MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hòa Phát, An Phát Holdings và nhiều công ty Nhật, Hàn có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng đang hoạt động tại Hải Dương

19-02-2021 - 06:47 AM | Doanh nghiệp

Hòa Phát, An Phát Holdings và nhiều công ty Nhật, Hàn có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng đang hoạt động tại Hải Dương

Hải Dương xếp thứ 7 cả nước về số lượng người lao động (năm 2018), các doanh nghiệp top đầu tỉnh đều là công ty sản xuất sử dụng nhiều nhân công.

Tỉnh Hải Dương đang là tâm dịch của cả nước trong làn sóng bùng phát mới này. Theo chuyên gia dịch tễ, địa bàn tỉnh Hải Dương phức tạp khi có nhiều khu công nghiệp đông công nhân, dân cư đông đúc, ảnh hưởng đến các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, dịch xảy ra vào giai đoạn giáp Tết khiến công tác chống dịch khó khăn.

Ổ dịch tại Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam, 2.000 công nhân đã sớm được đưa đi cách ly. Tỉnh Hải Dương yêu cầu công ty này dừng mọi hoạt động sản xuất và có biện pháp xử lý nghiêm do xảy ra dịch COVID-19 và bùng phát với số lượng lớn ca bệnh.

Điều này cũng là rủi ro lớn đối với các công ty trên địa bàn tỉnh, nhất là với những đơn vị sản xuất có lượng công nhân đông đảo. Việc phải dừng sản xuất do dịch sẽ là tổn thất lớn với bất kỳ doanh nghiệp nào, tệ hơn với quy mô càng lớn.

Mới đây, tỉnh Hải Dương đã có văn bản trả lời công văn của Poyul Việt Nam xin cho nhà máy Phú Thái được đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch. Theo đó, nhà máy sẽ được hoạt động trở lại nếu đủ điều kiện, và phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải xét nghiệm bắt buộc cho tất cả lao động làm việc, khi có kết quả âm tính mới được cho đi làm, kinh phí xét nghiệm công ty tự chi trả. Poyul Việt Nam cũng được yêu cầu thường xuyên tự đánh giá, chấm điểm theo bộ tiêu chí, kịp thời khắc phục những nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra. Đồng thời, công ty cũng phải tuyên truyền cho người lao động áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách…

Không chỉ riêng Poyul Việt Nam, hàng chục nghìn công nhân tỉnh Hải Dương được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Bởi lúc này, bất cứ sự lơ là hoặc chủ quan nào cũng có thể sẽ phải trả trả giá đắt.

Hải Dương nằm trong top 15 tỉnh, thành có lực lượng lao động đông đảo nhất cả nước (theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2019). Tổng số lao động tại các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh năm 2018 ghi nhận hơn 350 nghìn người, đứng thứ 7.

Hòa Phát, An Phát Holdings và nhiều công ty Nhật, Hàn có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng đang hoạt động tại Hải Dương - Ảnh 1.
Hòa Phát, An Phát Holdings và nhiều công ty Nhật, Hàn có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng đang hoạt động tại Hải Dương - Ảnh 2.

KQKD của 10 doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Hải Dương

Hải Dương sở hữu nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước với doanh thu lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp dẫn đầu hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm sản xuất thép, điện tử, nhựa, năng lượng, dệt may, xi măng… Đây đều là những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Ngôi vị lớn nhất về doanh thu tại Hải Dương thuộc về Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương (thuộc Tập đoàn Hòa Phát). Năm 2019, công ty thu về gần 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 4.450 tỷ đồng.

Hai công ty FDI lần lượt xếp hai vị trí tiếp theo. Công ty Brother Industries Vietnam sản xuất các loại máy in, máy scan thu về 19.350 tỷ đồng; lãi ròng 336 tỷ đồng. Công ty Sumidenso Vietnam sản xuất linh kiện xe hơi, doanh thu 12.131 tỷ đồng; lợi nhuận 439 tỷ đồng.

Nhóm xếp tiếp theo về độ lớn doanh thu có An Phát Holdings, nhà sản xuất bao bì, nhựa và thương mại hạt nhựa thu về 9.513 tỷ đồng; Posco Việt Nam Holdings thương mại thép gần 8.400 tỷ đồng; nhiệt điện Phả Lại 8.183 tỷ đồng; UMC Electronics sản xuất linh kiện điện tử 7.900 tỷ đồng; KEFICO Vietnam linh kiện ô tô 7.460 tỷ đồng; May Tinh Lợi, dệt may, doanh thu hơn 5.200 tỷ đồng…

Các doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Hải Dương có hiệu quả sinh lời tốt, lợi nhuận mỗi năm từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Một doanh nghiệp lớn khác tại Hải Dương là Xi măng Hoàng Thạch. Theo báo Người Lao động, doanh nghiệp này đã bị phong tỏa tạm thời từ chiều 18/2 và lấy mẫu xét nghiệm đối với 1.635 người lao động ngay sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại công ty.

Trước nguy cơ lây nhiễm từ tỉnh Hải Dương, các tỉnh/thành lân cận tổ chức siết chặt kiểm soát điều kiện thông thương, trong đó có hai địa phương của ngõ là Hải Phòng và Quảng Ninh. Xuất hiện tình trạng không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả sang tải tại các chốt giáp ranh.

Phía tỉnh Hải Dương đã đề nghị Bộ Công thương, các địa phương lân cận, tạo điều kiện cho các phương tiện giao nhận hàng hóa được ra vào để lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ và thông quan xuất khẩu theo đúng kế hoạch. Động thái này có thể giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh yên tâm phần nào.

Đông A

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên