MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Học' các công ty Trung Quốc cài game vào ứng dụng giao hàng, Loship tự tin sẽ thành công, chuẩn bị IPO trên sàn Mỹ

13-08-2021 - 16:30 PM | Doanh nghiệp

'Học' các công ty Trung Quốc cài game vào ứng dụng giao hàng, Loship tự tin sẽ thành công, chuẩn bị IPO trên sàn Mỹ

Loship đang được định giá khoảng 100 triệu USD.

Startup giao hàng Loship nhắm tới việc trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ trong hơn 1 thập kỷ gần đây.

Vừa nhận khoản vốn 12 triệu USD từ vòng gọi vốn mới nhất trong đó dẫn đầu có cả BAce Capital - quỹ đầu tư được chống lưng bởi tập đoàn Ant Group, Loship nói rằng họ kỳ vọng có thể IPO trong năm 2024, sau khi có lãi trong vòng 18 - 24 tháng.

Khi các startup công nghệ Trung Quốc đang chịu sự kiểm soát mạnh tay của chính phủ Trung Quốc, dòng tiền của các nhà đầu tư đang chảy vào Đông Nam Á và Ấn Độ khiến các startup vẫn đang thua lỗ như Grab hay Zomato được định giá cao kỷ lục.

Loship đã thu hút được 2 triệu khách hàng tại Việt Nam nhưng họ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

CEO Nguyễn Hoàng Trung - đồng sáng lập công ty từ 4 năm trước tự tin rằng Loship sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh lần này và sau đó mở rộng hơn bằng việc nhắm tới các đơn hàng với biên lợi nhuận cao hơn và sao chép chiến lược của các công ty Internet Trung Quốc.

Ở Việt Nam, một đất nước với 98 triệu dân, Loship đối mặt với khoảng hơn 12 đối thủ cạnh tranh từ AhaMove tới Gojek, Grab.

"Chúng tôi thiếu tài xế nhưng các đối thủ cũng gặp tình trạng như vậy. Đây là cơ hội để chúng tôi vượt lên trong trận chiến".

Vị CEO 29 tuổi so sánh trận chiến trong lĩnh vực giao hàng như một giải đua xe. Khi các tài xế gặp phải phần thi khó nhất là những khúc cua thì người giỏi nhất sẽ vượt lên".

Học các công ty Trung Quốc cài game vào ứng dụng giao hàng, Loship tự tin sẽ thành công, chuẩn bị IPO trên sàn Mỹ - Ảnh 1.

Bên cạnh BAce Capital, Loship cũng đã thực hiện vòng gọi vốn Series C vào tuần trước do Sun Hung Kai & Co., công ty niêm yết tại Hồng Kông đồng dẫn đầu. Những nguồn vốn khác đến từ các nhà đầu tư gồm cả Starbucks và BNP Paribas. Theo báo cáo của DealStreetAsia, vòng đàm phán này đã định giá Loship là 100 triệu USD. Tuy nhiên, CEO Trung từ chối xác nhận con số này.

Tờ Nikkei nhận định, những gã khổng lồ giao hàng trong khu vực đang cố gắng hâm nóng thị trường chứng khoán Mỹ. Gojek của Indonesia cũng đang lên kế hoạch IPO trong khi Grab của Singapore cũng thông báo sẽ hợp nhất với công ty SPAC Altimeter Growth để được niêm yết trên Nasdaq. Tuy nhiên, Grab đã phải lùi kế hoạch này vào cuối năm 2021 do các yêu cầu quy định mới.

Công ty Việt Nam đầu tiên IPO ở Mỹ là Cavico vốn kinh doanh trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, họ đã bị xóa tên khỏi Nasdaq vì chậm thời hạn nộp hồ sơ chứng khoán vào năm 2011, chưa đầy hai năm sau khi IPO.

VNG, một gã khổng lồ trong lĩnh vực game và nhắn tin, đang phấn đấu trở thành công ty niêm yết tiếp theo của Việt Nam tại Mỹ. Tuy nhiên, công ty này đã im hơi lặng tiếng kể từ khi bắt đầu đàm phán với Nasdaq vào năm 2017. Gần đây, nguồn tin của DealStreetAsia cho biết một công ty SPAC có trụ sở tại Mỹ đã tiếp cận Tiki.

CEO Trung cho biết đại dịch đã thúc đẩy nhiều người dùng lần đầu sử dụng Internet và anh tin rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng ứng dụng Loship sau khi dịch Covid-19 biến mất.

Phần lớn hoạt động kinh doanh của Loship hiện nay đến từ việc giao hàng tạp hóa và đồ ăn trưa đóng hộp. Họ cũng vận chuyển hoa, thuốc và các mặt hàng có lợi nhuận cao khác từ nhà kho đến người mua hàng.

Một chiến lược tăng trưởng khác được đề xuất bởi BAce Capital - quỹ đầu tư có một số lãnh đạo là sếp từ Alibaba Group và Ant Group. Dựa trên kiến ​​thức của họ về các xu hướng diễn ra ở Trung Quốc, Loship đã thêm một trò chơi vào ứng dụng của mình, giống như việc Pinduoduo của Trung Quốc đã thêm trò chơi vào nền tảng thương mại điện tử của mình.

CEO Trung đã ví loại hình đa chức năng này giống như một siêu thị, nơi người mua hàng có thể "lang thang" dù không biết mình sẽ mua gì. Người dùng Loship có thể ban đầu chỉ mở ứng dụng lên với mục đích chơi trò chơi, không phải mua sắm, nhưng cuối cùng họ lại mua hàng. Ví điện tử lớn nhất Việt Nam, MoMo, cũng đang thực hiện theo chiến lược tương tự.

"Những gì đã xảy ra ở thị trường Trung Quốc cũng có thể sẽ xảy ra ở Việt Nam", CEO Trung nói.

Theo Vân Đàm

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên