Hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực trọng điểm nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kiến nghị cần có thêm phương án án hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn đang hoạt động lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có nguy cơ bị mua bán, sáp nhập bởi doanh nghiệp nước ngoài.
- 13-06-2020Đừng để doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn hỗ trợ
- 09-05-2020Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 10 giải pháp, đề xuất về chính sách thuế, phí, tiền thuê đất... hỗ trợ doanh nghiệp
- 09-05-2020Chủ tịch Eurocham: Điều cần thiết là Việt Nam không chỉ bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, mà còn hỗ trợ các công ty nước ngoài
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, sáng 16/6, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, bên cạnh hỗ trợ theo quy mô thì cũng cần hỗ trợ theo lĩnh vực đối với những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID.
Theo ông Lộc, những doanh nghiệp trong lĩnh vực này thì bất kể doanh nghiệp lớn hay vừa và nhỏ đều cần phải được hỗ trợ. “Rất nhiều các doanh nghiệp lớn, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các dự án lớn đang đứng trước nguy cơ rất khó khăn và có thể họ đang đứng trước nguy cơ rình rập của tình trạng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp”, ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cũng cảnh báo, nếu không cứu các doanh nghiêp này thì trong tương lai chưa biết khu vực doanh nghiệp tư nhân còn nắm được những lĩnh vực kinh tế trọng yếu hay không, hay là sẽ nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài? Từ đó ông kiến nghị cần phải có ngay một phương án phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng một phương án hỗ trợ cho các ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng và đang gặp khó khăn như du lịch, hàng không.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nhân định, để doanh nghiệp có lãi trong năm 2020 là hết sức khó khăn. Vì thế, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính chất động viên nhiều hơn Còn những doanh nghiệp thật sự khó khăn hiện nay thì đang cần chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Ông Ngân đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ nên có thêm gói hỗ trợ khác. Cụ thể, Chính phủ trình ra Quốc hội thêm những gói hỗ trợ để giữ cho được doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang có thương hiệu. “Bởi vì, những doanh nghiệp này đang có thị trường tại các nước trên thế giới, chỉ vì một biến bất thường đó doanh nghiệp đang khó khăn thì chúng ta phải dùng nhiều giải pháp chứ không phải chỉ có hỗ trợ thuế”, ông Ngân nói.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu, trình Thủ tướng việc mở rộng đối tượng hưởng giảm thuế với doanh nghiệp vừa. Tuy nhiên, việc lựa chọn tiêu chí doanh nghiệp thụ hưởng cần thuận lợi và tránh rủi ro trong thực hiện. Ngoài ra, ông Dũng cho biết, trong thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình trước hết là giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô, khuyến khích sản xuất ô tô trong nước.
Tiền phong