Hoàng Anh Gia Lai được “giải cứu”, cổ đông của Agriseco (AGR) cũng mở hội ăn mừng
Việc cổ phiếu HAG, HNG tăng mạnh đang mang đến niềm vui cho không ít nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu cũng như những nhà đầu tư “kẹp hàng” như Agriseco.
- 13-02-2017Không chỉ giá cao su tăng, hơn 12.000 tỷ trái phiếu được gia hạn mới là tin vui nhất cho cổ đông HAGL
- 13-02-2017Doanh thu năm 2016 của HAGL lên cao kỷ lục nhờ thịt bò, nhưng vẫn lỗ ròng 1.000 tỷ đồng
- 13-02-2017HAGL Agrico (HNG) lỗ 954 tỷ đồng trong năm 2016, vay nợ dài hạn tăng hơn 8.000 tỷ đồng
Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (HAG) và công ty con HAGL Agrico (HNG) đã công bố báo cáo tài chính năm 2016 với khoản lỗ ròng lên tới cả nghìn tỷ đồng và là kết quả tồi tệ nhất kể từ khi thành lập.
Dù vậy, báo cáo tài chính cũng mang đến những thông tin tích cực dành cho cổ đông công ty khi các trái chủ nắm giữ hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu đã đồng ý gia hạn thời gian trả nợ từ 3 đến 6 năm. Điều này có nghĩa HAGL sẽ tạm thời gỡ bỏ áp lực dòng tiền trong vài năm tới để có thời gian cơ cấu lại tập đoàn.
Việc HAGL hay HAGL Agrico gặp khó khăn trong thời gian qua bên cạnh câu chuyện dòng tiền còn có nguyên nhân từ việc giá cao su thế giới giảm sâu khiến hoạt động khai thác đình trệ. Do đó, khi nút thắt dòng tiền được tháo gỡ cùng với việc giá cao su tăng phi mã trở lại sẽ là yếu tố quan trọng giúp KQKD HAGL cũng như HAGL Agrico trở nên tích cực hơn.
Trên TTCK, bất chấp những kết quả đáng buồn từ hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư dường như đang kỳ vọng vào sự trở lại của HAGL khi cổ phiếu HAG cũng như HNG đều phục hồi khá ấn tượng từ giữa tháng 1 tới nay và chưa có dấu hiệu dừng lại.
HAG, HNG tăng phi mã trong 1 tháng qua
Ai là người vui nhất từ việc HAGL được “cứu”?
Có thể nói, việc cổ phiếu HAG, HNG tăng mạnh đang mang đến niềm vui cho không ít nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu cũng như những nhà đầu tư “kẹp hàng”.
Trong số những nhà đầu tư “dài hạn” tại HAGL, HAGL Agrico, tên tuổi đáng chú ý nhất phải kể tới CTCK Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Agriseco (AGR) khi đang nắm giữ xấp xỉ 7,5 triệu cổ phiếu HNG với giá trị ghi sổ lên tới 275 tỷ đồng, tương đương giá vốn bình quân 36.800 đồng/cp.
Do cổ phiếu HNG giảm giá quá mạnh trong năm 2016 và có thời điểm chỉ còn 5.500 đồng nên Agriseco đã phải trích lập dự phòng không nhỏ cho khoản đầu tư này, ảnh hưởng nghiêm trọng tới KQKD. Tính tới thời điểm cuối năm 2016, giá trị thị trường khoản đầu tư vào HNG của Agriseco chỉ còn 46,35 tỷ đồng và Agriseco đã phải trích lập dự phòng lên tới 228,66 tỷ đồng.
Nếu HNG duy trì được đà hồi phục này đến hết quý 1/2017 thì mọi việc sẽ trở nên tích cực hơn với Agriseco khi CTCK này có thể được hoàn nhập dự phòng do cổ phiếu HNG tăng giá.
AGR sẽ được hoàn nhập lớn khi HNG phục hồi
Tính tới hết phiên giao dịch 13/2/2017, thị giá HNG đạt 8.860 đồng, cao hơn 2.660 đồng so với thời điểm cuối năm 2016. Tạm tính theo mức giá này thì Agriseco sẽ được hoàn nhập dự phòng gần 20 tỷ đồng từ khoản đầu tư HNG.
Với kỳ vọng vào sự hồi phục của HAG cũng như HNG cũng như việc Agriseco đã có lãi trở lại trong quý 4/2016, cổ phiếu AGR đang bứt phá khá mạnh trong thời gian gần đây. Hiện tại, thị giá AGR đang ở mức 3.800 đồng, cao gấp rưỡi so với đầu năm.
Cuộc “hôn nhân” đầy trắc trở của Agriseco
Đầu tư vào HAGL Agrico từ năm 2011 với nhiều kỳ vọng nhưng trên thực tế, đây là cuộc “hôn nhân” đầy trắc trở của Agriseco.
Mục đích ban đầu của Agriseco khi đầu tư vào HAGL là vào lĩnh vực bất động sản bởi khi đó thị trường bất động sản đang ở thời kỳ đỉnh cao. Thời điểm đó, HAGL Agrico có tên gọi là CTCP Xây dựng và Phát triển nhà HAGL (HAGL Land) và hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn từ năm 2012 trở đi, HAGL Land đã đổi hướng đi đầu tư cao su và đổi tên thành CTCP Cao su HAGL. Nhưng một lần nữa, quá trình đầu tư của Agriseco lại gặp trắc trở khi giá cao su thế giới liên tục lao dốc và mảng kinh doanh cao su của HAGL dần gặp khó khăn.
Đứng trước vấn đề này, Cao su HAGL đã mở rộng lĩnh vực hoạt động nông nghiệp sang nuôi bò, trồng mía, dầu cọ, bắp… nhằm cứu vãn tình hình. CTCP Cao su HAGL lại tiếp tục đổi tên thành CTCP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HAGL Agrico) và tiến hành niêm yết trên TTCK vào cuối năm 2015.
Tưởng chừng lần chuyển đổi mô hình này sẽ mang lại hiểu quả nhưng việc giá các loại hàng hóa nguyên liệu trên thế giới đồng loạt lao dốc khiến hoạt động kinh doanh HAGL Agrico sa sút thảm hại, cổ phiếu bay hơi gần hết giá trị.
Có thể nói, hơn 6 năm đầu tư vào HAGL Agrico thực sự là chuỗi ngày buồn của cổ đông “dài hạn” bất đắc dĩ Agriseco.
Trí Thức Trẻ