MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoa Sen Group (HSG) trần được 3 phiên, Tundra "vội vã" muốn rút vốn

07-06-2018 - 11:05 AM | Doanh nghiệp

"Ông lớn" tôn mạ này liên tiếp kéo giảm lợi nhuận của Tudra, tính đến tháng 5 giá trị đầu tư tại cổ phiếu HSG ghi nhận giảm hơn 28%, cùng với các cổ phiếu mang lại hiệu quả tệ khác như KDF (giảm 32,3%), VND (giảm 26,8%)...

Tundra mất kiên nhẫn?

Ngày 5/6/2018, Tundra đã bán ra 1,36 triệu cổ phiếu Hoa Sen Group (HSG), giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,18% về 4,78%. Như vậy, Tundra không còn là cổ đông lớn tại đơn vị tôn mạ này.

Nói về Tundra, đây là một quỹ đầu tư ưa chuộng các thị trường tiềm năng được MSCI nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tổ chức này từng rất thành công trong thời điểm thị trường Pakistan được chính thức nâng hạng trong năm 2014. Được biết, danh mục các mã Tundra tập trung chủ yếu là các mã vốn hóa lớn thuộc nhóm dầu khí, vật liệu, tài chính và công nghệ. Tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, Tundra đang nắm các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, "khẩu vị" vẫn tập trung về nhóm vật liệu, bất động sản…

Với cổ phiếu HSG, Tundra mang trong mình chiến lược dài hơi khi thị trường xây dựng tại Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, "ông lớn" tôn mạ này liên tiếp kéo giảm lợi nhuận của Tudra, tính đến tháng 5 giá trị đầu tư tại cổ phiếu HSG ghi nhận giảm hơn 28%, cùng với các cổ phiếu mang lại hiệu quả tệ khác như KDF (giảm 32,3%), VND (giảm 26,8%)… Tính đến hiện tại, HSG vẫn chưa có thông tin gì mới, thậm chí từ ban lãnh đạo Công ty, phải chăng động thái rút vốn lần này chính là kết quả của việc không còn kiên nhẫn từ Tundra?

Được biết, theo báo cáo tháng 5 vừa qua, giá trị ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV) Tundra Vietnam Fund cuối tháng 5 đạt 22,6 USD, giảm 9,2% so với tháng trước đó và cũng là tháng thứ 2 liên tiếp sụt giảm. So với thời điểm đầu năm, NAV Tundra Vietnam Fund hiện chỉ còn tăng 5,4%.

Trên thị trường, giá tham chiếu của HSG liên tục giảm sâu tiến về vùng mệnh giá, tuy nhiên 3 phiên gần đây đột ngột tăng trần, hiện đang giao dịch tại mức 12.750 đồng/cp. Nếu tính từ thời điểm đầu năm 2018, HSG đã giảm gần một nửa thị giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Hoa Sen Group (HSG) trần được 3 phiên, Tundra vội vã muốn rút vốn - Ảnh 1.

Biến động cổ phiếu HSG 6 tháng qua.

Và dù cổ phiếu liên tục giảm sâu nhưng mới đây, Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm đã bán hết toàn bộ hơn 19,21 triệu đơn vị HSG (tương đương 5,49% cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành) và không còn là cổ đông lớn của Công ty. Giao dịch này được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong ngày 23/5, với giá trị đạt hơn 230 tỷ đồng. Trước đó, từ ngày 19/4-17/5, đơn vị này cũng đã bán bớt 5 triệu cổ phiếu HSG. Điều đáng nói ở đây, Tâm Thiện Tâm là doanh nghiệp do bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ ông Lê Phước Vũ đứng tên. Bà Xuân cũng là em gái ông Hoàng Đức Huy, hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc HSG. Việc bà Xuân bán hết số cổ phần đang nắm giữ khiến nhà đầu tư thêm nghi ngờ về tình trạng của doanh nghiệp, có phải chính người nhà cũng dần mất kiên nhẫn và niềm tin trở lại của HSG?

Thực tế đi ngược dự báo, Chủ tịch ở đâu?

Nhớ lại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào ngày 16/1/2018, Chủ tịch Lê Phước Vũ khẳng định HSG đang ở đỉnh cao của nội lực, thế nhưng thực tế lại quá phũ phàng. Mất thị phần tôn mạ, nợ vay tăng khủng, tình hình kinh doanh giảm sút, khó khăn đang liên tục bủa vây HSG. Từng khuyến nghị nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HSG vì chỉ có tăng trong năm nay, nhưng đến khi cổ đông "đứng ngồi không yên" với HSG thì Chủ tịch vẫn im lặng, không một thông tin hay động thái gì?

Theo báo cáo tài chính quý 2 niên độ 2017-2018, lợi nhuận sau thuế của HSG chỉ đạt 87 tỷ đồng (giảm 79%), lãi ròng 2 quý đầu tiên sụt giảm chỉ còn 420 tỷ đồng (giảm 50% và hoàn thành 30% kế hoạch). Đây là mức thấp nhất của HSG trong khoảng 4 năm trở lại đây.

Nguyên nhân của sa sút này chủ yếu đến từ giá trung bình thép cán nóng (HRC) trong quý 1/2018 tăng mạnh lên mức 660USD/tấn (giá HRC trung bình niên độ trước là 570 USD/tấn). Chưa kể, tính đến thời điểm 31/3, tồn kho của HSG tăng mạnh lên 9.862 tỷ đồng (tăng 5,6%), dẫn đến các khoản vay ngân hàng tăng lên mức 15.795 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng lên 216 tỷ đồng (tăng 70%).

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh do chiến lược tập trung vào thị trường nội địa thông qua các chi nhánh của Công ty. Hiện tại, HSG đã mở đâu đó 403 chi nhánh với 5 kho hàng lớn và còn tiếp tục "bành trướng", kế hoạch tiếp theo là mở 500 chi nhánh vào cuối năm nay và sẽ đạt mốc 800 chi nhánh trong thời gian sớm nhất.

Như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh sa sút là một trong những nguyên nhân khiến HSG liên tục lao dốc do nhà đầu tư bán tháo. Thế nhưng, cổ đông của HSG không nhận được bất kỳ lời trấn an nào từ phía lãnh đạo doanh nghiệp. Lần duy nhất ông Vũ xuất hiện trước cổ đông là tại Đại hội năm nay, với những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Chưa bao giờ HSG hội tụ đầy đủ yếu tố trưởng thành như hiện nay, từ năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, thương hiệu đến nguồn nhân lực đã bắt đầu chín muồi".


Hiếu Nguyễn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên