Hộ gia đình đầu tư điện mặt trời thế nào cho hiệu quả?
Với hóa đơn điện sinh hoạt trên 2 triệu hàng tháng, nhiều hộ gia đình tại TP.HCM chuyển sang đầu tư sử dụng điện năng lượng mặt trời theo dạng vừa xài vừa bán, tiết kiệm đến 40% và sau vài năm hòa vốn còn tiếp tục sinh lời nhờ bán lại cho ngành điện.
- 01-07-2019Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng: Đầu tư điện mặt trời để sinh lời không dễ
- 29-06-2019Nhiều ngân hàng rót trăm, nghìn tỷ cho vay điện mặt trời
- 25-06-2019Điện mặt trời trước 'mốc vàng' 30/6: Phía sau những cuộc đua
Đầu tư 150 triệu, 6 năm hòa vốn, dùng điện miễn phí
Điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch và vô tận. Với nguồn cung bền vững, điện mặt trời đóng vai trò thay thế các nguồn năng lượng không tái tạo và góp phần bảo vệ môi trường. Tại TP.HCM, đây là khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, cường độ mặt trời trung bình khá cao (4,3kWh/m2 mỗi ngày), nên tiềm năng phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn và khả thi.
Với những gia đình đang tiêu thụ điện nhiều (hóa đơn điện hàng tháng trên 2 triệu), thì đầu tư hệ thống điện mặt trời tại nhà về lâu về dài vẫn có lợi hơn. Với số tiền 75 triệu đồng, hộ gia đình có thể trang bị hệ thống cơ bản nhất đủ xài cho một số tiện nghi nhất định với công suất 2,5 kWp. Trong điều kiện nắng đủ 5 tiếng mỗi ngày, hệ thống này sẽ cho ra 12 KWh. Theo tính toán, hộ gia đình mất tầm 6 năm lấy lại vốn tính theo số dư điện bán cho nhà nước.
Công suất càng lớn, càng có lợi
Điểm nhấn đặc biệt của hệ thống điện mặt trời là đầu tư công suất càng lớn thì càng lợi nhiều. Đối với hộ kinh doanh nhỏ với mức tiêu thụ điện trên 5 triệu hàng tháng, thì có thể khẳng định đầu tư điện mặt trời không phải là chi phí mà là khoản đầu tư khôn ngoan.
Trường hợp của chị Nguyễn Minh Châu (ngụ tại Gò Vấp, TP.HCM) khá điển hình cho việc sinh lợi từ ngành điện. Chị vừa đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời 6kW - 3 pha phục vụ cho các phòng trọ cho thuê của mình. Mỗi tháng, hệ thống pin năng lượng mặt trời sản sinh hơn 750 KWh điện.
Trước khi đầu tư cho hệ thống này chị từng đắn đo vì phải bỏ ra tầm 145 triệu. Tuy nhiên sau khi quyết định xuống tiền, chị Châu cảm thấy nhẹ lòng vì mình đã quyết định đúng. Mỗi tháng, không chỉ tiết kiệm được hơn 40% tiền điện so với điện truyền thống, mức điện dư thừa chị còn có thể bán cho "nhà đèn" với giá trên 2.100 đồng/KWh (theo Quyết định số 11 của Thủ tướng về việc hỗ trợ điện nối lưới). "Như vậy, thời gian hoàn vốn sẽ nhanh hơn chỉ từ 4 năm, và sau đó tôi sẽ tiếp tục sinh lời từ điện mặt trời rất nhiều năm nữa" - chị Châu hồ hởi nói.
Ngoài ra, việc lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà làm cho không gian trong các phòng trọ mát mẻ hơn vì pin mặt trời cũng hỗ trợ cách nhiệt.
Lắp đặt dễ dàng, ngân hàng hỗ trợ vốn
Hiện Tổng Cty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đang phối hợp với một số nhà cung cấp để triển khai chương trình ưu đãi hỗ trợ 10% chi phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Chỉ cần gọi điện lên các công ty trực thuộc EVNHCMC là sẽ được tư vấn tường tận phương án lắp đặt.
Nếu không sẵn nguồn tiền đầu tư ban đầu, hộ gia đình có thể tìm đến các ngân hàng để vay vốn. Hiện đang có một số ngân hàng cho vay cá nhân và doanh nghiệp để lắp đặt như Ngân hàng Bản Việt, HDBank, HSBC Việt Nam, Nam A Bank...cho vay tín chấp. Trong đó Viet Capital Bank cho vay tới 200 triệu đồng để trang bị trọn gói hệ thống điện mặt trời, bao gồm: tấm pin, công tơ 2 chiều, thiết bị phụ trợ và cả công lắp đặt. Lãi suất kỳ đầu ưu đãi giảm đến 1%/năm, thời hạn vay lên đến 5 năm và được miễn phí trả nợ trước hạn. Hay như HDBank cho các doanh nghiệp đầu tư lắp đặt các thiết bị điện mặt trời áp mái vay 70% vốn đầu tư, lên đến 10 tỷ đồng trong vòng 5 năm.
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, chương trình hỗ trợ vốn cho khách hàng để có thể sở hữu dễ dàng tấm điện năng lượng mặt trời phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt/nhu cầu kinh doanh sản xuất của mình, là một minh chứng cho thấy những nỗ lực gần đây của các ngân hàng trong việc không chỉ mang đến các sản phẩm đa dạng mà còn cung cấp những giải pháp tài chính tối ưu cho khách hàng.