MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển cụm công nghiệp

Ngày 23/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai, phổ biến Nghị định 32/CP và Nghị định 43/CP của Chính phủ.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển cụm công nghiệp- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN), ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, cho hay: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP (Nghị định số 32) ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp được xây dựng trên nền tảng Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 68) và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68 (Nghị định số 66). Nghị định số 32 tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng như tăng trường quản lý và hiệu quả quản lý cụm công nghiệp.

“Việc xây dựng Nghị định số 32 tuân thủ một số nguyên tắc như tiếp tục kế thừa những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả, chỉ sửa đổi những vấn đề bất cập; phân cấp mạnh về cho các địa phương, nhưng không gây tăng bộ máy và kinh phí cho địa phương. Đồng thời, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã là tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, vừa đảm bảo pháp Luật Đất đai và phát triển kinh tế tư nhân. Ở những vùng kinh tế-xã hội khó khăn sẽ triển khai các chính sách tài khoá để hỗ trợ.

“Đây là nội dung lớn của Nghị định số 32 so với Nghị định số 68”, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cho hay.

Nghị định số 32 với nhiều điểm mới được đại diện các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương trong công tác nghiên cứu, xây dựng và đặc biệt là tính phù hợp với các văn bản hiện hành.

Theo ông Phạm Hồng Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quá trình xây dựng Nghị định số 32, Bộ Công Thương đã tiếp thu và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng các nội dung.

Thời gian qua, việc phát triển, quản lý CCN thực hiện theo Nghị định số 66, Nghị định số 68, nhưng có nhiều văn bản pháp luật thay đổi như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch... Do vậy, việc sửa đổi hai nghị định này là cần thiết.

Ông Phong cũng cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được ý kiến về dự án đầu tư công nghiệp của các địa phương trong CCN, chủ yếu liên quan đến 3 vấn đề: Ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, thành lập CCN.

Ở góc độ địa phương, đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Nghị định số 32 được ban hành đã hoàn thiện đáng kể chính sách về quản lý, phát triển CCN, trong đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập mới CCN.

Nghị định số 32 có điểm mới rất quan trọng khi quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN là doanh nghiệp, hợp tác xã mà không giao trung tâm phát triển cụm công nghiệp hoặc đơn vị công lập là chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

“Để việc triển khai Nghị định số 32 thuận lợi, đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn thực hiện”, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội đề xuất.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển cụm công nghiệp- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, dù Nghị định 32 đã cơ bản tháo gỡ, khắc phục được những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển CCN thời gian qua, nhưng vẫn còn một số nội dung các địa phương phản ánh chưa được giải quyết triệt để. Về vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương tổng hợp, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành có liên quan trong thời gian tới.

Nghị định 32 sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 5 và đầu tháng 6 tới đây. Để kịp thời triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nghị định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý CCN và xét tặng danh hiệu nghệ nhân theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 32 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trong chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN và công tác thi đua khen thưởng.

Bộ trưởng đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quán triệt Nghị định số 32 và các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm giúp cho các sở, ban, ngành, UBND các cấp ở địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan nắm chắc, hiểu rõ và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định mới của Nhà nước về quản lý, phát triển CCN.

Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển CCN trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện và xét tặng các nghệ nhân trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới Quy chế quản lý CCN trên địa bàn và các chương trình, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển CCN và làng nghề ở địa phương, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định số 32 và quy định khác có liên quan của Nhà nước để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các CCN nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư thứ cấp, góp phần phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới…

Theo Thu Trang

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên