt nguồn cung bông vải.

Trong khi đó, dây chuyền sản xuất may mặc của Mỹ đã chuyển dịch đáng kể tới các nước châu Á, cho phép nước này xuất khẩu phần lớn bông vải.

Mỹ là quốc gia có sản lượng bông đứng thứ ba thế giới, nhưng là nước đứng đầu về xuất khẩu bông vải với 82% sản lượng. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ không đâu khác mà chính là... Trung Quốc.

Theo iFeng, sự kìm hãm của Mỹ cho đến phương Tây đối với bông vải của Tân Cương không phải là câu chuyện mới đây, mà đã bắt đầu từ nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một trong những nguyên nhân khiến căng thẳng về bông vải Tân Cương chỉ bùng phát sau khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức năm nay có liên quan đến các vùng sản xuất bông của Mỹ.

H&M, Nike,... và khủng hoảng bùng nổ khó hiểu về bông Tân Cương: Mối liên hệ sâu xa của ông Biden - Ảnh 2.

Một cửa hàng của hãng H&M ở Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Chinanews)

Mối liên hệ của ông Biden

Lĩnh vực sản xuất bông vải chủ yếu phân bố ở các bang miền nam nước Mỹ, trong đó bang Mississippi xếp thứ tư. Cố thượng nghị sĩ Mỹ James O. Eastland - từng giữ chức Chủ tịch Thượng viện tạm quyền (president pro tempore), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện - là một nhà trồng bông lừng danh tại bang này, với truyền thống gia đình làm nghề bông vải.

Tổng thống Joe Biden được cho là có mối quan hệ mật thiết với Eastland khi ông tranh cử Thượng nghị sĩ. Một loạt thư trao đổi được tờ Washington Post công bố năm 2019 cho thấy ông Biden bắt đầu tiếp xúc với Eastland từ năm 1972, trước khi ông nhậm chức Thượng nghị sĩ bang Delaware.

Biden viết thư cho Eastland ngày 1/12/1972, đề cập 6 ủy ban mà ông muốn được phân công vào, mà hai lựa chọn đầu tiên là Ủy ban đối ngoại và Ủy ban tư pháp Thượng viện. Vài tuần sau đó, Biden gửi thư cảm ơn Eastland, nói rằng ông "vui mừng và biết ơn" sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Mississippi. Biden cũng từng đề cập với Eastland vụ tai nạn ô tô tháng 12/1972 khiến vợ và con gái ông thiệt mạng, và hai con trai bị thương.

Trong nhiều báo cáo, James Eastland được mô tả như người dẫn dắt Joe Biden tại Thượng viện. Hồi năm 2017, Biden từng hé lộ Eastland "không bao giờ gọi tôi là 'Thượng nghị sĩ'. Ông ấy gọi tôi là 'con trai'."

iFeng cho hay, Mississippi là một trong những bang hưởng lợi khi bông vải Tân Cương bị tẩy chay.

Trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, đảng Dân chủ đã giành thắng lợi ở nhiều bang sản xuất bông vải miền nam nước Mỹ, bao gồm tại Mississippi.

H&M, Nike,... và khủng hoảng bùng nổ khó hiểu về bông Tân Cương: Mối liên hệ sâu xa của ông Biden - Ảnh 3.

Ông Joe Biden (trái) và ông James Eastland (Ảnh: AP)

Cạnh tranh giành quyền định giá

Tính đến trước thập niên 1980, Mỹ liên tục là nước sản xuất bông lớn nhất thế giới. Nhưng từ thập niên này, sản lượng bông của Trung Quốc đã tăng đột biến nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dệt may, và vượt qua Mỹ. Dù vậy, quyền định giá bông vải trên toàn cầu vẫn nằm trong tay Mỹ.

Đến năm 2008, hãng tin nhà nước Trung Quốc Chinanews vẫn phải thốt lên: Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất và tiêu thụ bông lớn nhất toàn cầu, nhưng tại sao vẫn thiếu quyền lên tiếng định đoạt giá cả?

Một trong nguyên nhân chính là Sàn Giao Dịch Hàng Hóa New York (New York Board Of Trade, viết tắt NYBOT). Mặt hàng giao dịch sớm nhất của NYBOT là bông vải, đến nay đã có 150 năm lịch sử. NYBOT bị thu mua vào năm 2007, sáp nhập vào Sàn giao dịch liên lục địa (IntercontinentalExchange - ICE).

Tình hình đã có sự thay đổi từ năm 2004, khi Sở giao dịch hàng hóa Trịnh Châu (CZCE, Trung Quốc) tung ra hợp đồng tương lai bông. Ban đầu bông Trịnh Châu thu hút đầu tư kém, không tạo ra ảnh hưởng. Điều này được cải thiện khi thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng. Bông trên sàn CZCE không còn theo sau bông Mỹ mà dần trở thành phong vũ biểu cho giá bông quốc tế.

Vào tháng 4/2016, kỷ lục giao dịch trong một ngày đạt 41 triệu bao được lập trên sàn CZCE, tương đương lượng bông để làm ra 9 tỷ chiếc quần bò. Lượng giao dịch cùng ngày của bông Mỹ - theo iFeng, chỉ là 3.3 triệu bao.

Tân Cương, trong vai trò vùng sản xuất bông lớn nhất Trung Quốc, nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành may mặc, cũng trở thành tiêu điểm quan tâm của thế giới khi ngành hàng này được Trung Quốc nâng lên tầm cao mới.

Cuộc tấn công của phương Tây

Vào đầu năm 2020, chính quyền Trump bắt đầu đẩy mạnh nghị trình nhằm vào Trung Quốc, bao gồm vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm của Tân Cương, bao gồm bông vải.

Các nước phương Tây cũng xúc tiến các chiến dịch nhằm vào ngành bông vải của Trung Quốc.

Tổ chức BCI (Better Cotton Initiative), có trụ sở tại Thụy Sĩ, yêu cầu các thành viên sử dụng bông vải được tổ chức xác định là phù hợp tiêu chuẩn thì mới được gắn logo của BCI.

BCI tạm ngưng cấp chứng nhận bông Tân Cương vào tháng 3/2020, sau khi chính quyền Trump đẩy mạnh nghị trình về Tân Cương. Điều này đồng nghĩa các thành viên của họ như H&M, Nike, Uniqlo, Adidas, Burberry,... sẽ không sử dụng loại bông này.

Truyền thông trong nước Trung Quốc nói rằng BCI tuy có trụ sở tại Thụy Sĩ, song một trong những nhà bảo trợ hàng đầu của tổ chức quốc tế này là Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đơn vị thuộc chính phủ Mỹ điều hành các chương trình viện trợ dân sự ở nước ngoài.

Hồi tháng 3, Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) lần lượt áp cấm vận đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc trong vấn đề Tân Cương. Bắc Kinh trả đũa bằng các lệnh cấm tương đương đối với các quan chức, nhà lập pháp, học giả châu Âu.

Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc ngày 24/3 phát động làn sóng tẩy chay nhằm vào hãng H&M và kêu gọi lên án tuyên bố mà doanh nghiệp này đưa ra hồi năm ngoái. Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo cũng chỉ trích các hãng Nike, Adidas vì đưa ra thông báo quan ngại về mặt hàng bông vải sản xuất ở Tân Cương.

Theo Hải Võ

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên