HNX "dọn đường" để cho vay ký quỹ đối với cổ phiếu trên Upcom
Các chứng khoán đăng ký giao dịch thuộc Bảng UPCoM Premium được giao dịch ký quỹ nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- 05-05-2016Siết chặt quy định các công ty giao dịch trên UPCoM
- 04-04-2016Thị phần môi giới quý 1: SSI tiếp tục đứng đầu HNX, Chứng khoán IB số một Upcom
- 01-04-2016Gần 100 triệu cổ phiếu ngành điện sắp chào sàn UPCoM
Ngày 9/5/2016, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã chính thức ban hành hai bộ nguyên tắc phân bảng trên hệ thống giao dịch UPCoM bao gồm phân bảng UPCoM Premium và phân bảng Cảnh báo nhà đầu tư. Mục đích của việc phân bảng nhằm phân tách nhóm công ty có tình hình tài chính tốt hoặc nằm trong diện bị hạn chế giao dịch so với nhóm còn lại.
Đáng chú ý, HNX cho biết, các chứng khoán đăng ký giao dịch thuộc Bảng UPCoM Premium được giao dịch ký quỹ nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Hiện tại, theo quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của UBCKNN thì cổ phiếu trên Upcom chưa được cho vay ký quỹ do Thông tư 203/2015/TT-BTC sửa đổi thay thế Thông tư 74 về hướng dẫn giao dịch chứng khoán đến 1/7/2016 mới có hiệu lực. Tuy nhiên, có thể thấy, với động thái này, HNX đang “dọn đường” cho hoạt động cho vay ký quỹ đối với các cổ phiếu trên Upcom khi TT 203 chính thức áp dụng.
Theo đó, bảng UPCoM Premium bao gồm chứng khoán đăng ký giao dịch của các tổ chức đăng ký giao dịch đáp ứng một trong các bộ tiêu chí sau:
Bộ tiêu chí thứ nhất:
- Tổ chức đăng ký giao dịch có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất từ 120 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán, hoạt động kinh doanh năm tài chính gần nhất có lãi, không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất;
hoặc tổ chức đăng ký giao dịch có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất từ 30 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm tài chính gần nhất tối thiểu là 5%, không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất.
Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch là công ty mẹ của một tổ chức khác hoặc là doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân thì các tiêu chí trên được xem xét dựa trên báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính năm tổng hợp đã được kiểm toán của năm tài chính gần nhất.
Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch chuyển đổi loại hình doanh nghiệp trong năm tài chính gần nhất thì các chỉ tiêu được xem xét dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các giai đoạn hoạt động trong năm tài chính gần nhất.
- Tổ chức đăng ký giao dịch báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc công bố thông tin báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét (nếu có) của năm tài chính gần nhất đúng thời hạn quy định.
Bộ tiêu chí thứ hai:
Tổ chức đăng ký giao dịch có chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ theo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngược lại, bảng Cảnh báo nhà đầu tư lại bao gồm các mã chứng khoán bị hạn chế ĐKGD và bị tạm ngừng giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo Quy chế Tổ chức và Quản lý thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội.