MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hòa Phát nghiên cứu đầu tư Dung Quất 3, nâng tổng công suất lên 21 triệu tấn/năm

25-05-2022 - 07:51 AM | Doanh nghiệp

Hòa Phát nghiên cứu đầu tư Dung Quất 3, nâng tổng công suất lên 21 triệu tấn/năm

Ông Trần Đình Long cho rằng giá thép giảm như hiện tại đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong ngành.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát ( HoSE: HPG ) chia sẻ ngành thép hiện gặp nhiều khó khăn. “Mọi người đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV sẽ thấy kết quả thê thảm thế nào”, ông Long nói.

Nhận định của "vua thép" đưa ra khi nhiều cổ đông cho rằng công ty đang đặt mục tiêu quá thận trọng. Kế hoạch kinh doanh năm gồm doanh thu 160.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 25.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu kinh doanh năm nay ghi nhận tăng trưởng gần 7% về mặt doanh thu nhưng giảm từ 13% đến 27,5% về lợi nhuận.

Ông Long cho rằng giá thép trong xu hướng giảm do lượng cầu đang giảm, cung vẫn giữ nguyên. Đây là lý do khiến ban lãnh đạo Hòa Phát đặt mục tiêu thận trong.

Theo Trading Economics, giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 23/5 là 4.796 nhân dân tệ/tấn (716 USD/tấn), giảm 0,4% so với cuối tuần trước và là mức thấp nhất kể từ ngày 28/2. Kể từ ngày 5/5, giá mặt hàng này liên tục đi xuống với mức giảm 8,5% so với hiện nay.

Hòa Phát nghiên cứu đầu tư Dung Quất 3, nâng tổng công suất lên 21 triệu tấn/năm - Ảnh 1.

Thị giá thép.

Trong nước, nhiều doanh nghiệp thép xây dựng tiếp tục giảm giá sản phẩm từ ngày 17/5 và là đợt điều chỉnh thứ hai liên tiếp trong vòng một tuần. Hòa Phát, doanh nghiệp chiếm 32,6% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong năm 2021, giảm 800.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 tại thị trường miền Bắc, xuống còn 17,83 triệu đồng/tấn. Cũng tại khu vực này, thép D10 CB300 hạ 460.000 đồng/tấn xuống còn 18,28 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Nhật giảm mạnh nhất với 1,01 triệu đồng/tấn cho loại CB240 và D10 CB300. Sau khi giảm, giá hai loại thép trên còn lần lượt là 17,81 triệu đồng/tấn và 17,91 triệu đồng/tấn.

Ông Long dẫn chứng nhiều nguyên nhân khiến giá thép giảm. Ban đầu, chiến tranh Nga - Ukranie dẫn tới thiếu thép, nhưng thực tế không như kỳ vọng. Quan trọng hơn, chính sách "Zero - Covid" của Trung Quốc làm cho cầu thép của thị trường này giảm. Nước này chiếm đến hơn 60% sản lượng tiêu thụ nên khi thực hiện chính sách phong tỏa nghiêm ngặt khiến cầu giảm. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ suy thoái, lạm phát cao cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thép.

Trong khi giá bán giảm, giá thành sản xuất lại tăng cao. Căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine làm cho giá nguyên vật liệu tăng, ví dụ như than coke đã tăng 100 - 200 USD/tấn và vẫn có diễn biến tăng. Hiện tại, giá than đang ở mức 417,3 USD/tấn, tiến sát mức kỷ lục 430 USD/tấn ghi nhận hồi tháng 3. Với mức giá như hiện nay than coke đã chiếm 40% giá thành sản xuất thép.

Hòa Phát nghiên cứu đầu tư Dung Quất 3, nâng tổng công suất lên 21 triệu tấn/năm - Ảnh 2.

Tại đại hội, ông Trần Đình Long phát biểu rằng "Hòa Phát sẽ không ngừng tiến lên".


Tuy gặp khó khăn ở hiện tại, ông Trần Đình Long nhấn mạnh quyết tâm của tập đoàn đó chính là "Hòa Phát sẽ không ngừng tiến lên". Theo chia sẻ của ông, hiện doanh nghiệp có thể sản xuất 8,5 triệu tấn thép, đứng đầu Việt Nam cũng như Đông Nam Á nhưng các nhà máy đã đạt đến giới hạn, sản lượng chỉ có thể tăng trưởng khoảng 3%.

Vì vậy, công ty triển khai xây dựng nhà máy Dung Quất 2 với công suất 6,5 triệu tấn HRC (thép cuộn cán nóng), nâng tổng sản lượng lên khoảng 14 -15 triệu tấn các sản phẩm thép. Hiện tại, dự án đang đi đúng với lộ trình khi trong tháng 5, Hòa Phát đã ký được toàn bộ những hợp đồng thầu lớn. Tổng vốn đầu tư cho dự án là khoảng 80.000 tỷ đồng. 

Sau Dung Quất 2, công ty đang nghiên cứu xây dựng nhà máy thép Dung Quất 3 với công suất 6 triệu tấn/năm, có thể không đặt ở Dung Quất. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam. Hòa Phát sẽ sản xuất một phần HRC tại đây, ngoài ra còn thép U, thép Y. Dự án sẽ triển khai sau năm 2025.

Hiện nay, mức tiêu thụ thép ở Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, khoảng 240kg/đầu người. Ông Long dự báo con số này có thể tăng lên 350 - 400kg/đầu người nên việc tăng sản lượng sẽ không gây dư cung, vấn đề là Hòa Phát có cạnh tranh tốt hay không.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc thì nhu cầu HRC của Việt Nam vào khoảng 12 triệu tấn/năm, sản xuất trong nước đạt 11 triệu tấn. Vì vậy, thị trường chủ yếu của Hòa Phát vẫn là nội địa, sản xuất đến đâu bán hết đến đó.

Ngoài chiếm lĩnh thị trường nội địa, ông Long chia sẻ tầm nhìn Hòa Phát hướng tới mục tiêu quốc tế hóa hơn nữa, mong muốn mở nhà máy ở nước ngoài. Công ty đã đầu tư mua mỏ quặng mua ở Nam Australia, đang làm thủ tục với chính quyền, kỳ vọng tới cuối năm sẽ có chuyến quặng đầu tiên.

Mặc dù quá trình thực hiện kéo dài, Chủ tịch Hòa Phát đánh giá thành công nhất là đã tiến vào được thị trường khó này, dự kiến mua thêm mỏ ở Bắc Australia. Thời điểm hiện tại, giá quặng đang chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất thép nên việc sở hữu các mỏ quặng này sẽ giúp Hòa Phát tối ưu chi phí sản xuất cũng như đảm bảo nguồn cung về nguyên vật liệu. 

Theo Việt Hưng

Người đồng hành

Trở lên trên