Hoang tàn khu du lịch ngàn tỉ
Dự án Khu Du lịch Bình Tiên (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) do Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (Công ty Bình Tiên) làm chủ đầu tư được đánh giá là… hoành tráng nhất từ trước đến nay ở tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng, sau 12 năm, kể từ ngày được cấp phép đầu tư, dự án vẫn trong tình trạng dở dang.
- 31-08-2017Dự án du lịch triển khai ở phường Vĩnh Nguyên - TP. Nha Trang
- 02-05-2017Yêu cầu bồi thường nhanh các dự án du lịch ở Kê Gà
- 12-03-2017Chậm triển khai, 5 dự án du lịch bị tỉnh Phú Yên thu hồi đất
Giẫm chân tại chỗ
Khu Du lịch Bình Tiên được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép vào tháng 8-2005 với tổng vốn 550 tỉ đồng. Sau đó, Công ty Bình Tiên nâng mức đầu tư lên 2.579 tỉ đồng.
Tại thời điểm Công ty Bình Tiên được chấp thuận chủ trương đầu tư, khu du lịch này được xem là dự án trọng điểm của Ninh Thuận. Dự án có quy mô rất lớn, gồm nhiều hạng mục chính như hệ thống khách sạn cao cấp 500 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.000 chỗ ngồi, 200 căn biệt thự và hàng loạt cơ sở hạ tầng phục vụ vui chơi, giải trí (bến du thuyền, sân golf, nhà thi đấu thể thao)...
"Hoành tráng" là vậy nhưng hơn 10 năm qua, từ ngày được khởi động, tiến độ xây dựng Khu Du lịch Bình Tiên gần như giẫm chân tại chỗ. Đầu tháng 9 này, khu vực triển khai dự án vẫn vắng lặng. Nhà điều hành của ban quản lý dự án không một bóng người, rải rác những trụ bê tông bị vứt lăn lóc, một vài nhà đơn lập chỉ mới xây phần thô, rêu phong bám đầy, xung quanh cỏ dại um tùm...
Nhiều người ở Bình Tiên cho biết vài năm qua, họ không thấy công nhân đến xây dựng ở khu du lịch, cũng chẳng thấy chủ đầu tư đến kiểm tra, cắt cử người bảo vệ. "Tiến độ xây dựng như thế thì cả chục năm nữa cũng không xong" - ông Lê Năm, một người dân địa phương, nhận xét.
Quá nhiều cái "nhất"
Dự án Khu Du lịch Bình Tiên từng thuộc "top" của tỉnh Ninh Thuận do vốn lớn nhất, diện tích rộng nhất (trên 190 ha) nhưng lại ì ạch nhất, gia hạn nhiều nhất (4 lần), qua nhiều đời chủ tịch UBND tỉnh nhất (5 đời).
Khu Du lịch Bình Tiên sau 12 năm khởi công
Theo tìm hiểu của phóng viên, cuối tháng 8-2013, khi được UBND tỉnh yêu cầu giải trình về sự quá chậm trễ tiến độ xây dựng khu du lịch, Công ty Bình Tiên nại nhiều lý do như công tác giải phóng mặt bằng gặp trở ngại, kéo dài; nguồn nước cung cấp cho hoạt động của khu du lịch (do UBND tỉnh giao cho một doanh nghiệp địa phương thực hiện) chưa xây dựng, tỉnh chưa kéo đường điện cao thế cho khu vực này… Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư vẫn thừa nhận dự án kéo dài còn do công ty không chủ động được nguồn vốn; thiết kế dự án phải chỉnh sửa nhiều lần, hợp đồng thi công kéo dài.
Sau đó, Công ty Bình Tiên cam kết đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành ít nhất 3 hạng mục: hệ thống giao thông, cấp thoát nước, sân golf; cuối năm 2015 sẽ xây xong khách sạn 5 sao 200 phòng và 80 biệt thự - nhà đơn lập; năm 2016 triển khai xây dựng trung tâm hội nghị quốc tế, hệ thống khách sạn, biệt thự, khu thủy cung vui chơi…
Ngày 10-9, ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, cho biết đầu năm 2017, khi kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện dự án Khu Du lịch Bình Tiên, chủ đầu tư chỉ mới hoàn thành một số hạng mục của giai đoạn 1 như: kè chắn sóng, nhà của ban điều hành, hồ chứa nước sinh hoạt chung và khu tái định cư cho dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án.
Theo ông Tuấn, Khu Du lịch Bình Tiên ì ạch đã quá rõ nhưng căn cứ Nghị định 01/2017 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, tháng 7-2017 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục gia hạn 24 tháng cho dự án này. "Nếu sau 24 tháng mà chủ đầu tư không triển khai xây dựng đúng tiến độ thì tỉnh sẽ thu hồi" - ông Tuấn khẳng định.
Sung túc... trong mơ!
Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thu hồi đất sản xuất, đất ở của 72 hộ dân thôn Bình Tiên, với lời hứa không chỉ của nhà đầu tư mà cả chính quyền địa phương là chỉ trong vài năm, khi khu du lịch hình thành, đời sống của bà con sẽ khá hơn nhờ kinh doanh, dịch vụ.
Tuy nhiên, viễn cảnh tươi đẹp ấy của người dân Bình Tiên chỉ là... trong mơ. Sau khi nhận tiền đền bù, xây lại nhà ở khu tái định cư, rất nhiều gia đình không còn đất sản xuất, chăn nuôi, lại thiếu tiền làm vốn nên phải đi nơi khác mưu sinh. "Cứ nằm vùi trong khu tái định cư chật chội, bà con không biết xoay xở thế nào cho cuộc sống" - nhiều người dân thôn Bình Tiên bức xúc.
Người lao động