MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoạt động môi giới bứt phá ngoạn mục, SSI lãi ròng hợp nhất hơn 300 tỷ trong quý 2/2018

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI đạt 718 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017.

CTCK Sài Gòn (SSI) công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2018 với doanh thu hoạt động 895 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp nhiều nhất vào doanh thu hoạt động của SSI là doanh thu môi giới với 340 tỷ đồng, tăng 83%. Trong quý 2 vừa qua, thị phần môi giới SSI đạt trên 23%, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 164 tỷ đồng, 59%. Tính tới 30/6, SSI có 9.316 tỷ đồng tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm (trong đó có 4.542 tỷ đồng dùng để đảm bảo các khoản vay thấu chi và 4.524 tỷ đồng dùng để đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn của công ty).

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu 201 tỷ đồng, tăng 61%. Cuối quý 2, giá trị các khoản cho vay của SSI lên tới 5.885 tỷ đồng, bao gồm 5.815 tỷ đồng cho vay margin.

Dù vậy, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của SSI trong quý 2/2018 chỉ là 114 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Theo thuyết minh, lãi bán các tài sản tài chính của SSI trong quý 2 đến nhiều nhất từ SSC (lãi 20,5 tỷ đồng), HPG (lãi 5 tỷ đồng).

Lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) giảm 17% xuống còn 28,52 tỷ đồng. Hiện tại, danh mục AFS của SSI có giá trị gốc 926 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý lên tới 1.487 tỷ đồng. Theo chế độ kế toán hiện hành, các tài sản tài chính AFS cũng được ghi nhận theo giá thị trường nhưng hạch toán chênh lệch vào vốn chủ sở hữu trên BCTC trong khoản mục "chênh lệch đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý". Trong danh mục AFS của SSI có một số cái tên đáng chú ý như TMS, OPC, SGN, DHC hay CTCP Con Cưng…

Chi phí hoạt động SSI trong kỳ tăng hơn 2 lần lên 491 tỷ đồng, trong đó chi phí môi giới chứng khoán trong kỳ của SSI cũng tăng 75% lên 240 tỷ đồng; Lỗ FVTPL lên tới gần 213 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước đó. Trong đó, lỗ bán cổ phiếu VAF là hơn 32 tỷ đồng.

Danh mục FVTPL của SSI tại thời điểm cuối quý 2 có giá trị ghi sổ là 1.831 tỷ đồng, nhưng giá trị hợp lý chỉ là 1.639 tỷ đồng. Những khoản đầu tư giảm giá nhất có thể kể tới HPG, DBC, ELC.

Hoạt động môi giới bứt phá ngoạn mục, SSI lãi ròng hợp nhất hơn 300 tỷ trong quý 2/2018 - Ảnh 1.

Doanh thu tài chính trong quý 2 của SSI tăng 4,8 lần lên 134,9 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi bán, thanh lý các khoản đầu tư vào công ty con, liên kết với giá trị gần 113 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 68% lên 129 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, SSI ghi nhận 302 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2018, giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI đạt 718 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017.  

Chi tiết báo cáo

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên