Hoàn tất thâu tóm Vinamotor, BRG Group tiếp tục có thêm thương vụ 5.000 tỷ trong ngành ô tô?
Vinamco- một công ty liên quan tới BRG Group đã có đề nghị được mua tối thiểu 36% cổ phần của VEAM - một trong những tổng công ty lớn nhất đang nằm dưới sự quản lý của Bộ Công thương với mức lợi nhuận lên tới vài nghìn tỷ mỗi năm.
- 04-08-2016Đưa Việt Nam thành cường quốc xe máy, Honda có mức lợi nhuận đến cả Vinamilk, BIDV cũng phải ghen tỵ
- 29-07-2016Tổng Công ty nắm giữ cổ phần tại Ford, Honda, Toyota Việt Nam sẽ có đợt IPO lớn nhất năm vào ngày 29/8
- 16-03-2016Không phải làm gì nhiều, doanh nghiệp Việt Nam này mỗi năm thu lãi vài nghìn tỷ từ Toyota và Honda
Ngày 29/8 tới đây sẽ diễn ra phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, vốn điều lệ VEAM sau cổ phần hóa lên tới 13.288 tỷ đồng, tương đương với 1,33 tỷ cổ phiếu lưu hành tính theo mệnh giá.
Trong đó, Nhà nước nắm giữ 678 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược hơn 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn điều lệ; cổ phần đấu giá công khai là 167 triệu đơn vị, chiếm 12,57% vốn điều lệ.
Với giá khởi điểm IPO là 14.290 đồng, vốn hoá của VEAM và lượng cổ phiếu đấu giá có giá trị tương ứng là 19.000 tỷ và 2.300 tỷ - những con số này sẽ đưa đợt IPO của VEAM trở thành đợt IPO lớn nhất trong năm 2016.
BRG Group là cổ đông chiến lược của VEAM?
Về việc mời gọi nhà đầu tư chiến lược, VEAM cho biết Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) đã nhiều lần làm việc với VEAM và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Vinamco không còn là cái tên quá xa lạ khi đầu năm nay doanh nghiệp này đã chi ra 1.250 tỷ đồng để mua lại 97,7% cổ phần của Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông vận tải.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vinamco đang vận hành showroom Honda Tây Hồ - một đại lý lớn của Honda Việt Nam tại số 197A - đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngoài Vinamotor, hiện Vinamco còn là cổ đông chiến lược nắm 21% của Thương mại Thời trang Hà Nội (Hafasco) và 13% cổ phần của Cảng Sài Gòn.
Vinamco cũng có liên hệ mật thiết với BRG Group, tập đoàn được biết đến với một loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng như khách sạn Hilton Hà Nội, sân golf Đồng Mô, sân golf Đồ Sơn…. Ngoài ra, BRG Group cũng tham gia đầu tư vào khá nhiều đợt IPO lớn trong thời gian qua như trở thành cổ đông chiến lược của Thăng Long GTC hay OSC Việt Nam.
Được biết, ngày 10/8/2015, Vinamco đã có đề nghị được mua tối thiểu 36% cổ phần VEAM theo phương thức mua trước khi bán đấu giá công khai với mức giá tối đa 10.050 đồng/cp, thấp hơn đáng kể so với mức giá IPO. Nếu thực hiện giao dịch tại mức giá 10.050 đồng/cp, số tiền Vinamco bỏ ra để sở hữu 36% cổ phần VEAM sẽ lên tới gần 5.000 tỷ đồng.
Ngoài Vinamco, hiện chưa có đối tác nào sẵn sàng để trở thành cổ đông chiến lược của VEAM. Như vậy, nhiều khả năng Vinamco sẽ “một mình một ngựa” trở thành cổ đông chiến lược của VEAM.
VEAM có gì hấp dẫn?
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp; sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chế tạo và lắp ráp ô tô - xe máy; vận chuyển hàng hóa,…,lợi nhuận mỗi năm của VEAM lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả này không thực sự đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM mà phần lớn đến từ việc nhận cổ tức của các công ty liên kết.
Hiện tại, VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam và đây là những “mỏ vàng” thực sự khi mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm cho VEAM.
Báo cáo tài chính năm 2015 cho biết, công ty mẹ VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 3.366 tỷ đồng, trong đó tiền cổ tức nhận về lên tới 3.391 tỷ đồng. Điều này có nghĩa nếu không có các khoản cổ tức từ Honda hay Toyota thì lợi nhuận VEAM sẽ là con số âm.
Ngoài những “mỏ vàng” từ liên doanh liên kết, VEAM còn nắm trong tay quỹ đất rộng lớn trải dài khắp các tỉnh thành như Hà Nội, T.P HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Vũng Tàu,…. Trong đó, nhiều khu đất có vị trí khá “đắc địa” tại Hà Nội như tòa nhà VEAM với diện tích sử dụng 2.734 m2 tại quận Tây Hồ hay khu đất rộng 3,6 ha tại phường Yết Kiêu- Hà Đông.
Đáng chú ý, khu đất rộng 3,6 ha tại Hà Đông sẽ tiếp tục được VEAM sử dụng cho đến khi tiến hành xong việc di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo chủ trương đã được UBND Hà Nội chấp thuận.
Trí Thức Trẻ