MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận 9.000 - 10.000 tỷ năm 2020, tự tin vượt Formosa trở thành tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam vào năm 2021

15-05-2020 - 22:45 PM | Doanh nghiệp

Trái ngược hẳn với phong cách từ trước tới nay là "cực kỳ thận trọng", và làm gì cũng chắc và chậm như "xe lu", Chủ tịch Trần Đình Long ở kỳ họp lần này khá lạc quan về tình hình kinh doanh của Hòa Phát và cho rằng ngành thép chịu tác động "rất ít" bởi Covid-19, thậm chí là hưởng lợi từ đầu tư công, khi Chính phủ các nước đẩy mạnh giải ngân để chi tiêu tài khoá.

Chiều nay, CTCP Tập đoàn Hòa Phát tổ chức cuộc họp các nhà phân tích (analyst meeting) trước thềm đại hội cổ đông 2020 diễn ra vào tháng 6.

"Trước dịch, Hòa Phát có liên hệ với McKinsey để tư vấn, họ có làm báo cáo so sánh thì Hòa Phát đạt thành tích tốt hơn hầu hết các công ty khác xếp theo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận", ông Long hào hứng.

Kế hoạch kinh doanh tăng trên 30% so với thực hiện 2019, cổ tức 20% bằng cổ phiếu 5% tiền mặt

Do tác động của Covid, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu từ 85.000 – 90.000 tỷ đồng (tăng 31-39% so với thực hiện năm 2019 là 64.677 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đặt kế hoạch từ 9.000 – 10.000 tỷ (tăng từ 18-32% so với thực hiện 2019 là 7.578 tỷ). Chủ tịch Trần Đình Long cho biết kế hoạch này cần phải trình HĐQT thông qua trước khi trình ra ĐHCĐ vào tháng 6.

Mức cổ tức chia năm 2019 dự kiến sẽ là 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. "Các bạn đừng thấy 5% là con số bé, đó là con số rất lớn ở thời điểm hiện tại nếu so với hàng trăm công ty trên sàn. Từ năm 2020 Hòa Phát bắt đầu giảm đầu tư nên sẽ quay lại chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm", ông Long chia sẻ.

Với số cổ phiếu đang lưu hành ở thời điểm hiện tại, để chia cổ tức bằng tiền mặt 5%, dự kiến Hòa Phát sẽ phải chi hơn 1.380 tỷ để trả cho cổ đông, con số này tương đương với chi phí lãi vay 2 quý của công ty trong bối cảnh Dung Quất đang phải vay ngân hàng để tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 cho thấy "vua thép" đang tự tin đến mức nào.

Năm 2019 Hòa Phát chiếm 31% thị phần thép xây dựng, mong muốn của ông Long sẽ lên khoảng 40%. "Thường sẽ đạt được, vì ngoài bán hệ thống đại lý dân dụng, Hòa Phát đang tiến vào phía nam rất tốt", ông Long nhận định. 

Quý I tăng trưởng nhiều ở phần dân dụng, hiện tại tỷ lệ tiêu thụ vào dân dụng 70%, 30% vào công trình, chất lượng cao khoảng 7%.

Covid-19: Ngành thép sẽ tăng trưởng dương

Đánh giá về tác động của Covid-19, Chủ tịch Long cho rằng ngành thép ít bị ảnh hưởng, sau khi các nền kinh tế phong tỏa thì hậu tái thiết sẽ phải đầu tư công rất nhiều. Gói đầu tư công 700.000 tỷ của Việt Nam chủ yếu giải ngân vào đường xá cầu cống, thì thép sẽ tiêu thụ tương đối tốt. "2020 tăng trưởng tiêu thụ thép sẽ là số dương chứ không phải số âm", ông Long nhận định.

Ông Long cũng chia sẻ, năm 2019 Hòa Phát đóng góp ngân sách gần 7.000 tỷ, tương đương một tỉnh xếp thứ 40 của Việt Nam, "do đó với vai trò là doanh nghiệp lớn, Hòa Phát sẽ không xin mà mình phải có trách nhiệm đóng góp nữa, chỉ mong chế độ chính sách nhất quán, lâu dài tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã làm quá tốt, không có gì phải bàn, còn chủ trương của Hòa Phát từ trước tới giờ là khó khăn nào cũng phải vượt qua".

Về khó khăn do đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã mở cửa, nhưng một số nước hiện nay chưa cho đi, nên tiến độ HRC phụ thuộc chuyên gia nhiều. Theo tiết lộ của ông Long, Hòa Phát tìm cách thậm chí tính đến việc thuê máy bay charter để đưa chuyên gia sang. Dự tính HRC sẽ chạy thử trong tháng 6 và tháng 8-9 sẽ chạy thương mại được, tháng 9 HRC sẽ đóng góp cho doanh thu và lợi nhuận.

