Hoạt động trung gian đầu tư tiền ảo: Bao giờ mới bị siết chặt?
Sau hơn 3 tháng vụ Cty tiền ảo iFan biến mất với 15.000 tỉ đồng của nhà đầu tư, mấy ngày qua, giới đầu tư tiền ảo tại TPHCM lại chao đảo vì ông chủ hệ thống đầu tư máy đào tiền ảo Sky Minning “lặn mất tăm”. Bên cạnh nguyên nhân lòng tham của các nhà đầu tư nên bị sập bẫy lừa thì vẫn còn đó một câu hỏi: Đến bao giờ các hoạt động kêu gọi đầu tư theo các mô hình này được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ.
- 31-07-2018300 nhà đầu tư gửi đơn tố cáo chủ mỏ đào tiền ảo Sky Mining
- 30-07-2018Ông chủ tiền ảo Sky Mining hứa hẹn quay lại sau khi biến mất lôi kéo nhà đầu tư ra sao?
- 30-07-2018"Ma lực" của tiền ảo: Biết "ảo" sao vẫn lao vào?
Bài học thứ n của “trò chơi làm giàu không khó”
Cuối tháng 7, hàng trăm nhà đầu tư của Cty đào tiền ảo Sky Mining choáng váng với việc ông Lê Minh Tâm - Tổng Giám đốc Cty Đào tiền ảo Sky Mining - tuyên bố phá sản và hứa sẽ trả lại tiền và máy đào tiền ảo cho nhà đầu tư trên website nội bộ của Sky Mining. Khi hàng trăm nhà đầu tư kéo về trụ sở công ty tại số 202B Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TPHCM, Cty đã đóng cửa, bảng hiệu bị tháo xuống và không thể liên lạc được với ông Tâm. Được biết, toàn bộ số tiền của nhà đầu tư đều do một mình ông Tâm quản lý.
Sky Mining thành lập cuối năm 2017 tại huyện Bình Chánh để huy động đầu tư mua máy đào tiền ảo và ăn chia theo tỉ lệ đóng góp. Ngày 28.3.2018, Cty chuyển sang quận Phú Nhuận với tên Hợp tác xã Bầu Trời Công Nghệ do ông Lê Minh Tâm làm người đại diện pháp luật. Để tham gia vào Sky Mining, các nhà đầu tư tham gia theo các gói từ 100 - 50.000USD, có thể mua nhiều gói cùng lúc. Sky Mining hứa trong 12 tháng sẽ trả vốn và lãi từ 300 - 350% cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ cần đóng tiền vào tài khoản của Sky Mining, tiền lãi và gốc hằng tháng sẽ tự động chuyển về cho nhà đầu tư.
Với chiêu bài trên, Sky Mining đã được giới chuyên gia tài chính cảnh báo về “bong bóng” lãi suất từ khi mới thành lập. Theo đánh giá của dân chơi tiền ảo, thủ thuật của Sky Mining vẫn là lấy của nguời sau trả lãi và hoa hồng cho nguời trước. Họ khống chế tỉ giá thu vào là 25.000 đồng/USD và rút lãi ra chỉ là 23.000 đồng/USD. Các con mồi sập bẫy vì thấy lãi hằng ngày quá hấp dẫn, nên dồn lãi vào vốn. Ngoài ra, nếu rút hằng ngày, cứ 1.000USD, nhà đầu tư phải mất chênh lệch 2 triệu đồng nên ít ai rút lãi hằng ngày hoặc hằng tháng.
Không thể buông lỏng khâu trung gian trong đầu tư tiền ảo
Ngoài những rủi ro từ chính lòng tham của bản thân, nhà đầu tư tiền mã hóa Việt Nam đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro pháp lý và lừa đảo của khâu trung gian liên quan đến đầu tư tiền ảo. Tại Việt Nam, mặc dù chưa phân cụ thể bitcoin vào nhóm nào nhưng tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi và áp dụng từ ngày 1.1.2018, việc sử dụng bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác làm phương tiện thanh toán có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Còn lại chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo. Chính vì vậy, nhà đầu tư bitcoin sẽ không nhận được sự trợ giúp pháp lý từ phía chính phủ nếu xảy ra các tranh chấp.
Các chuyên gia cho rằng, muốn quản lý được hiện tượng “tiền ảo” và các công nghệ kèm theo một cách hiệu quả, cần phải xác định rõ mục đích của việc quản lý. Trong đó, liên quan đến các hoạt động huy động vốn bằng cách phát hành tiền ảo (ICO), các chuyên gia cho rằng, việc quản lý khâu trung gian (các sàn giao dịch) là phương án khả thi và cần thiết để có thể quản lý hiệu quả thị trường giao dịch tiền ảo và huy động vốn thông qua tiền ảo.
LS Nguyễn Thanh Nhã - Văn phòng luật DBS - cho biết, tại Việt Nam, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì để xây dựng khung pháp lý quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo với tư cách là tài sản trong thời gian tới. Do đó, về mặt pháp lý tôi cho rằng, trước mắt phải có cơ chế pháp lý để quản lý khâu trung gian của hoạt động mua bán, trao đổi, giao dịch các loại “tiền ảo” là sàn giao dịch.
Liên tục cảnh báo người dân không tham gia vì đầy rủi ro
Theo hợp đồng các nhà đầu tư cung cấp cho chúng tôi có tên "Hợp đồng đầu tư và ký gửi máy tính" giữa Sky Mining do ông Lê Minh Tâm - Chủ nhiệm Hợp tác xã - đại diện ký, nội dung hợp đồng thể hiện: Nhà đầu tư mua máy đào và ký gửi cho Sky Mining "toàn quyền quyết định việc khai thác các đồng coin và kinh doanh đối với máy vi tính mà khách hàng đầu tư", đồng thời chịu rủi ro xảy ra bởi các sự cố ngoài ý muốn như bão, lũ lụt, động đất, chiến tranh, thị trường coin sụp đổ, nếu có tranh chấp hai bên ra tòa dân sự giải quyết...
Theo TS Trương Huy Mai, Sky Mining là mô hình lending đa cấp trá hình, không phải ponzi. Họ lấy tiền của nhà đầu tư dưới dạng mua các gói đầu tư (giống như coin ảo, nhưng giá cố định), có sự yêu cầu cân nhánh hệ thống, có chế độ trả hoa hồng F1, F2… Sau đó, Sky mining có thể đã dùng tiền của các nhà đầu tư để trả lãi, hoa hồng giới thiệu cho người tham gia trước, đầu tư lướt sóng một coin nào đó, xây dựng một số mỏ đào coin để tạo lòng tin cho nhà đầu tư với những máy có công nghệ lỗi thời. Số coin thật sự đào ra được không nhiều như họ quảng cáo. Các máy đào đã được bán lại cho nhà đầu tư mua gói cao hơn gấp vài lần đến cả chục lần so với giá trị thực tế, trong khi hiệu suất máy rất kém. Nếu may mắn càng nhiều người tham gia hoặc giá coin tăng lên, họ có lãi nhiều một chút và sẽ kéo dài sự sống của hệ thống chân rết.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - nhấn mạnh, hoạt động đào tiền ảo như Sky Mining, hay nói đúng hơn là những gì liên quan đến tiền ảo hiện nay, pháp luật không công nhận. Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục cảnh báo người dân không tham gia vào các hoạt động liên quan tiền ảo bởi nó chứa đựng nhiều rủi ro. B.C
Lao động