Hóa chất, vật tư sắp cạn, Bệnh viện Việt Đức kiến nghị ‘cấp cứu của cấp cứu’
Trong khi Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề nghị “cấp cứu của cấp cứu” khi hóa chất, vật tư chỉ còn một tuần nữa để sử dụng, thì Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai lại lo lắng “không có tiền để trả lương mới cho cán bộ, nhân viên”.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức phản ánh việc hóa chất, vật tư phục vụ khám, chữa bệnh sắp hết
Hóa chất, vật tư chỉ đủ dùng cho một tuần
Tại cuộc tọa đàm “Ngành y vượt khó” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 23/2, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Trần Bình Giang cho biết, hiện tại không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh gần như đã hết; các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng trong cảnh tương tự.
Riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, theo ông Giang, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, Bệnh viện đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng, các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ nhưng rất khó khăn.
"Chỉ còn một tuần tới hai tuần nữa, nếu như chúng ta không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được”, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Trần Bình Giang
Nguyên nhân là do những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại Bệnh viện thực hiện. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng. Sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này, nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022.
“Đây là việc cấp cứu của cấp cứu, rất mong nhận được sự xử lý của các cấp lãnh đạo từ Bộ Y tế tới Chính phủ để tháo gỡ sớm. Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa, nếu như chúng ta không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được”, ông Giang nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Nguy cơ không có tiền để trả lương mới
Cùng chung hoàn cảnh, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh đang thiếu trầm trọng. “Chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách của Chính phủ để Bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh”, ông Cơ nói.
Ngoài ra, ông Cơ cho biết, Bệnh viện cũng đang vô cùng khó khăn về tài chính. Hiện tại, Bệnh viện đã phải sử dụng nguồn ngân sách, tức là nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm được trong hơn 10 năm qua để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên. Điều đó làm cho thu nhập của người lao động, của các y bác sĩ giảm rất nhiều. Đặc biệt, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ nỗi lo lắng lớn khi từ 1/7 tới đây bắt đầu chi theo lương mới, nhưng với nguồn chi hiện có đơn vị chưa chắc đã thực hiện được.
Trước vướng mắc được lãnh đạo hai bệnh viện lớn nêu ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang tập trung giải quyết. Hiện Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. “Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, tôi cho rằng cũng giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế như Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có ý kiến”, ông Tuyên nói.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cùng với đó, đã tham mưu ban hành các quy định liên quan đến vấn đề liên doanh, liên kết, để bảo đảm bảo chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế.
Tiền Phong