MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoạt động kém hiệu quả, nhiều DNNN vẫn được “bơm” vốn đều đặn

Nhiều DNNN trong lĩnh vực khai thác khoáng sản hoạt động chưa thực sự hiệu quả, nhưng vẫn được "bơm” vốn đều đặn dẫn đến những hệ lụy về môi trường.

Sáng 29/7 Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, Liên minh Khoáng sản, Trung tâm Thiên nhiên và Con người cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị”.

Các DNNN đã hoạt động hiệu quả?

Theo thông tin từ hội thảo, hiện nay trên cả nước có khoảng 170 DNNN hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên các hoạt động khoáng sản chủ yếu tập trung vào 5 tập đoàn và tổng công ty lớn.

Đầu tư nhà nước chiếm một tỷ trọng lớn trong đầu tư khai thác tài nguyên. Tuy nhiên hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư nhà nước trong các dự án phát triển nói chung và khai khác khoáng sản nói riêng cần được đánh giá một cách tổng thể và nghiêm túc.

Theo ông Lê Đăng Doanh, Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, khoáng sản tại Việt Nam đang được khai thác ở những trình độ công nghệ khác nhau, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao, nhiều khoáng sản phụ có hàm lượng thấp hơn chưa được chú trọng khai thác dẫn đến lãng phí. Rất nhiều nguyên tố phụ trong khoáng sản của Việt Nam được nước ngoài thu mua lại với giá rất rẻ nhưng về khai thác lại có rất nhiều nguyên tố quý hiếm. Trong nhiều trường hợp chúng ta mới chỉ khai thác được khoảng 30-40% giá trị của khoáng sản như vậy gây lãng phí lớn.

Bên cạnh đó tình trạng xuất khẩu thô còn kéo dài. Đặc biệt tình trạng xuất lậu sang Trung Quốc còn rất nghiêm trọng. Kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực vẫn chưa được điều chỉnh. Trong khi khối doanh nghiệp nhà nước về lĩnh vực khai thác khoáng sản vẫn đang được hưởng quá nhiều ưu đãi, độc quyền về khoáng sản, song doanh thu của một số tập đoàn, tổng công ty lại được đầu tư vào các hoạt động kinh doanh đa ngành( du lịch, bất động sản, chứng khoán...) và còn hiện tượng thua lỗ thiệt hại lớn ở một số đơn vị.

Ngân hàng đang ưu đãi cho DNNN quá nhiều?

Bà Trần Thanh Thủy - Trung tâm con người và Thiên nhiên cho rằng có vẻ như các ngân hàng vẫn đang ưu ái với các dự án của ngành khai thác khoáng sản. Bà Thủy đưa ra dẫn chứng, theo số liệu đã công bố của Vietcombank, năm 2016, dư nợ của ngành khoáng sản tại ngân hàng này lên tới 20.000 tỷ đồng, ngành năng lượng là 25.000 tỷ đồng, trong khi đó dư nợ của ngành nông nghiệp chỉ có 2.000 tỷ đồng.

Bà Trần Thanh Thủy cho rằng, nhìn bên ngoài tưởng rằng các tổ chức tín dụng khá thân thiện với môi trường, ít phát thải, tuy nhiên thông qua việc rót vốn cho các dự án khai thác tài nguyên kém hiệu quả có thể gián tiếp gây ra các tác động xấu đến môi trường.

Đơn cử như dự án khai thác sắt mỏ Thạch Khê, khi thực hiện dự án sẽ khiến khoảng 4000 hộ dân ( khoảng 16.000 người) sẽ phải di rời. Do nằm ở khu vực có địa hình phức tạp nên dự án được đánh giá là khó có hiệu quả. Sau 8 năm triển khai, dự án vẫn tạm dừng ở giai đoạn bóc một phần đất phủ. Trên thực tế nhiều ý kiến cho rằng việc thực thi dự án này là hoàn toàn không hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn mặt môi trường do dự án này nằm rất sâu dưới lòng đất và sát biển, nên việc khai thác phải bóc một lượng lớn đất phủ và quản lý chất thải cũng như việc hạn chế việc thấm nước từ biển vào là vô cùng tốn kém. Tuy nhiên dự án này vẫn được triển khai. Năm 2015, dự án được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chấp thuận cho vay 3.000 tỷ đồng trong giai đoạn 1 để thực hiện dự án này.

Hay dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do EVN 2 làm chủ đầu tư và do tập đoàn Điện khí Thượng Hải Trung Quốc làm tổng thầu công trình với tổng giá trị hợp đồng là 1.384 tỷ USD. Dự án này gặp nhiều vấn đề liên quan đến khói bụi, xỉ than và sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng địa phương. Do gặp phải vấn đề về môi trường nên dự án phải tạm dừng hoạt động nhiều lần. Chi phí cho mỗi lần khởi động lại hệ thống cũng đã lên tới hàng tỷ đồng. Tuy vậy dự án này vẫn được chấp thuận cho vay 7.500 tỷ đồng bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đương nhiên khi đầu tư vào các dự án có rủi ro, phía các ngân hàng cũng đứng trước những nguy cơ như dự án bị đình trệ và chủ đầu tư dự án không có khả năng hoàn trả khoản vay, phản ứng từ khách hàng hay uy tín của ngân hàng và nhà tài trợ... Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay hầu hết các ngân hàng chưa mấy quan tâm đến khía cạnh môi trường. Vẫn còn thiếu những hướng dẫn và chỉ số định hướng cụ thể về tín dụng xanh. Thêm vào đó các chính sách về môi trường vẫn chưa được áp dụng đồng bộ và bắt buộc trong hệ thống ngân hàng. Phía các ngân hàng còn thiếu những thông tin về căn cứ tin cậy về tác động môi trường từ các dự án xem xét tín dụng.

Bà Thủy cho rằng, để giảm thiểu các dự án kém hiệu quả, tác động xấu đến môi trường, nhưng vẫn được duyệt cho vay vốn, các ngân hàng có thể công khai thông tin về các dự án cho vay vốn để tham khảo ý kiến từ các bên liên quan, hay tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập về vấn đề này./.

Theo Nguyễn Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên