Hòa Phát: Chúng tôi sẽ cạnh tranh sòng phẳng với Hoa Sen trên thị trường tôn mạ
"Tương tự như thép xây dựng, khi Hòa Phát bắt đầu tham gia thị trường, đã có rất nhiều công ty thép xây dựng lớn hơn, “khủng” hơn Hòa Phát rất nhiều. Nhưng hiện nay chúng tôi đã vươn lên vị thế số 1 trên thị trường."
- 25-04-2016Giá thành khai thác quá cao, Hòa Phát xin trả lại mỏ quặng sắt tại Hà Giang
- 16-04-2016Hòa Phát phải nhập khẩu hơn 1,6 triệu tấn quặng sắt năm 2016
- 14-04-2016Cổ đông Hòa Phát thật buồn khi nhìn đồ thị này
Mới đây, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố gia nhập thị trường tôn mạ với quyết định đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tôn mạ màu Hòa Phát tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên, công suất 400.000 tấn/năm. Dự kiến nhà máy bắt đầu khởi công từ tháng 5/2016, hoàn thành sau 18 tháng và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2018.
Đánh giá về điều này, CTCK HSC cho rằng Hòa Phát sẽ cạnh tranh trực tiếp với Hoa Sen tại thị trường phía Bắc khi “đại gia” ngành tôn mạ này đang có tham vọng ngày càng lớn tại đây.
Xung quanh quyết định đầu tư nhà máy tôn mạ màu, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, giám đốc Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, phụ trách trực tiếp dự án này đã chia sẻ một vài thông tin với chúng tôi.
Thưa ông, tại sao Hòa Phát lại quyết định thâm nhập thị trường tôn mạ?
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Có nhiều yếu tố dẫn đến quyết định tham gia thị trường tôn mạ của Hòa Phát. Trước hết, Ban lãnh đạo Hòa Phát đánh giá tôn mạ màu, tôn mạ lạnh (mạ nhôm kẽm) là những sản phẩm trong chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm thép – ngành hàng chủ lực, cốt lõi của Tập đoàn.
Thứ hai, theo nghiên cứu, thị trường phía Bắc chưa có nhà máy sản xuất nào được đầu tư hoàn chỉnh từ tẩy gỉ, cán, mạ, sơn. Trong khi mức độ tăng trưởng của thị trường hàng năm luôn đạt trên 15% với sản lượng tiêu thụ trung bình khoảng gần 3 triệu tấn. Do đó, dự án sản xuất tôn mạ màu của Hòa Phát sẽ bù đắp cho những khu vực thị trường thiếu hụt sản phẩm, nhất là phân khúc sản phẩm tầm trung và cao cấp.
Đối với tôn mạ màu, Hòa Phát đã nghiên cứu phát triển từ cách đây 18 năm rồi. Nhưng hiện tại mới là thời điểm thích hợp nhất về thị trường, vốn và thương hiệu cho việc ra sản phẩm tôn mạ.
Thị trường tôn mạ đã có một “ông lớn” là tôn Hoa Sen. Khi gia nhập vào mảng này, Hòa Phát sẽ chọn cách cạnh tranh như thế nào với Hoa Sen?
Tương tự như thép xây dựng, khi Hòa Phát bắt đầu tham gia thị trường thì đã có rất nhiều công ty thép xây dựng lớn hơn, “khủng” hơn Hòa Phát rất nhiều. Nhưng hiện nay chúng tôi đã vươn lên vị thế số 1 trên thị trường. Chúng tôi quan niệm bất cứ sản phẩm nào cũng có cạnh tranh, đó là việc hết sức bình thường. Trong ngành hàng tôn mạ, không chỉ có Hoa Sen mà còn có hàng chục công ty khác. Hòa Phát xác định cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị khác.
Nhưng với thương hiệu của Hòa Phát, khi gia nhập thị trường này, công ty có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn hẳn nhiều đơn vị khác?
Hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất sắt thép đúng là lợi thế lớn nhất của chúng tôi. Riêng về cán, tẩy gỉ, mạ các sản phẩm ống thép, tôn mạ, Hòa Phát đã có sản phẩm ra thị trường từ hơn 8 năm về trước. Thép xây dựng và ống thép đều có thị phần dẫn đầu thị trường.
Điều thuận lợi quan trọng nhất là Hòa Phát có thương hiệu lớn chuyên về thép, có hệ thống phân phối, đại lý trên khắp cả nước. Các nhà phân phối này song song việc bán hàng ống thép, thép xây dựng thì thường bán cả tôn mạ màu, mạ lạnh. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo đầu ra ngay khi sản phẩm có mặt trên thị trường. Rất nhiều đại lý của thép Hòa Phát bày tỏ mong mỏi được phân phối sản phẩm tôn mạ màu, mạ lạnh của Tập đoàn ngay sau khi Hòa Phát có sản phẩm.
Còn khó khăn, đó là khó khăn chung của toàn ngành thép Việt Nam.
Sau khi hoạt động, khả năng đem lại doanh thu, lợi nhuận từ nhà máy tôn mạ này dự kiến như thế nào?
Dự kiến, sau khi nhà máy tôn mạ màu đi vào hoạt động ổn định, đủ công suất sẽ đóng góp thêm khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho Hòa Phát. Còn về lợi nhuận, Hòa Phát tin rằng dự án tôn mạ màu sẽ có lợi nhuận ngay từ năm đầu tiên ra sản phẩm với tỷ suất lợi nhuận đạt mức như các công ty tôn mạ khác trên thị trường.
Xin công ty chia sẻ về nguồn vốn để đầu tư nhà máy?
Dự án nhà máy tôn mạ màu Hòa Phát có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng (trong đó có 2.000 tỷ vốn cố định), Hòa Phát sẽ đầu tư đồng bộ từ công đoạn tẩy rửa, cán nguội, mạ kẽm/ mạ lạnh đến sơn màu. Sản phẩm đầu ra của Nhà máy sẽ là tôn tẩy gỉ, tôn cán nguội (full hard), tôn mạ lạnh, mạ kẽm và sơn màu.
Về nguồn vốn, theo truyền thống, Hòa Phát luôn có tỷ lệ vốn tự có cao hơn vốn vay để đảm bảo an toàn tài chính. Hòa Phát hoàn toàn có đủ nguồn lực tài chính cho dự án này, dự kiến gồm 60% vốn tự có và 40% vốn vay ngân hàng.
Có ý kiến cho rằng, Hòa Phát đang gặp khó với thép xây dựng nên phải xoay sang các sản phẩm mới?
Hòa Phát không hề khó khăn về thép xây dựng. Thực tế kết quả kinh doanh của Hòa Phát là câu trả lời rõ nhất, không cần phải nói gì thêm. Việc ra sản phẩm mới tôn mạ màu như chúng tôi đã nói là một mảnh ghép khép kín của Tập đoàn Hòa Phát về kinh doanh thép.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!
Trí Thức Trẻ