Học ít hiểu nhiều: 5 phương pháp thu nạp kiến thức hiệu quả của người trí tuệ
Học có thể giúp con người trưởng thành, phương pháp học đúng đắn là con đường ngắn nhất để đạt kết quả, tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc… Nhưng, học như thế nào để xứng đáng với thời gian và công sức bản thân đã bỏ ra? Đây là câu trả lời trọn vẹn nhất!
- 01-09-2020Để tuổi tác không "bào mòn" trí tuệ: Rèn luyện thường xuyên 5 thói quen này giúp bộ não luôn đạt trạng thái đỉnh cao
- 31-08-2020Đưa tiền nhờ 1 cậu bé đi mua bia nhưng mãi không thấy về, 3 ngày sau, đoàn thợ chụp ảnh chứng kiến cảnh tượng không ngờ tới
- 31-08-2020Nhiều người tự cho rằng cuộc sống càng áp lực thì càng có thể chứng minh bản thân? Kỳ thực, làm hài lòng bản thân chính là cách sống tốt nhất
Có bao giờ, bạn đầu tư thời gian giữa bộn bề công việc để học mà rốt cuộc không đạt được kết quả như mong muốn? Và bạn cảm thấy việc cắm đầu vào học nhưng không hiệu quả chính là một sự lãng phí. Thực tế, ai ai cũng rất thích học tập và mang trong mình tiềm năng hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, do hệ quả của việc học chỉ để thi, con người dễ sinh ra cảm giác chán ghét việc học. Đồng thời, nhiều người còn tự hạn chế bản thân bởi tự kỷ ám thị rằng bản thân không thông minh, "học đâu quên đó". Hơn nữa, vì không có phương pháp học đúng, họ dần rơi vào trạng thái học lãng phí, mãi không đạt được kết quả và bị kẹt vào trong cái đầm không đáy.
Theo bác sĩ tâm thần học kiêm nhà văn người Nhật - Zion Kabasawa, trong tác phẩm "Làm sao học ít hiểu nhiều", chỉ ra rằng, khi lên ý định học một điều gì, phương pháp học là yếu tố quyết định. Những người nắm rõ phương pháp học thường có khả năng lĩnh hội kiến thức trong thời gian nhất, là đòn bẩy tạo sức bật giúp bạn khởi động lại từ con số 0.
Đầu tiên, đa phần, chúng ta khi nhắc đến sự học là việc gì đó khó khăn, cực khổ, thường được diễn đạt bằng cụm từ "phải học". Chính cảm giác bị ép buộc có thể coi là "kẻ thù" lớn nhất của học tập. Sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy trao đổi với hơn 400.000 người, bác sĩ tâm thần người Nhật Zion Kabasawa đã đúc kết ra nhiều phương pháp dung nạp kiến thức giúp việc học trở nên hiệu quả. Và điều khiến chúng ta ấn tượng nhất là phương pháp "vui vẻ hóa" não bộ kích thích ham muốn học của một người, thay đổi thói quen xem việc học là "khổ sở" chuyển hóa thành "niềm vui" và tăng hiệu suất học tập.
Cũng theo bác sĩ Zion Kabasawa, về mặt khoa học thần kinh, tâm lý thích hay không thích học sẽ làm thay đổi cơ bản hiệu quả học tập và quyết định thành tích tốt hày không tốt. Khi con người làm việc mình yêu thích, não thường sinh ra "dopamine". "Dopamine" được biết đến với tên gọi là hormone hạnh phúc và được tiết ra khi con người cảm thấy vui vẻ, nhưng nó cũng có chức năng giúp nâng cao khả năng tập trung và năng lực ghi nhớ. Ngược lại, nếu con người làm việc gì đó mà họ cảm thấy khổ sở, não sẽ tiết ra ‘cortisol". "Cortisol" là một phần quan trọng đối với bộ nhớ, nhưng nếu được tiết ra, nó sẽ làm suy giảm năng lực ghi nhớ. Vì vậy, bằng việc làm cho não cảm thấy vui vẻ, bạn có thể đạt được kết quả học tập tuyệt vời. Khi học trở thành niềm vui, chúng ta sẽ ở trong trạng thái "cứ học thôi" và muốn học mãi không ngừng. Khi đó, việc học hoàn toàn không lãng phí và chúng ta sẽ thu được kết quả như mong muốn.
5 phương pháp để trở nên yêu thích học tập
Cách thứ nhất: Hỏi một người yêu thích học tập
Lý do bạn không yêu thích học tập là vì bạn không nhận ra sự thú vị của nó. Vì vậy, bạn hãy thử hỏi những người đã nhận ra sự thú vị của việc học. Mắt của những người đó hẳn sẽ sáng lấp lánh khi nói về sức hút của việc học.
Có một câu chuyện ví dụ về việc hiếu kỳ học tập như sau, hồi học phổ thông, cậu học trò tên T đã đến hỏi ông K - một người nhiệt huyết với ngành đường sắt, khi thấy ông vừa mỉm cười vừa đọc lịch trình xe lửa. Cậu học trò tên T hỏi: "Lịch trình chỉ liệt kê toàn số là số thế này thì hấp dẫn ở chỗ nào ông ạ?" Ông K đáp: "Nếu nói đây chỉ là liệt kê những con số thì thật thất lễ. Chỉ cần sai lịch trình một phút thôi thì đoàn tàu sẽ bị va chạm. Để đảm bảo tuyệt đối không xảy ra tai nạn, mọi thứ đều phải được vận hành theo quy tắc. Đó chẳng phải là nghệ thuật sao? Kiểm tra chuyến tàu này số bao nhiêu, tuần sau đi ngày thứ mấy, dừng ở điểm nào, để chụp ảnh bên ngoài đoàn tàu thì nên dừng ở ga nào, rồi thì đoàn tàu này đi vào hoạt động từ năm nào… Hoặc giả một sự kiện sắp xảy ra là một chuyến tàu kia sắp bị bỏ đi vĩnh viễn nên nếu không đi ngay bây giờ thì chắc cả đời này cũng chẳng được đi nữa. Chỉ nghĩ thôi trong lòng cũng thấy xúc động rồi…" Và ngay lúc đó, T đã nhận ra: "Ồ ra thế! Còn một thế giới như vậy nữa sao?"
Nếu lòng hiếu kỳ trong bạn được thắp lửa, bạn sẽ trở nên yêu thích học tập. Tác dụng của việc quan tâm đến chủ đề nào đó là bước đầu tiên để trở nên yêu thích học tập. Khi nhen nhóm lên ngọn lửa của lòng hiếu kỳ, bạn sẽ chuyên tâm dành thời gian học tập và xem việc học là niềm vui thì chúng ta sẽ ở trong trạng thái "cứ học thôi". Khi đó, việc học hoàn toàn không lãng phí và bạn có thể thành công.
Cách thứ hai: Lắng nghe các chuyên gia xung quanh
Câu chuyện kể về một câu học sinh, hồi học phổ thông, cậu học rất kém môn vật lý. Cậu đã có suy nghĩ cố hữu lệch lạc rằng "Vận tốc rơi của một vật làm gì liên quan đến cuộc sống đời thường, chẳng phải vậy sao?" Sau khi thi trượt Đại học Y, cậu học trò năm ấy đã vào trường dự bị và nhận được một cú sốc trong bài giảng vật lý đầu tiên. Thầy giáo môn vật lý M đã nói với cậu như thế này: "Các công thức trong vật lý là một nghệ thuật. Công thức tính vận tốc của vật thể rơi là v = gt (vận tốc = gia tốc x thời gian). Chỉ công thức đơn giản thế này thôi mà đúc kết được cả một chân lý thường ngày trong cuộc sống của chúng ta, điều này chẳng phải thật kỳ diệu hay sao?
Nếu nhìn thoáng qua, em có thể nghĩ rằng thế giới này được cấu thành từ những kết cấu phức tạp, nhưng nếu tìm hiểu kỹ một chút, em sẽ thấy thế giới vận động theo một hệ thống đơn giản ngoài sức tưởng tượng. Dù được ném ở bất kỳ độ cao nào, một vật luôn rơi với cùng một gia tốc. Vật lý là môn học làm sáng tỏ chân lý của thế giới, chân lý của vạn vật một cách đơn giản". Cậu học trò đã rất ngạc nhiên, đáp rằng: "Chân lý của thế giới ư?... Em chưa từng nghĩ tới điều này."
Chính khoảnh khắc đó, suy nghĩ về sự yếu kém đối với môn vật lý của cậu học trò năm nào hoàn toàn biến mất. Ngược lại, ngọn lửa về lòng hiếu kỳ đối với môn vật lý đã được thắp lên trong cậu. Cậu dành thời gian đào sâu, tìm hiểu kỹ các kiến thức vật lý…
Để trở nên yêu thích học tập, hãy lắng nghe một chuyên gia rất giỏi trong lĩnh vực nào đó nói về sức hút của lĩnh vực đó và những vấn đề liên quan. Sau đó, bạn sẽ dần cảm thấy học tập là niềm vui và có thêm động lực học, đào sâu kiến thức chuyên môn và nghiên cứu nâng cao.
Cách thứ ba: Đọc sách của những người nổi tiếng thích học tập
Nếu xung quanh bạn không có ai say mê học tập, nếu bạn không nghĩ ra người bạn, người quen hay thầy cô nào có thể nói cho bạn về sức hút của học tập, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của sách.
Sách chất chứa trải nghiệm thành công của hàng nghìn người, thất bại của hàng nghìn người. Bộ sưu tập các ví dụ về thành công và thất bại cũng nằm trong sách.
Một hiệu sách sẽ có vô vàn những cuốn sách viết về phương pháp học, vì vậy, hãy chọn và thử đọc một cuốn. Đặc biệt, nếu bạn chọn sách của một người cực kỳ yêu thích học tập, chắc hẳn bạn có thể dễ dàng đồng cảm với niềm vui trong học tập và đam mê học hỏi của họ.
Cách thứ tư: Đến gặp những người nổi tiếng yêu thích học tập
Nếu đọc một cuốn sách mà bạn thấy đồng cảm, có lẽ bạn sẽ muốn thử thực hiện theo, nhưng khi đọc một cuốn sách bình thường thì việc thực hiện thôi bạn cũng sẽ không hề nghĩ tới. Để lay chuyển cảm xúc một cách mạnh mẽ, việc trực tiếp gặp và lắng nghe tác giả nói chuyện còn quan trọng hơn cả việc đọc trên sách vở. Khi trực tiếp gặp và lắng nghe câu chuyện, cảm xúc sẽ được khuấy động. Khi đó, ta sẽ cảm thấy đồng cảm và nhất định muốn thử thực hiện điều đó.
Khi trực tiếp lắng nghe người yêu thích học tập nói chuyện, bạn sẽ trở nên yêu thích việc học. Nghi vấn "không biết việc học thú vị ở điểm nào" sẽ được xóa tan trong khoảnh khắc, cùng với đó bạn sẽ đồng cảm hoàn toàn với sự yêu thích học tập của họ.
Bạn nhận ra rằng, bản thân mình học chưa hiệu quả không nằm ở lỗi "tôi không có tài năng" mà do chưa biết phương pháp và chưa nỗ lực hết mình. Tài năng chỉ đơn giản là "danh xưng" để gọi những thành công lớn. Không một ai sở hữu cái gọi là tài năng cả, bạn đừng quá lo lắng. Việc bạn tìm đúng đam mê chính mình và nỗ lực một cách hợp lý, đó mới thực sự là nền tảng giúp bạn chinh phục nấc thang thành công.
Cách thứ năm: Tham gia cộng đồng học tập
Học một mình sẽ không cảm thấy vui vẻ mà chỉ thấy vất vả. Nhưng học cùng bạn bè không chỉ mang lại niềm vui mà còn khiến bạn trở nên yêu thích học tập. Vì vậy, bạn hãy tạo một nhóm vài người để tiến hành "học" lẫn nhau. Do học tập và nghiên cứu cùng với nhau, tất cả có thể tiến bộ vượt trội. Có thể nói, cách học này đem lại hiệu quả cao hơn việc nhét mình trong một căn phòng ngột ngạt để học.
Học có thể giúp con người trưởng thành, phương pháp học đúng đắn là con đường ngắn nhất để đạt kết quả, tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc…
Phương pháp học không phải là phương pháp để học mà là chiến lược trước khi bắt đầu học. Và nếu không có chiến lược đúng, ta sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian mà không thu được kết quả. Phương pháp học cũng là phương pháp chiến thắng cuộc sống. Những người biết phương pháp học có thể liên tục chiến thắng nhiều "cuộc chiến" xảy ra trong cuộc sống. Còn những người không biết phương pháp học cứ tiếp tục "thua" mà mãi không nhận ra lý do. Ngay từ bây giờ, hãy bắt đầu học bằng 5 phương pháp gợi ý đúng đắn trên, bạn vẫn kịp khởi động lại từ con số không. Bạn có thể thay đổi từ người liên tục thất bại trở thành người "đánh đâu thắng đó".
Trí thức trẻ