MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hồ sơ] Bầu Thắng - Hạ gạch, nắm ngân hàng

30-04-2013 - 08:45 AM |

-- Cập nhật lần cuối ngày 29/4/2013- 

Họ tên

Võ Quốc Thắng

Sinh năm

09/12/1967 (46 tuổi)

Nguyên quán

Long An

Nơi sinh

TPHCM

Địa chỉ thường trú

36A1 Nguyễn Văn Luông, Phường 11, Quận 6, TP.HCM

Trình độ

Cử nhân Quản trị Kinh doanh cao cấp

Chức vụ hiện tại

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đồng Tâm (DTG)

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long

Chủ tịch CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF)

Gia đìnhCha: Võ Thành Lân
Vợ: Nguyễn Thị Thu Hồng
Anh: Võ Văn Khuyến
Anh: Võ Văn Nhiệp
Chị: Võ Thị The
Em: Võ Thành Nhiệm

Quá trình công tác

1993 - 2006 : Công ty TNHH SX XD TM Đồng Tâm; Chủ tịch HĐTV - Người đại diện theo pháp luật

1999 - nay : Công ty cổ phần Đồng Tâm Miền Trung; Chủ tịch HĐQT - Người đại diện theo pháp luật

2000 - nay : Phó chủ tịch hội gốm sứ Việt Nam

2003 - nay : Công ty cổ phần Đồng Tâm Miền Bắc; Chủ tịch HĐQT- Người đại diện theo pháp luật

2002 - nay : Công ty cổ phần Đồng Tâm - Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc

2002 - nay : Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - Ủy viên Đoàn chủ tịch

2002 - 2007 : Đại biểu Quốc hội khóa XI (2002 - 2007)

2003 - nay : Hội doanh nhân trẻ TP.HCM - Chủ tịch 2 nhiệm kỳ thứ V (2003- 2006) & thứ VI (2006- 2009)

2002 - nay : Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam - P.Chủ tịch 2 nhiệm kỳ thứ II (2002- 2005) & thứ III (2005-2008)

2008 - nay : Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam - Chủ tịch nhiệm kỳ thứ III (2008 - 2011)

4/2013 - nay: Ngân hàng TMCP Kiên Long - Chủ tịch HĐQT

Có lẽ giới doanh nhân trong nước khó tìm được nhân vật thứ hai như ông Võ Quốc Thắng, khi đảm nhận chắc chân cả 3 vai trò: ông Nghị - Đại biểu quốc hội, ông chủ - Chủ tịch kiêm TGĐ Đồng Tâm Group, và ông bầu – Chủ tịch CLB bóng đá Đồng Tâm, Chủ tịch VPF.

Ngoài ra còn có hàng loạt các chức vụ khác, như Ủy viên Đoàn chủ tịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TPHCM hay Chủ tịch hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Cuối tháng 4/2013, ông Thắng tiếp tục bổ sung thêm vào danh sách dài những chức vụ cao cấp trong danh thiếp của mình khi đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kiên Long.

Ông chủ Đồng Tâm - Dựng lại cơ nghiệp từ viên gạch bông, vươn rộng khắp ngành xây dựng

Sinh năm 1967 ở miền đất Long An, tuổi thơ của ông Thắng liền với những viên gạch bông mang tên Đồng Tâm mà cha ông là ông Võ Thành Lân - một nông dân ở Cần Giuộc (Long An), sau khi đưa vợ con từ quê lên Phú Định (Sài Gòn) tìm kế mưu sinh - đã mày mò học hỏi nghề làm gạch truyền thống từ khi ông Thắng mới lên 2 tuổi.

Sau ngày giải phóng 1975, hãng gạch của gia đình ông Thắng vào hợp tác xã, rồi phải ngừng sản xuất sau 3 năm hoạt động vì gặp khó khăn về nguyên liệu vào năm 1978.

Đến tận năm 1986, khi Nhà nước tiến hành chính sách đổi mới kinh tế, sẵn am tường về kỹ thuật làm gạch, từ cách pha màu đến tỷ lệ trộn xi măng, ông Thắng đã khôi phục lại thương hiệu gạch Đồng Tâm của gia đình.

Gạch là lĩnh vực kế nghiệp từ gia đình và khởi đầu kinh doanh của bầu Thắng. Những năm mới khởi nghiệp, ông đi khắp châu Âu để tìm hiểu về gạch. Khoảng đầu thập niên 1990, với sự nhạy bén, Võ Quốc Thắng nhận thấy sự thay đổi lớn: người tiêu dùng dần chuộng loại gạch men và gạch ceramic và những loại gạch này sẽ thay thế gạch bông trong tương lai. 

Năm 1994, ông Thắng đã cho xây dựng tại Long An nhà máy gạch ceramic hiện đại nhất Việt Nam vào thời điểm đó, với công suất 1,4 triệu m2/năm.

Từ gạch, ông bầu này đã phát triển thêm nhiều mặt hàng khác tạo thành một chuỗi các mặt hàng trong lĩnh vực xây dựng như đầu tư nhà máy sản xuất sơn, cửa, ngói, thiết bị vệ sinh cho đến bất động sản.

Đến năm 2003, ông chủ Đồng Tâm chính thức tham gia vào lĩnh vực bất động sản thông qua việc đầu tư và kinh doanh 5 tầng Khu Công nghiệp Thuận Đạo, Long An với diện tích 670 ha.

Năm 2006, Đồng Tâm khánh thành một nhà máy sơn và mua lại cổ phần, nắm quyền điều hành Công ty Cổ phần Sứ Thiên Thanh.

Một số sản phẩm của Đồng Tâm Group: Ngói màu, sơn, gạch bông...

Báo cáo thường niên năm 2010 của Đồng Tâm cho thấy ngoài gạch, công ty còn kiếm được doanh thu từ sơn và ngói (chiếm 8%), thiết bị vệ sinh (6%), cửa (4%)...

Nhìn lại quá trình phát triển của Đồng Tâm, có thể thấy rằng, cái được lớn nhất mà Bầu Thắng đã làm được chính là việc xây dựng thương hiệu cho Đồng Tâm. Ông Thắng từng bộc bạch: ‘Không biết tôi có tham vọng quá không nhưng mong muốn lớn nhất của tôi là cố gắng xây dựng Đồng Tâm trở thành thương hiệu của đất nước, nghĩa là khi nói đến Đồng Tâm bạn bè thế giới sẽ biết đó là một thương hiệu của VN và khi nhắc đến VN họ sẽ không quên nhắc đến Đồng Tâm.’

Ông Nghị - Yêu thích các ‘Đề án’

Ông Võ Quốc Thắng từng là nghị viên Quốc hội khóa XI, do đó dễ hiểu vì sao trong các phát biểu của ông về vấn đề quốc gia - xã hội thường được ông nhắc đến.

Với con mắt của một nhà kinh doanh, bầu Thắng đã có những sáng tạo đột phá kinh doanh trong các vấn đề chính trị quốc gia. Tiêu biểu nhất trong số này là việc sáng tạo bộ sưu tập gạch granite lát nền Trường Sa - Hoàng Sa vào cuối năm 2011.

Trong quản trị doanh nghiệp, ông chủ tịch Đồng Tâm cũng đưa ra nhiều ‘Đề án’ khá hiệu quả và linh động. Đồng Tâm cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện chiến lược thuê tổng giám đốc ngoại về điều hành công ty. Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, các CEO ngoại thường khó thích nghi với văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Ông bầu - Cái bóng lớn của làng bóng đá

Bầu Thắng là cái tên nổi tiếng trong làng bóng đá Việt Nam với vai trò ông chủ đội bóng Đồng Tâm – Long An và chủ tịch CTCP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam VPF.

Có thể ví ông bầu này là cây đại thụ trụ vững cùng bóng đá Việt Nam qua những cơn sóng mạnh nhất: trang chấp bản quyền truyền hình bóng đá giữa các ông bầu với VFF, thành lập Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cuối năm 2011; Điều hành Công ty VPF sau sự kiện bầu Kiên bị bắt (tháng 8/2012); Kéo theo hàng loạt ông bầu từ giã bóng đá.... 

Chừng đó đủ thấy bầu Thắng là người tâm huyết và đam mê trái bóng tròn đến cỡ nào.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Doanh nhân, bầu Thắng cho biết ông mê bóng đá và muốn làm điều gì đó cho bóng đá nước nhà.

Bầu Thắng chính thức tiếp quản đội tuyển bóng đá tỉnh Long An năm 2000 và thành lập Câu lạc bộ Bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An (nay là Đồng Tâm – Long An) vào tháng 5-2002.

Bên cạnh niềm đam mê trái bóng tròn, giống như bầu Đức, bầu Thắng cũng thừa hiểu bóng đá là kênh marketing cực kỳ hiệu quả cho doanh nghiệp. Bầu Thắng cho biết, từ khi đầu tư cho đội bóng, mỗi năm Đồng Tâm tiết kiệm được vài chục tỉ đồng tiền quảng cáo so với trước.

Đầu tư cho bóng đá được trích thẳng từ nguồn ngân sách tiếp thị - quảng cáo hàng năm (chiếm 10-20% doanh thu) của các tập đoàn này. Quan điểm của bầu Thắng nhận được sự tán thành của giới marketing và đã được áp dụng rộng tại các CLB như Hà Nội ACB (bầu Kiên), Hòa Phát Hà Nội (bầu Long) hay SHB Đà Nẵng (bầu Hiển).

Chủ ngân hàng - Dấu chân mới ở lĩnh vực tài chính

Từ năm 2008, ông Thắng đã tham gia vào lĩnh vực tài chính với vai trò cổ đông sáng lập Công ty Chứng khoán Viễn Đông (VDSE), với vốn góp là 2,7 tỷ đồng (tương đương 2% vốn điều lệ).

Ông Võ Quốc Thắng bỏ phiếu tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của Ngân hàng TMCP Kiên Long

Ngày 26/4/2013, ông Võ Quốc Thắng chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kiên Long tại ĐHCĐ của Ngân hàng này. Tiếp quản vị trí này, trọng trách của bầu Thắng càng trở nên nặng hơn với vai trò mới - một ông chủ ngân hàng.

Năm 2012 tổng tài sản của ngân hàng Kiên Long đạt 18.573 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 9.683 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 2,93%/ tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế đạt 461 tỷ đồng. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2012 là 9%. Mạng lưới hoạt động đã được phát triển rộng khắp các tỉnh, thành phố, trung tâm kinh tế lớn với 1 Hội sở, 26 chi nhánh và 69 phòng giao dịch.

Hệ thống các công ty con, công ty liên kết và Công lạc bộ bóng đá Đồng Tâm - Long An của bầu Thắng.

CafeBiz

duchai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên