Hoa kiểng Tết tả tơi sau bão lũ
Bão số 3 và mưa lũ, ngập lụt khiến nhiều diện tích trồng đào, quất... vụ Tết năm nay ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên đứng trước nguy cơ mất trắng
- 19-09-2024Hà Nội: Xót xa hàng chục ngàn gốc đào Nhật Tân, Phú Thượng bị "xóa sổ" sau trận lũ, người dân lâm vào cảnh trắng tay
- 18-09-2024Sửa chữa xe máy bị ngập nước miễn phí cho bà con vùng lũ Yên Bái
- 18-09-2024Người dân vùng lũ lụt đang cần nhất những hàng hóa, vật dụng gì?
Nhật Tân được xem là "thủ phủ" đào ở Hà Nội và là làng đào nổi tiếng bậc nhất miền Bắc. Cây đào không chỉ là nguồn sinh kế mà còn là sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm") 4 sao, niềm tự hào của người dân Nhật Tân. Thế nhưng, bão lũ đã làm nước sông Hồng dâng cao gây ngập úng, khiến hàng ngàn gốc đào được chăm sóc, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đang chết rũ.
Không kịp trở tay
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Đỗ Thị Lợi - ngụ phường Nhật Tân, quận Tây Hồ - cho biết gần 1.000 gốc đào của gia đình bà đã chết hết. Mấy ngày nay, thay vì ra ruộng chăm bón, chính tay bà phải chặt bỏ từng gốc đào.
"Xót xa lắm, mưa lũ đã "cuốn trôi" gần 1 tỉ đồng, đẩy gia đình tôi vào cảnh nợ nần do đầu tư hàng trăm triệu đồng vào vườn đào năm nay" - bà Lợi ngậm ngùi.
Theo bà Lợi, còn hơn 4 tháng nữa đã tới Tết Nguyên đán nên không đủ thời gian trồng lại đào. Thậm chí, nhà vườn phải mất 2-3 năm mới có thể khôi phục, trồng lại các gốc đào đẹp.
Ngoài đào, nhiều diện tích quất cảnh chuẩn bị cho mùa hoa Tết năm nay cũng đang héo úa. Anh Long, chủ nhà vườn Long Tú ở quận Tây Hồ, cho biết 700 cây quất cảnh của gia đình anh đã chết. "Trung bình mỗi cây có giá khoảng 1 triệu đồng, tính ra sau đợt bão lũ này gia đình tôi thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. Diện tích trồng quất xem như bị xóa sổ" - anh rầu rĩ.
Do diện tích trồng đào, quất cảnh của người dân các phường: Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên nằm ngoài bãi sông Hồng nên khi nước sông dâng cao đều bị ngập. Theo những người dân quận Tây Hồ có kinh nghiệm trồng đào, quất mấy chục năm nay, đây là lần đầu tiên nước sông Hồng lên nhanh và cao như vậy nên nhà vườn không kịp trở tay, thiệt hại nặng nề.
Thống kê sơ bộ của quận Tây Hồ cho thấy thiệt hại về cây trồng do mưa lũ trên địa bàn ước tính khoảng 161,1 ha, tương đương 132,18 tỉ đồng. Trong đó, 35,5 ha quất bị ngập, thiệt hại khoảng 37,05 tỉ đồng - phường Tứ Liên 35 ha, phường Nhật Tân 0,5 ha... Với diện tích trồng đào, 105 ha trên địa bàn bị ngập, thiệt hại khoảng 85,26 tỉ đồng - phường Nhật Tân 80 ha, phường Phú Thượng 25 ha.
Không riêng Hà Nội, nhiều "thủ phủ" đào thế, quất cảnh ở phía Bắc cũng bị thiệt hại, đáng chú ý là xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông Nguyễn Hữu Lập, Chủ tịch UBND xã Tứ Dân, cho biết theo thống kê sơ bộ, 70-80 ha đào, quất ở địa phương đã chết do ngập úng.
Mùa hoa Tết các năm trước, mỗi gia đình trồng đào, quất ở xã Tứ Dân có thể thu về từ vài trăm triệu tới hàng tỉ đồng, nhưng nay chỉ còn là vườn cây chết rũ. Ông Lập thông tin xã đang thống kê thiệt hại của từng nhà vườn để báo cáo cấp trên, từ đó kiến nghị chính sách hỗ trợ cho người dân.
Tìm cách nhanh chóng khôi phục
Tại Hải Phòng, mỗi năm, nông dân xã Đặng Cương, huyện An Dương thu về gần 100 tỉ đồng nhờ quất cảnh, đào thế và hải đường. Năm nay, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến các vườn cây bị tàn phá, ngập úng.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, 100% diện tích đào, quất, hải đường của địa phương bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau. Trong đó, 75%-80% diện tích xem như mất trắng do cây chết úng. Người dân cố gắng cứu cây, giữ giống để chuẩn bị mùa Tết năm sau với 15%-20% diện tích. Khoảng 10% diện tích còn lại có thể khắc phục để bán hoa kiểng ra thị trường dịp Tết sắp tới nhưng chất lượng không được như các năm trước.
Ông Quốc Anh cho biết những năm gần đây, diện tích trồng đào ở xã Đặng Cương tuy không tăng nhưng người dân đầu tư theo chiều sâu. Họ chọn trồng những cây có giá đến 25-30 triệu đồng/gốc, vì vậy thiệt hại do bão lũ cũng rất lớn.
Đề cập vấn đề khôi phục diện tích hoa kiểng, cây cảnh phục vụ Tết ở xã Đặng Cương, ông Quốc Anh cho rằng vì cả năm mới có một vụ nên không thể thực hiện nhanh đối với những vườn đào, quất đã chết. Với rau màu ngắn ngày, UBND xã sẽ vận động người dân thu hoạch vớt vát phần còn lại, đồng thời nhanh chóng tiêu thoát nước, làm ruộng, phơi đất để xuống giống trồng lứa mới.
Việc đầu tư cho vụ đào, quất năm sau hoàn toàn phụ thuộc khả năng tài chính của các hộ dân, bởi hiện hầu hết đều phải vay vốn ngân hàng. Mất mùa do bão lũ đã khiến nhiều người trắng tay vì không thu được tiền nên việc mua lại gốc, tạo phôi giống càng khó khăn gấp bội… Vì vậy, lãnh đạo xã Đặng Cương mong muốn nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ các hộ dân chịu thiệt hại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, nhấn mạnh quận đã xây dựng kế hoạch, bố trí khoảng 85 tỉ đồng hỗ trợ người dân vay phục hồi sản xuất - ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nhằm khôi phục những vườn đào, quất ngoài bãi sông Hồng. Bên cạnh giãn nợ, cho vay vốn với lãi suất 0%, quận Tây Hồ còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn người dân khẩn trương dọn dẹp, khắc phục ảnh hưởng bão lũ để tổ chức canh tác lại cây ngắn ngày nhằm bảo đảm cuộc sống.
Chuyển sang trồng hoa ngắn ngày
Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết sẽ hướng dẫn nhà vườn ở phường Phú Thượng chuyển sang trồng hoa dơn, loa kèn; khu vực phường Nhật Tân thì tổ chức trồng hoa cúc; phường Tứ Liên chuyển sang trồng màu... để bảo đảm cuộc sống của người dân cũng như phục vụ Tết Nguyên đán.
Nhiều người dân trồng đào, quất ở quận Tây Hồ cũng đang tích cực dọn dẹp, chặt bỏ cây chết, trồng hoa ngắn ngày để kịp đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Người Lao Động