MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Học phí học trực tuyến ở trường quốc tế gây bức xúc

06-05-2020 - 08:44 AM | Xã hội

Nhiều ngày qua, phụ huynh học sinh (HS) các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài tại TP HCM bức xúc với chính sách học phí của các trường.

Họ đã liên tục gửi đơn cầu cứu, kiến nghị lên UBND TP HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Thậm chí, phụ huynh ở nhiều trường đã đến trường yêu cầu gặp trực tiếp ban giám hiệu để đối thoại, làm rõ những vấn đề về học phí cùng các khoản chi phí khác.

Ngày 5-5, gần 300 phụ huynh của Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) đã đến trường yêu cầu gặp ban giám hiệu để đối thoại sau nhiều lần kiến nghị nhưng không nhận được phản hồi. Trước đó, ngày 9-4, phụ huynh nhận được thông báo về việc giữ nguyên học phí học phần 4 của năm học 2019-2020, dù HS không đến trường và chỉ học trực tuyến. Mức học phí của trường này là từ 143-425 triệu đồng/năm tùy lớp.

VAS lý giải rằng dù HS không đến trường nhưng nhà trường vẫn phải trả lương cho đội ngũ giáo viên, nhân viên. Sau khi phụ huynh có nhiều phản ứng, nhà trường đã ra thông báo giảm 70% học phí cho thời gian nghỉ học và học trực tuyến. Sau khi HS đi học lại, trường sẽ tính học phí toàn bộ như biểu phí niêm yết trước đó. Tuy nhiên, đa số phụ huynh không chấp nhận mức phí 30% của học phí học trực tuyến, vì học trực tuyến của trường không hiệu quả như học trực tiếp.

 Học phí học trực tuyến ở trường quốc tế gây bức xúc  - Ảnh 1.

Phụ huynh học sinh Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) bức xúc về thời gian học bù và chất lượng học trực tuyến của trường

Phụ huynh tại Trường Song ngữ Quốc tế EMASI (quận 7) cũng bức xúc khi trường này thông báo xem việc dạy bù và học trực tuyến tương đương với toàn bộ học phí và sẽ không hoàn lại. Nhận thấy việc "bù trừ" này của nhà trường là chưa thỏa đáng, nhiều phụ huynh đã gửi thư yêu cầu hoàn trả chênh lệch học phí.

Theo một phụ huynh có con học tại Trường Song ngữ Quốc tế EMASI, thời gian học trực tuyến không thể tính như thời gian học chính thức. Phụ huynh không trả tiền để con học trực tuyến nên nhà trường "ép buộc" họ phải công nhận học phí cho việc học trực tuyến là không hợp lý.

Ngoài ra, theo thông báo từ nhà trường, thời gian học bù dự kiến cho từng khối lớp tối đa là 11 tuần. Trong khi đó, thời gian của toàn bộ học phần của học kỳ II là 17,5 tuần. Dù trước Tết, HS đã được học 2 tuần nhưng thời gian học bù vẫn có sự chênh lệch. Do đó, nhà trường cần hoàn lại phần học phí chênh lệch tương ứng.

Mức học phí tại Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) dao động từ 234 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng/năm, tùy chương trình và khối lớp. Song, những ngày qua, phụ huynh trường này hoang mang khi trường thông báo học phí năm học 2019-2020 sẽ tính vào 2 tuần học bù thời gian nghỉ dịch và học trực tuyến. Nhà trường sẽ miễn phí 3 tuần học cho khóa hè.

Chị Trần Hoàng Ngọc Uyên, phụ huynh HS VFIS, cho biết thời gian nghỉ dịch gần 3 tháng nhưng nhà trường chỉ bố trí học bù 2 tuần. Như vậy làm sao bảo đảm thời gian truyền tải tất cả kiến thức đến các em, trong khi trường vẫn thu đủ học phí học kỳ II? Trường đề xuất HS tham gia khóa hè 3 tuần miễn phí chủ yếu là dạy kỹ năng và vui chơi nhưng lại không dành thời gian này để bổ sung kiến thức chính khóa. Từ khi học trực tuyến đến nay, trường cũng không có bất kỳ bài kiểm tra, khảo sát nào để xem mức độ hiệu quả của việc học trực tuyến.

Trả lời vấn đề mà phụ huynh các trường quốc tế phản ánh, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết sở đã tiếp nhận đơn của phụ huynh và có buổi gặp gỡ họ, sau đó sẽ gặp nhà trường để có những chỉ đạo đúng theo quy định. Các khoản thu ở trường tư thục được quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định 86 về cơ chế thu, quản lý học phí.

"Trường phải xem xét với phụ huynh công tác giảng dạy đủ chưa, đã bảo đảm kiến thức cho HS chưa. Trên cơ sở đó, nhà trường thống nhất với phụ huynh. Học phí thu theo thỏa thuận. Các trường tư thục cung cấp dịch vụ giáo dục. Phụ huynh đồng ý thì bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ. Sở chỉ quản lý chuyên môn, không can thiệp mức thu học phí" - ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Thuận

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên