H&M, Zara, UniQlo… "khuynh đảo" thị trường thời trang Việt
Trong lúc hàng loạt thương hiệu thời trang nước ngoài đổ bộ, thời trang Việt cũng đang nỗ lực đầu tư vào thiết kế, nguyên liệu...
- 22-11-2019Giảm đến 50%, giá bán quần, áo thương hiệu Việt đắt hơn các thương hiệu bình dân quốc tế Zara, H&M
- 16-10-2017H&M, Zara “tổng tấn công” thị trường Hà Nội
Đầu tháng 12-2019, đông đảo người xếp hàng rồng rắn kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt để vào mua sắm tại cửa hàng UniQlo Đồng Khởi trong ngày thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản này khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP HCM. Hình ảnh này trở thành sự kiện đáng mơ ước của hầu hết các nhãn hiệu thời trang đang có mặt tại Việt Nam.
Cửa hàng UniQlo Đồng Khởi (TP HCM) thu hút hơn 10.000 lượt khách trong ngày đầu khai trương Ảnh: TẤN THẠNH
Thương hiệu Việt chật vật tồn tại
Trong buổi gặp gỡ truyền thông trước ngày khai trương, ông Tadashi Yanai, nhà sáng lập kiêm CEO Tập đoàn Fast Retailing (sở hữu thương hiệu UniQlo), đã xác nhận UniQlo Đồng Khởi là cửa hàng lớn thứ nhì Đông Nam Á và là cửa hàng kiểu mẫu của hãng. Ông không quên nhấn mạnh Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất, đồng thời là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu nên Fast Retailing đã chuẩn bị rất kỹ cho sự ra đời của cửa hàng này.
Trước khi "tay chơi lớn" từ Nhật Bản chính thức bước vào, các thương hiệu thời trang bình dân thế giới như H&M, Zara, Topshop… đã "khuynh đảo" thị trường Việt và đạt mức doanh thu "trong mơ" đối với nhiều thương hiệu thời trang trong nước. Zara chỉ với 2 cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM nhưng đã thu về gần 1.700 tỉ đồng trong năm 2018, gấp gần 6 lần năm 2016. H&M với 7 cửa hàng cũng tại Hà Nội và TP HCM thì đạt doanh thu hơn 653 tỉ đồng trong năm tài chính 2018, gấp 4,3 lần năm 2017.
Trong khi thị trường Việt Nam được các nhãn hiệu nước ngoài đánh giá là rất tiềm năng thì khá nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước lại chật vật trong chiến lược tồn tại, phát triển. Những thương hiệu từng được giới trẻ trong nước ưa chuộng một thời, cũng thuộc top hàng hiệu Việt như Blue Exchange, Ninomaxx, Ivy Moda, Sea Collection… dần bị thất sủng dù rất nỗ lực mở rộng hệ thống cửa hàng theo các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại. Gần đây nhất, ông chủ Vascara cũng đã bán lại thương hiệu thời trang nữ nổi tiếng của mình cho một đối tác người Nhật và bản thân cũng chưa xác định có thể tiếp tục xây dựng được nhãn hiệu nào khác hay không.
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty CP May thêu Minh Long Hưng, khá bi quan về khả năng cạnh tranh của các DN may mặc thời trang Việt. Theo ông, áp lực đến từ nhiều phía, trong đó một phần do DN Việt không đủ khả năng tài chính để đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại hơn. "Thương chiến Mỹ - Trung khiến hàng may mặc, nguyên phụ liệu giá rẻ đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Cùng với đó, các hệ thống bán lẻ hiện đại dần rơi vào tay DN nước ngoài khiến đầu ra cho sản phẩm khó khăn hơn" - ông Sinh phân tích và nói thêm các DN, tập đoàn thời trang ngoại nghiên cứu kỹ thị trường Việt Nam, đánh trúng tâm lý khách hàng Việt là chuộng hàng hiệu ở phân khúc bình dân nên dễ giành ưu thế.
