MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thành hai dự án giao thông nghìn tỷ ở miền Tây

Ngày 8/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thông tin về việc hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng hai dự án quan trọng ở miền Tây Nam Bộ.

Cụ thể, hai dự án đã hoàn thành gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A (QL1A) đoạn từ thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) và Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1A đoạn qua thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1A đoạn qua thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) có điểm đầu giao với QL1A tại Km2239+770 thuộc phường 6, thành phố Cà Mau; điểm cuối giao với QL1A tại Km2253+347,9 thuộc xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 14,3km; quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; bề rộng nền đường 12m… Tổng mức đầu tư gần 1.726 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước; khởi công ngày 6/1/2022.

Về tổ chức giao thông, từ ngày 10/12/2023, các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến QL1A sẽ đi theo tuyến tránh hướng từ nút giao với QL1A tại Km2239+770 thuộc phường 6, thành phố Cà Mau đến điểm cuối tuyến giao với QL1A tại Km2253+347,9 thuộc xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau.

Hoàn thành hai dự án giao thông nghìn tỷ ở miền Tây - Ảnh 1.

Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thành phố Ngã Bảy (tỉnh

Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) có điểm đầu tại Km2100+000 (nối vào điểm cuối dự án mở rộng QL1A đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp); điểm cuối tại Km2118+600 (nối vào điểm đầu dự án mở rộng QL1A đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng).

Dự án có tổng chiều dài khoảng 19,82km; tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; bề rộng nền đường 20m. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.682 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước; khởi công ngày 26/2/2022.

Bộ GTVT cho biết, đến nay hai dự án đã hoàn thành các hạng mục, đủ điều kiện, chính thức đưa vào khai thác sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân lưu thông nhanh chóng, kịp thời, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa nông sản, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh của các tỉnh miền Tây Nam Bộ và khu vực.

Việc hoàn thành đưa vào khai thác hai dự án trên có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng của 3 tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Đồng thời, hai dự án cũng góp phần từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch của địa phương và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Cảnh Kỳ

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên