Hòa Phát (HPG) rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán
Thời đỉnh cao, Hòa Phát là doanh nghiệp giá trị lớn thứ 4 sàn chứng khoán nhưng việc vốn hóa mất đến gần 128.000 tỷ đồng (~5,5 tỷ USD) trong khoảng 9 tháng qua đã khiến “vua thép” mất vị thế.
Sau nhịp hồi ngắn ngủi, cổ phiếu HPG của Hòa Phát lại tiếp tục có xu hướng điều chỉnh. Cổ phiếu này giảm 2 phiên liên tiếp qua đó rơi xuống mức 21.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa còn 127.344 tỷ đồng. Con số này không đủ để doanh nghiệp đầu ngành thép giữ được một vị trí trong top 10 vốn hóa trên sàn chứng khoán.
Chỉ 9 tháng trước, Hòa Phát còn ở đỉnh cao và là doanh nghiệp giá trị lớn thứ 4 sàn chứng khoán chỉ sau Vietcombank (mã VCB), Vingroup (mã VIC) và Vinhomes (VHM). So với đỉnh, vốn hóa của Hòa Phát đã mất đi gần 128.000 tỷ đồng (~5,5 tỷ USD). Con số này thực tế không phải là sự mất mát lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp top đầu tuy nhiên xuất phát điểm thấp khiến "vua thép" bị rớt đài.
Tương quan vốn hóa giữa HPG và các doanh nghiệp giá trị nhất sàn
Trước đó, con sóng lớn chưa từng có bắt đầu từ đáy Covid hồi cuối tháng 3/2020 kéo dài đến tận cuối quý 3 năm ngoái đã đưa Hòa Phát bứt phá mạnh mẽ trên đường đua vốn hóa. Doanh nghiệp đầu ngành thép nhanh chóng vượt qua hàng loạt ngân hàng tên tuổi trước khi quay đầu chóng vánh tại đỉnh. Nhịp giảm sâu hơn nhiều so với thị trường chung khiến Hòa Phát đánh mất vị thế dù hầu hết các Bluechips cũng không giữ được phong độ.
Sự tụt hạng của Hòa Phát khiến top 10 vốn hóa trên HoSE không còn bóng dáng của ngành công nghiệp nặng. Nhóm này hiện tại chủ yếu gồm ngân hàng và bất động sản bên cạnh một vài doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, dầu khí như Vinamilk (mã VNM), Masan (mã MSN), PV Gas (mã GAS).
Top 10 vốn hóa trên HoSE không còn doanh nghiệp đầu ngành thép
Dù không còn trong top 10 vốn hóa nhưng Hòa Phát vẫn dẫn đầu 3 sàn về vốn điều lệ với hơn 58.000 tỷ đồng, vượt qua cả các nhà băng lớn nhất nhất thị trường. Số lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (free float) cũng nhiều nhất sàn với gần 3,2 tỷ đơn vị. Nhờ đó, HPG thường xuyên giao dịch đầy sôi động, thậm chí gánh thanh khoản cả thị trường. Thời đỉnh cao, giá trị giao dịch trên cổ phiếu này nhiều phiên còn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hòa Phát vẫn dẫn đầu toàn sàn về vốn điều lệ
Cổ phiếu HPG sụt giảm trong bối cảnh nhiều yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh, điển hình là giá thép. Trong 10 tuần qua, giá thép nội địa đã giảm 10 lần liên tiếp với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,6 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Tại thị trường thế giới, giá HRC cũng giảm gần 40% trong 4 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn. So với đỉnh vào giai đoạn tháng 9-10 năm ngoái, con số này thậm chí còn vượt hơn 50%. Tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai hiện đang dao động quanh mức 3.800 nhân dân tệ/tấn, giảm 35% so với đỉnh và đánh mất toàn bộ đà tăng trong năm trước.
Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc giảm mạnh
Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với nửa đầu năm ngoái. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6%. Riêng bán hàng thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu 2021 và chiếm hơn 36% thị phần toàn ngành.
Sản lượng tiêu thụ tăng nhưng do giá thép liên tục đi xuống nên doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Ngay tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra cuối tháng 5, Chủ tịch Trần Đình Long đã cảnh báo kết quả kinh doanh ngành thép những tháng tới sẽ "thê thảm".
Thực tế đã chứng minh nhận định của ông Long là hoàn toàn có cơ sở khi chỉ mới vào đầu mùa báo cáo tài chính quý 2 đã có một loạt doanh nghiệp thép như Gang thép Thái Nguyên (mã TIS), Thép SMC (mã SMC), Gang thép Cao Bằng (mã CBI), Thép Mê Lĩnh (mã MEL),...báo lãi sụt giảm mạnh từ 75% đến hơn 90% so với cùng kỳ, thậm chí Thép Thủ Đức (mã TDS) còn lỗ.
Hiện Hòa Phát vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã ước tính lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ngành thép có thể giảm đến 49% trong quý 2 xuống còn 4.979 tỷ đồng bất chấp doanh thu dự phóng tăng 8,5% lên mức 38.120 tỷ đồng.
Nhịp sống kinh tế