“Học theo” PNJ, Doji bắt đầu lấn sân sang kinh doanh đồng hồ
Với PNJ, doanh nghiệp này bắt đầu bán thử nghiệm đồng hồ từ năm 2012 tại các cửa hàng trang sức với khá nhiều thương hiệu như Citizen, Seiko, CK, Tissot, Longines…Trong khi đó, Doji mới "chân ướt chân ráo" bán đồng hồ với 2 thương hiệu là Emporio Armani và Michael Kors.
- 19-10-2018PNJ: LNST quý 3 đạt 177,7 tỷ đồng, tăng trưởng 41%
- 16-10-20184 năm liên tiếp giành giải nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á: PNJ khẳng định thành quả ở những con số biết nói
- 15-08-2018Cùng đi bán vàng, PNJ lãi gấp nhiều lần Doji và SJC cộng lại dù doanh thu chỉ bằng một góc nhỏ
Tại Việt Nam, PNJ và Doji là hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vàng bạc, trang sức với hàng trăm cửa hàng phân phối trải rộng khắp cả nước. Theo số liệu năm 2017, doanh thu công ty mẹ Doji lên tới gần 52.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD) và là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất ngành. PNJ cũng nằm trong top 3 về doanh thu với gần 11.000 tỷ đồng.
Những năm gần đây, bên cạnh mảng kinh doanh lõi là vàng bạc trang sức, PNJ và Doji đã mở rộng ra kinh doanh một số sản phẩm phụ kiện thời trang, đồng hồ.
Với PNJ, doanh nghiệp này bắt đầu bán thử nghiệm đồng hồ từ năm 2012 tại các cửa hàng trang sức với khá nhiều thương hiệu như Citizen, Seiko, CK, Guess, Michael Kors, Skagen, Tissot, Longines…Trong khi đó, Doji mới "chân ướt chân ráo" bán đồng hồ và doanh nghiệp này mới chỉ phân phối 2 thương hiệu là Emporio Armani và Michael Kors.
Xét về phân khúc, có thể thấy PNJ đang trải khá rộng, từ nhóm thời trang, giá rẻ như Citizen, Seiko, CK, Guess, Michael Kors, Skagen (giá từ 4-8 triệu đồng), cho tới trung bình Tissot (trên 10 triệu đồng) hay cao cấp Longines (30-70 triệu đồng). Còn với Doji, có lẽ do mới bắt đầu thử sức ở mảng kinh doanh mới nên doanh nghiệp chỉ lựa chọn phân phối những thương hiệu đồng hồ thời trang ở vùng giá thấp.
Bán đồng hồ, phụ kiện: Mảng kinh doanh với lợi nhuận vượt trội
Những năm qua, doanh thu từ các mảng phụ kiện thời trang, đồng hồ của PNJ vẫn khá khiêm tốn từ 10 – 20 tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2017 vừa qua, doanh thu từ mảng này đạt gần 24 tỷ đồng, con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu bán phụ kiện, đồng hồ tiếp tục tăng trưởng 8% so với cùng kỳ lên 18 tỷ đồng.
Dù doanh thu hiện chưa lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp của các mảng kinh doanh phụ kiện, đồng hồ của PNJ lại khá cao, thường trong khoảng 60 – 70%, vượt trội so với bán trang sức là 30% hay vàng miếng (rất thấp, từ 0,1 – 0,5%). Với tỷ suất lợi nhuận lớn như vậy, không bất ngờ khi Doji mới đây đã "học theo" PNJ đi bán đồng hồ.
Kinh doanh đồng hồ, phụ kiện có tỷ suất lợi nhuận vượt trội
Mặc dù 2018 vẫn còn là giai đoạn thử nghiệm nhưng PNJ dự kiến tạo bước đột phá mới bằng việc mở mở 20 cửa hàng Signature bán đồng hồ có thương hiệu riêng, song song với việc bán lồng ghép tại các shop PNJ hiện nay. Thậm chí, bên cạnh chuỗi cửa hàng, PNJ cũng sẽ đầu tư phát triển thương mại điện tử để có thể bán đồng hồ trực tuyến…
Mảng kinh doanh đồng hồ có gì hấp dẫn?
Tại ĐHCĐ diễn ra vào đầu năm, lãnh đạo PNJ cho biết sau thời gian dài thử nghiệm sẽ chính thức đẩy mạnh bán đồng hồ từ năm 2019. Lý giải về quyết định này, Chủ tịch PNJ – bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng: "Thị trường đồng hồ Việt Nam đang rất bát nháo, việc PNJ là điểm đến của sự đảm bảo hàng chính hãng đang được khách hàng tin tưởng và lựa chọn. Qua 5 năm triển khai đến nay Công ty đã thu về nhiều kết quả khả quan và PNJ sẽ đẩy mạnh trong tương lai".
Thực vậy, nhu cầu sử dụng đồng hồ như là một vật trang sức ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, để mua được đồng hồ "xịn" tại Việt Nam là điều không dễ dàng bởi chuỗi phân phối chính hãng còn hạn chế, ngoài ra đồng hồ giả cũng đang là vấn nạn trên thị trường. Còn với các đồng hồ xách tay thì bài toán bảo hành đang gặp khá nhiều khó khăn.
Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người và thị trường đồng hồ có quy mô ước tính 17.000 tỷ đồng nhưng rất phân mảnh và chưa có tay chơi lớn nào tham gia rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.
Nhìn lại những chuỗi bán lẻ như Thế giới di động hay chính PNJ, Doji, một trong những yếu tố quyết định thành công là việc tận dụng sự phân mảnh của thị trường. Thế giới di động tận dụng tốt việc phân mảnh của ngành điện thoại, điện máy; PNJ và Doji tận dụng tốt sự phân mảnh của thị trường vàng. Bởi vậy, thị trường đồng hồ hiện đang rất phân mảnh là cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn như PNJ, Doji nhập cuộc.
Một lợi thế khác là đồng hồ thuộc phân khúc thời trang, cùng nhóm sản phẩm vàng, trang sức mà PNJ, Doji đang phân phối. Do đó, sự khác biệt về cách bán hàng giữa các loại sản phẩm này không quá lớn và PNJ, Doji hoàn toàn có thể tận dụng chuỗi hệ thống hàng trăm cửa hàng của mình để phân phối.
Cuối cùng, những con số thống kê cho thấy tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh này rất cao (biên lãi gộp phụ kiện, đồng hồ PNJ thường ở mức 60 – 70%) là yếu tố quan trọng để PNJ và Doji lựa chọn trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Dù có nhiều lợi thế nhưng lĩnh vực đồng hồ mà PNJ và Doji kinh doanh cũng sẽ gặp phải thách thức không nhỏ từ xu hướng sử dụng đồng hồ thông minh (smartwatch) hiện nay.
Trí Thức Trẻ