MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn tất đổi tên, SIC sẵn sàng “lột xác”

19-07-2017 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Việc chính thức được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận cho phép đổi tên sẽ giúp SIC thực sự “lột xác”và xây dựng lộ trình tăng trưởng mới.

Từ câu chuyện đổi tên…

CTCP Đầu tư – Phát triển Sông Đà (SIC - HNX) vừa công bố Biên bản kiểm phiếu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản năm 2017, cho biết các cổ đông của công ty đã chấp thuận phương án đổi tên mà Ban lãnh đạo công ty đề xuất trước đó.

Cụ thể, CTCP Đầu tư – Phát triển Sông Đà đổi tên thành Công ty cổ phần ANI và tên giao dịch quốc tế mới là ANI Joint Stock Company.

Giải thích về thương hiệu mới này với Đầu tư Chứng khoán, ông Đặng Tất Thành, Tổng giám đốc của SIC cho biết, thương hiệu ANI có nghĩa là “A New Idea” (Ý tưởng mới - PV), mang ý nghĩa về định hướng phát triển công ty trong thời gian tới.

Thương hiệu mới cũng thể hiện phương châm làm việc của toàn bộ đội ngũ nhân sự của SIC là luôn luôn đổi mới, sáng tạo.

“Đây là bước quan trọng trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới, đồng bộ từ tên, logo, slogan cũng như tên các Dự án mà SIC đang triển khai sau khi không còn là thành viên của Tổng công ty Sông Đà”, lãnh đạo SIC cho hay.

Tuy nhiên, công ty cho biết, việc đổi tên chỉ là một bước trong quá trình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới mà không hàm ý thay đổi chiến lược kinh doanh của SIC. “Chiến lược xuyên suốt của SIC vẫn là Đầu tư – Phát triển”, ông Thành nói.

…Đến cuộc tái cấu trúc toàn diện

Với tên gọi cũ là CTCP Đầu tư – Phát triển Sông Đà (Sông Đà IDC), bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra SIC từng là một thành viên của Tổng công ty Sông Đà, hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh.

Bước ngoặt trong việc “thay vỏ” của SIC đến từ việc Tổng công ty Sông Đà thoái thành công toàn bộ 36,72% vốn cổ phần nắm giữ tại SIC hồi cuối năm 2015. Sau khi Sông Đà rút lui, SIC cũng“lột xác”với một cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường để thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo.

Với sự xuất hiện nhóm cổ đông mới nắm giữ lượng lớn cổ phần tại SIC, cùng với đợt phát hành tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 160 tỷ đồng năm ngoái, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ là cuộc tái cơ cấu SIC dưới bàn tay những người chủ mới.

Do đó, việc đổi tên của SIC có thể coi là bước cuối cùng trong quá trình “thay máu”, tái cơ cấu của công ty này.

Trước đây, giống như nhiều doanh nghiệp thuộc dòng họ Sông Đà khác, ngoài hoạt động chính trong ngành đầu tư, kinh doanh các công trình thủy điện vừa và nhỏ, SIC còn tham gia trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản.

Do từng là công ty con của Tổng công ty Sông Đà, SIC còn thừa hưởng lợi thế về quỹ đất “khủng”. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã cho biết SIC sẽ đầu tư trên 500 tỷ đồng triển khai dự án Khu dân cư Sông Đà IDC Tower (diện tích 2,4 ha tại quận Gò Vấp) và trên 1.000 tỷ đồng cho Dự án Sông Đà Riverside (2,4 ha tại quận Thủ Đức). Đây là hai dự án SIC đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, SIC còn đang nắm giữ 2 dự án đã được cấp phép khác là Dự án Khu dân cư đô thị Sông Đà rộng 43 ha tại Đồng Nai, hay Dự án Khu dân cư Đan Phượng Hồng Thái rộng 40 ha tại Hà Nội. SIC cho biết, dự án Đan Phượng Hồng Thái đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000 và có thể là dự án đầu tay của SIC phát triển tại Hà Nội.

“Trong 3-5 năm tới, Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược đầu tư phát triển của Công ty. Tuy nhiên Ban lãnh đạo SIC luôn tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới với mục tiêu hàng đầu là tối đa hóa lợi ích cho cổ đông”, vị lãnh đạo của SIC cho hay.

Với những bước đi nói trên, có thể thấy việc đổi tên của SIC không chỉ là chiến lược thoát khỏi “cái bóng” họ Sông Đà. Rất có thể, làng bất động sản sẽ đón nhận sự ra đời của một thương hiệu bất động sản mới với cái tên mỹ miều cùng những“ý tưởng mới”.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên