MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong

Khu vực Nam Vân Phong sôi động với nhiều dự án công nghiệp.

Khu vực Nam Vân Phong sôi động với nhiều dự án công nghiệp.

Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa là khu kinh tế đa ngành, sở hữu vịnh nước sâu kín gió, nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mong muốn triển khai dự án tại đây. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng khu kinh tế này còn dang dở, cần nhanh chóng hoàn thiện để thu hút đầu tư.

Khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch rộng 150 ngàn ha đã thu hút hơn 150 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 4,1 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt khoảng 65%. Khu vực phía bắc thuộc địa phận huyện Vạn Ninh còn trầm lắng thì khu vực phía Nam thuộc thị xã Ninh Hòa khá sôi động với các dự án công nghiệp đóng tàu, kho xăng dầu, nhà máy nhiệt điện có quy mô rất lớn.

Điểm sáng tại đây là Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam. Từ khi chuyển sang đóng tàu mới vào năm 2008, đến nay, Nhà máy đã giao hơn 150 tàu hàng, công suất từ 35.000-110.000 tấn/tàu, tổng doanh thu gần 5 tỷ USD. Ông Lê Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Nhà máy đóng tàu Huyndai Việt Nam cho biết: Năm 2023, Nhà máy sẽ đóng 13 tàu, tạo việc làm ổn định cho khoảng 7.000 lao động.

“Khách hàng vẫn tin tưởng tiếp tục giao các sản phẩm cho chúng tôi tiếp tục thực hiện đến năm 2024. Chúng tôi hy vọng việc hỗ trợ chung của chính quyền tỉnh, hỗ trợ trong tuyển dụng lao động, hỗ trợ xuất nhập cảnh, thuế. Tạo điều kiện cho chúng tôi đáp ứng được các yêu cầu. Lấy đó là điểm mạnh và bàn đạp để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh”, ông Toàn nói.

Hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong - Ảnh 1.

Khu kinh tế Vân Phong đang được điều chỉnh quy hoạch để thu hút đầu tư.

Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng vừa thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Việc điều chỉnh quy hoạch là cơ sở quan trọng để tỉnh Khánh Hòa kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong. Đã có 13 Tập đoàn, Tổng Công ty đề xuất đầu tư các dự án tại khu kinh tế này.

Hiện nay, nhiều dự án giao thông đường bộ quan trọng đang được khẩn trương triển khai trong khu kinh tế này. Nổi bật là Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến Đầm Môn, có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe vừa hoàn thiện. Các tuyến giao thông Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; Dự án Đường ven biển huyện Vạn Ninh… cũng đang được triển khai.

“Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh quan tâm, bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương, làm việc với các cơ quan Trung ương để hỗ trợ nguồn ngân sách đầu tư mạnh mẽ hạ tầng của khu kinh tế, đây là một trong những điều kiện then chốt hỗ trợ các dự án trong tương lai tại khu kinh tế. Thúc đẩy phát triển tỉnh Khánh Hòa, thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong cho biết.

Tuyến cao tốc Vân Phong- Nha Trang đang xây dựng, đưa vào khai thác vào năm 2026 sẽ kết nối với Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tháng 6/2023, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ được khởi công kết nối Vân Phong với Tây Nguyên. Các tuyến giao thông này góp phần đưa Khánh Hòa trở thành một cực tăng trưởng cũng như khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh lân cận.

Ngoài các tuyến cao tốc quốc gia, Khánh Hòa cũng nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng về cảng biển tổng hợp, sân bay để kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia. Tỉnh Khánh Hòa bám sát định hướng của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng khu kinh tế Vân Phong. Đó là phát triển dịch vụ logictics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng và kinh tế số.

Hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong - Ảnh 2.

Thi công cao tốc Vân Phong- Nha Trang.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh sẽ công bố quy hoạch vào đầu tháng 4, đồng thời quản lý chặt chẽ quy hoạch, đẩy mạnh thu hút các dự án kinh tế trọng điểm trên cơ sở phát huy lợi thế của vịnh nước sâu gắn liền với cảng biển quốc tế.

“Triển khai xây dựng 2 cao tốc này là đường dẫn về cảng Vân Phong. Để đầu tư cảng biển ở Vân Phong có hiệu quả thiết thực, vấn đề nguồn hàng như thế nào? Chúng tôi cũng đã tính toán hàng xuất khẩu nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên và ở các nước bạn cũng sẽ đến cảng Vân Phong. Cảng Vân Phong cũng sẽ là cảng nhập khẩu thiết bị để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa của cả miền Trung và Tây Nguyên”, ông Tuân cho hay./.

Theo Thái Bình

VOV

Trở lên trên