Năm 2020, Hòa Phát đặt kế hoạch 3,6 triệu tấn thép xây dựng, 800.000 tấn phôi, 500.000 tấn HRC (bắt đầu chạy từ tháng 9). Sản lượng công ty tôn năm 2020 là 120.000 tấn.

Chi phí lãi vay 3.000 tỷ năm 2020 nhưng tỷ lệ nợ vay vẫn còn rất thận trọng

Theo chia sẻ của Giám đốc tài chính Phạm Thị Kim Oanh, dự kiến năm 2020 chi phí lãi vay của Tập đoàn rơi vào khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó riêng quý I là 800 tỷ. Ở thời điểm 31/3/2020, Hòa Phát đang vay nợ 41.000 tỷ trong đó 21.000 tỷ vay ngắn hạn và 20.000 tỷ vay dài hạn. Dung Quất sẽ tiếp tục tăng giải ngân dài hạn, dự kiến cuối năm vay dài hạn sẽ lên 22-23 nghìn tỷ và vay nợ ngắn hạn tăng thêm 3.000 tỷ. Dự kiến cuối năm tổng vay nợ của Hòa Phát khoảng 46.000 tỷ, với lượng tiền mặt tăng tương ứng, vay nợ ròng của Hòa Phát sẽ vào khoảng 35-36 nghìn tỷ, hệ số vay nợ ròng/vốn chủ sở hữu vào khoảng 0,7 lần.

Dung Quất đã ghi nhận gần như 2 lò cao và các nhà máy cán, một số hạng mục cảng. Năm 2019 ghi nhận khấu hao 2.600 tỷ, sau khi hoàn thành một phần lớn dự án Dung Quất giai đoạn 1 và một số dự án cán giai đoạn 2 đưa vào hoạt động 2020 thì tổng khấu hao năm 2020 dự kiến hơn 5.000 tỷ.

Theo ông Long, tỷ lệ vay của Hòa Phát chiếm 0,3-0,4 tổng tài sản và 0,7 vốn chủ, "thấp lắm, vay nợ của HP như thế là quá thấp, tôi bị các tổ chức tài chính nói không tận dụng công cụ tài chính, vay ít quá". "Nhìn con số 40.000 tỷ là ghê nhưng nhìn vào quy mô, doanh thu, lợi nhuận thì không nhiều. Mọi người cứ hình dung khu Dung Quất to tương đương với quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ấy".

Quý I Hòa Phát ghi nhận lỗ tỷ giá 293 tỷ do đánh giá lại khoản công nợ phải trả 700 triệu USD tại thời điểm 31/3 theo tỷ giá Vietcombank. Tuy nhiên hiện tại sang quý II do nhà nước kiểm soát tốt tỷ giá nên sẽ có lãi chênh lệch tỷ giá trong quý II.

Xuất khẩu phôi sang Trung Quốc có lãi

Quý I/2020 Hòa Phát xuất khẩu rất mạnh trong đó có xuất khẩu phôi sang Trung Quốc. Theo ông Long, việc Hòa Phát tiếp cận được thị trường Trung Quốc "là một phép thử tuyệt vời, vì vào được thị trường Trung Quốc là không còn gì để nói nữa. Trung Quốc là một cường quốc sản xuất 60% sản lượng thép của toàn thế giới, mà Hòa Phát vào được cho thấy sức cạnh tranh tốt như thế nào". Tuy nhiên chính sách của Hòa Phát không bỏ hết vào một giỏ nên Tập đoàn phát triển các thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

"Quan trọng là giá mình có cạnh tranh không, đấy là gốc rễ của vấn đề", ông Long nói. "Công đoạn càng ngắn, margin càng thấp, nhưng tôi khẳng định xuất khẩu phôi có lãi, theo giá thị trường, tất nhiên là không cao như thép thành phẩm, nhưng quan trọng nhất là xuất đi được sang Trung Quốc".

Tuy nhiên ông Long khẳng định thị trường chính của Hòa Phát là nội địa chứ không phải xuất khẩu.

2021 sẽ là tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam chứ không phải Formosa

Một chuyên viên phân tích đặt câu hỏi về tiêu thụ quặng trong nước, ông Long liên hệ sang Formosa, "Cách đây 3-4 cuộc gặp cổ đông trước đây, chúng tôi đã nói mọi sự so sánh Hòa Phát với Formosa hơi khiên cưỡng, đến 2021 khi 4 lò cao của Hòa Phát đi vào hoạt động thì Hòa Phát sẽ lớn nhất Việt Nam chứ không phải Formosa với 8 triệu tấn thép thô/năm, Formosa sản xuất 6,5 triệu tấn". 

Với quy mô như vậy mỗi năm tập đoàn sẽ tiêu thụ khoảng 13 triệu tấn quặng, khi đó nhu cầu quặng sắt dựa hoàn toàn vào nhập khẩu.

Một điểm "thiên thời, địa lợi" của Hòa Phát là hiện tại giá nguyên vật liệu đều xuống thấp so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi than chiếm 35-40%, quặng chiếm 30-35% giá thành sản xuất, thì với những khu liên hợp làm từ thượng nguồn như Hải Dương hay Dung Quất sẽ có giá rất cạnh tranh.

Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận 9.000 - 10.000 tỷ năm 2020, tự tin vượt Formosa trở thành tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam vào năm 2021 - Ảnh 1.

Tháng 6/2020 cảng tại Dung Quất sẽ đón tàu 200.000 tấn đầu tiên

Về cảng, tiến độ gần xong đạt trên 95%, những phần khó khăn nhất là đá ngầm đã giải quyết phần cơ bản, dự kiến tháng 6 này Cảng Dung Quất sẽ đón được tàu đầu tiên 200.000 tấn, tàu càng to cước càng rẻ, như vậy Hòa Phát có thể mua quặng thẳng từ Brazil, Nam Phi mà không cần qua các cảng chung chuyển, chi phí sẽ rẻ hơn.

Theo ông Long, cảng Hòa Phát Dung Quất "quá khó khăn để làm, nhưng hiệu quả nhận được rất xứng đáng. Cảng là lợi thế tuyệt đối của Hòa Phát, khi nhập than về nhập tàu lớn, rồi chia về cho Dung Quất hay Hải Dương đều có lợi. Đó là địa lợi của cảng độ sâu, trên lãnh thổ Việt Nam không nơi nào có được lợi thế này".

Ông Long cho rằng cảng cũng là một "vũ khí" của Hòa Phát để cạnh tranh với Formosa. "Ngày hôm nay Hòa Phát đủ tự tin cạnh tranh với anh phía Bắc này rồi, Formosa không quá nhiều lợi thế so với Hòa Phát nữa đâu". Nếu nhập từ Úc về Dung Quất còn rẻ hơn vì gần hơn.

Mảng nông nghiệp: Kế hoạch 1.200 tỷ lợi nhuận năm 2020

Ông Long đánh giá "mảng nông nghiệp quá tốt", "2 con bò nhập khẩu từ Úc thì chúng tôi có 1 con, 5 tuổi bước chân vào ngành bò, làm cẩn thận và vững chắc, trứng gà hiện nay cũng đang số 1 Việt Nam mỗi ngày tiêu thụ 400.000 quả".

Mặc dù quý I lợi nhuận nông nghiệp đã đạt 500 tỷ, nhưng ông Long cho rằng không thể nhân 4 kết quả của quý I cho cả năm vì có thể cuối năm giá thịt heo sẽ giảm do yêu cầu của Chính phủ muốn kéo giá heo hơi xuống.

Ở thời điểm hiện tại, Hòa Phát mỗi năm tiêu thụ khoảng 150.000 con bò, 200.000 con heo. Tỷ trọng lợi nhuận phân bổ mảng heo 60%, bò 30% và 10% còn lại từ gà và thức ăn chăn nuôi. Công ty đặt mục tiêu nâng sản lượng trứng gà từ nay đến cuối năm lên 700.000 quả/ngày.

Ông Long cũng cho rằng các bước đi mảng nông nghiệp sẽ vẫn thận trọng do vấn đề môi trường và dịch bệnh.

Kết luận buổi họp, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho rằng "từ trước tới nay mọi người đều cho rằng lãnh đạo của Hòa Phát rất cẩn trọng và bảo thủ, chúng tôi đi tiên phong và cũng liều nhưng qua đợt Covid vừa rồi bước đi của Hòa Phát nhận được kết quả tốt. Nhiều doanh nghiệp khác đang ngồi trên đống lửa trả nợ, chúng tôi cầm 7.000 tỷ thoải mái, còn xin ĐHCĐ trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Toàn bộ doanh thu năm nay không xây dựng trên HRC nên vẫn vững vàng. Bảo thủ vẫn có mặt tích cực chứ không phải không. Năm nay HRC không có cũng không sao, chúng tôi vẫn trả lãi ngân hàng thoải mái, vẫn chia cash cho cổ đông".

"Trong đại dịch lần này có khi tôi lại là người lạc quan quá. Chuyện tương lai không ai biết được trước, tiêu thụ thép giảm thì nguyên vật liệu cấu thành giá thép giảm theo. Việt Nam đang trong thời kỳ xây dựng nhiều, quan trọng nhất là tiêu thụ, không bán được hàng thì giá bao nhiêu cũng vô nghĩa hết", ông Long chia sẻ.

Châu Cao

Tổ Quốc

Trở lên trên