Vẫn còn cửa cho doanh nghiệp trong nước
Theo ông Lê Quang Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, hạn chế của các thương hiệu thời trang trong nước không chỉ nằm ở chi phí mặt bằng, chi phí đầu vào, chi phí sản xuất… mà quan trọng hơn là nguồn lực con người. Trong khi các thương hiệu ngoại rất chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, quản trị, sở hữu bộ phận thiết kế hùng hậu, sẵn sàng theo đuổi chiến lược bán hàng giá rẻ để thu hút khách trong thời gian đầu thì nhiều DN Việt đang rất yếu khâu này. "Mặc dù vậy, bức tranh cạnh tranh không hoàn toàn là màu tối. Một số DN Việt, đặc biệt là DN ở Hà Nội, đang phát triển rất tốt nhờ đầu tư lớn cho thiết kế, con người lẫn nguyên liệu. Cafina là một ví dụ" - ông Hùng nói.
Giám đốc truyền thông một công ty thời trang lớn của Việt Nam (chuyên sản phẩm công sở) nhận xét thị trường thời trang trước nay luôn bị cạnh tranh bởi các thương hiệu của thế giới. Do đó, sự kiện UniQlo Đồng Khởi ra mắt rầm rộ không phải là sự kiện hiếm gặp và các DN thời trang trong nước cũng đã chuẩn bị tinh thần cho việc này. Làn sóng đứng xếp hàng đợi mua đồ trong những ngày đầu khai trương sẽ "nguội" rất nhanh, cũng giống như Zara hay H&M những ngày đầu ra mắt thị trường Việt. Người tiêu dùng Việt với tâm lý ưa hàng hiệu, hiếu kỳ và mong muốn sở hữu những sản phẩm đầu tiên với mức giá giảm sẽ không bỏ qua cơ hội này. Không loại trừ trường hợp đội ngũ marketing sử dụng "chiêu trò" để thu hút người dùng.
"Tuy nhiên, khi cơn sốt đi qua, người tiêu dùng sẽ trở về lựa chọn những sản phẩm hợp với nhu cầu cũng như túi tiền, thay vì chạy theo một nhãn hiệu mới. Tôi biết rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam chê mức giá của Zara còn cao, thay vì tới cửa hàng Zara mua thì họ đặt hàng cuối mùa, giảm giá từ nước ngoài hoặc mua đồ Việt Nam với mức giá hợp lý hơn" - vị giám đốc truyền thông phân tích.
Vị giám đốc này cho rằng sự kiện những DN thời trang nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam tuy có tác động nhất định tới thị phần trong nước nhưng không gây bất ngờ cho những thương hiệu Việt vốn đã vững mạnh hiện nay. Tác động xấu chủ yếu ảnh hưởng đến những thương hiệu còn nhỏ, sức cạnh tranh còn kém. "Người tiêu dùng Việt Nam đa phần không trung thành với một nhãn hiệu thời trang duy nhất mà có xu hướng thay đổi. Nếu sản phẩm nào tốt và có mức giá phù hợp, họ sẽ dùng, bất kể nội hay ngoại. Với vị trí như ngành may mặc, thời trang Việt Nam và đặc thù người tiêu dùng, DN nội sẽ có rất nhiều lợi thế cạnh tranh về nhân lực, truyền thống, kinh nghiệm" - ông nói.
Làm thời trang kiểu "photo+"
Ông Lê Quang Hùng cho rằng giá trị lớn nhất của chuỗi là thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng,- mẫu mã rồi mới đến nguyên phụ liệu và đường kim mũi chỉ. Việt Nam có lợi thế lớn về đội ngũ nhân công tay nghề cao nhưng chủ yếu làm theo yêu cầu, trong khi đội ngũ thiết kế còn rất yếu. Đa phần DN thời trang Việt Nam đang sáng tạo mẫu theo kiểu "photo+", nghĩa là sang Singapore, Hồng Kông thấy kiểu dáng, mẫu mã nào ưng ý thì mua về và điều chỉnh kích cỡ, màu sắc cho phù hợp với người Việt rồi bán ra thị trường.
Người lao động