MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoãn xử cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo 53 tỉ đồng vì vắng mặt nhiều người liên quan

19-04-2023 - 14:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Do vắng mặt nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên TAND tỉnh Gia Lai đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử cựu nhân viên Ngân hàng VDB lừa đảo chiếm đoạt 53 tỉ đồng.

Ngày 19-4, TAND tỉnh Gia Lai đã hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Chu Nữ Diệu Huyền - SN 1985, cựu nhân viên Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Gia Lai, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Nguyên nhân hoãn tòa là do vắng mặt nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án này.

Là người có nghĩa vụ liên quan, bà Lê Thị Thương, cựu nhân viên Ngân hàng BIDV, cũng được triệu tập tới tòa. Bà Thương là người mới bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt 19 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong vụ án khác. 

Bị cáo Chu Nữ Diệu Huyền và người có nghĩa vụ liên quan là Lê Thị Thương được dẫn giải tới tòa

Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2018, bà Huyền quen biết với bà T. (trú TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ tháng 9-2019, đang là nhân viên VDB, bà Huyền bắt đầu vay tiền của bà T. với hình thức trả bằng tiền mặt. Khi vay, bà Huyền viết giấy mượn tiền đưa bà T., đến khi trả hết cả gốc lẫn lãi khoản vay thì sẽ lấy lại giấy mượn tiền.

Bà Huyền cũng đặt vấn đề vay tiền của bà T. với lãi suất 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày rồi cho người khác vay lại 2.500 đồng/1 triệu/ngày để hưởng chênh lệch và được bà T. đồng ý.

Từ tháng 1-2020, Huyền đưa ra thông tin cần nhiều tiền để đáo hạn tại nhiều ngân hàng ở TP Pleiku và tỉnh Kon Tum, làm bà T. tin tưởng và nhiều lần chuyển tiền cho bà ta. Tính đến tháng 5-2020, bà Huyền chưa chuyển trả lại cho bà T. số tiền khoảng trên 53 tỉ đồng.

Hoãn xử cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo 53 tỉ đồng vì vắng mặt nhiều người liên quan - Ảnh 2.

Bị can Chu Nữ Diệu Huyền (bìa phải) và Lê Thị Thương được dẫn giải tới tòa

Đến tháng 6-2020, bà T. đòi tiền thì Huyền nhiều lần hứa hẹn nhưng không trả. Huyền đưa ra lý do toàn bộ số tiền đã cho bà Lê Thị Thương, cựu nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Gia Lai (BIDV Gia Lai) vay lại. Bà Thương đang nợ Huyền số tiền 133 tỉ đồng, trong đó có khoản 53 tỉ đồng là của bà T.

Sau đó, lấy lý do nhờ bà T. đòi tiền hộ, Huyền dẫn bà đến nhà bà Thương để ký biên bản chốt nợ. Tại đây, Huyền đã yêu cầu bà Thương trực tiếp ký giấy đang nợ bà T. 133 tỉ đồng.

Sau khi bà Thương ký giấy nhận nợ, Huyền tuyên bố không còn nợ tiền bà T.; rằng bà T. trực tiếp làm ăn với bà Thương thì đi đòi tiền bà này. Lúc ấy, bà T. mới biết mình bị lừa nên làm đơn tố giác Huyền đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai.

Trong quá trình điều tra, công an xác định từ ngày 28-10-2019 đến 23-6-2020, Huyền đã chuyển khoản và đưa tiền mặt cho bà Thương tổng cộng trên 226 tỉ đồng. Bà Thương đã chuyển trả cho Huyền trên 236 tỉ đồng. Số tiền mà bà Thương chuyển trả cho Huyền nhiều hơn số tiền mà bà ta đã chuyển cho bà Thương. Do đó, cơ quan điều tra xác định không có việc bà Thương còn nợ Huyền số tiền 133 tỉ đồng.

Từ tháng 4-2019 đến 22-6-2020, bà T. đã chuyển cho Huyền trên 193 tỉ đồng, bà ta chuyển trả lại gần 140 tỉ đồng. Còn lại số tiền trên 53 tỉ đồng, Huyền đã chiếm đoạt của bà T.

Trong 53 tỉ đồng này, cơ quan điều tra xác định 18,3 tỉ đồng là tiền Huyền đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của bà T. và gần 35 tỉ đồng là tiền bà ta đã lừa đảo chiếm đoạt của bà T.

Số tiền này đã được Huyền dùng mua nhiều bất động sản tại TP Pleiku và TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum rồi cho người thân đứng tên; mua ôtô… Bị đòi nợ, Huyền đã có hành vi tẩu tán tài sản khi sang nhượng các bất động sản do mình đứng tên cho người thân.

Theo Hoàng Thanh

Người lao động

Trở lên trên