MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp

02-10-2020 - 08:42 AM | Sống

“Hội An chưa vào mùa ngập nhưng cũng lênh đênh những nỗi buồn của người làm du lịch rồi. Đến vài tháng nữa lụt, chắc người ta khóc mất, khách du lịch không có thì chúng tôi cũng chẳng còn gì”, nỗi buồn một người làm du lịch ở Hội An, chơi vơi nhìn đường phố vắng lặng đã vài tháng qua.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch nhưng tôi không theo được đúng ngành. Nhiều anh chị, bạn bè vẫn trụ vững với nghề, cũng cả chục năm. Trước Covid-19, du lịch vẫn là ngành nóng tại Việt Nam khi số lượng khách quốc tế tới Việt Nam cứ tăng hàng triệu người mỗi năm. Ấy vậy mà chỉ qua một đơn dịch, phố thị tiêu điều, những con phố từng đông nghẹt khách du lịch giờ chỉ còn người bán hàng ngồi nhìn ra ngoài phố thở dài. Họ biết chẳng có khách, nhưng vẫn mở cửa một lúc cho đỡ nhớ nghề. 

Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Tôi có anh bạn vào Hội An từ vài năm trước để mở homestay, nho nhỏ thôi, cũng là làm chung với hai người bạn khác. Hồi đó anh ấy hồ hởi lắm, vì yêu Hội An, bất kể mùa đông đúc nóng nực hay mùa ngập đi thuyền trên phố cổ. Du lịch vài năm trước phất, người ta thấy Hội An vẫn còn nhiều đất để phát triển nếu biết làm mới những cơ sở lưu trú vốn đã tẻ nhạt, cũ kỹ. 

Sự trở lại của COVID-19 vào cuối tháng bảy như sét đánh ngang tai những người làm du lịch. Anh không đăng status Facebook buồn bã, ủ dột như hồi tháng tư nữa. Tôi cũng nhắn một cái tin hỏi thăm, anh đáp gọn lỏn: “Buồn thì buồn nhưng giờ còn bận trả lời khách hủy phòng, còn chia tay chia chân nhân viên tiếp”. Người làm khách sạn đâu có thời gian để ngồi buồn ngay, họ còn xoay sở trong đủ thứ khủng hoảng, tính toán xem tiếp theo sau đây sẽ đổi hướng sang làm gì, nhân viên nào giữ nhân viên nào cho về quê.

Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 2.
Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 3.
Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 4.

Nhìn những du khách rời khỏi Hội An, Đà Nẵng, họ biết rằng công việc của nhân viên, tiền điện, tiền nhà, tiền tu sửa lại cơ sở vật chất để đón khách… cũng cuốn đi theo không biết bao giờ trở lại. Cuộc tháo chạy ấy đã mang đi cơ hội của rất nhiều người trong ngành du lịch. Giờ đây, khi tình hình dịch về cơ bản đã được khống chế, Hội An vẫn buồn hiu hắt, ảm đạm, đâu còn những khung cảnh náo nhiệt, trên bến dưới thuyền tấp nập người chụp ảnh. 

Cách đây không lâu, báo chí còn chia sẻ việc nhiều người ở Hội An quyết định chuyển sang bán chè thì may ra cầm cự được vì khách nước ngoài không còn, các mô hình quán bar, cà phê nhà hàng với đối tượng khách du lịch nước ngoài không hoạt động được. Giờ bán chè hay bán nước gì cũng không có nghĩa lý. Không có khách, họ chẳng những không bán được gì mà còn phải “mua” thêm niềm tin rằng du lịch sẽ khởi sắc, người ta sẽ lại quay về với Hội An.

“Chè giờ bán cho ai được, không có khách Tây, khách Việt cũng chưa thể trở lại, mấy “ông bà chủ” như bọn tao bán chè cho nhau ăn à,” anh cười chua chát. Nền kinh tế dịch vụ không giống như nền kinh tế hàng hóa. Sự tự cung tự cấp không thể ứng dụng với ngành du lịch. Có những người “chết” hụt hai lần ở Hội An, lần đầu dịch dìm xuống không chết, kéo đầu họ lên để thở thoi thóp rồi lại dìm xuống lần nữa khi cơ hội tưởng như đã trở lại, du lịch phục hồi giữa mùa cao điểm. Rồi tan tành, vài tháng nữa Hội An sẽ vào mùa mưa ngập, còn mấy ai tới Hội An để bơi thuyền trên sông. Cái “chết” lần hai, người khắc khoải, người chắc vẫn còn hi vọng, riêng anh bạn tôi chẳng biết sẽ đi đâu về đâu. 

Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 5.
Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 6.

Người ta nói du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên nhưng cũng sẽ hồi phục nhanh chóng nhất. Liệu có nhanh chóng nhất không hay quả bong bóng vừa được thổi lên đã lại vỡ tan? 

Du khách có thể “tháo chạy” khỏi Hội An, Đà Nẵng, thoát khỏi những nơi được cho là nguy hiểm. Còn những người làm kinh doanh như bạn tôi và hàng nghìn người khác, họ chẳng thể tháo chạy khỏi hiện tại, khỏi tình trạng kinh doanh ế ẩm chắc còn dài tới năm sau khi mùa cao điểm du lịch qua đi. Những người trẻ như vậy, họ chẳng thể “tháo chạy” khỏi khoản nợ của chi phí đầu tư, vận hành. Nếu coi đó là “học phí” thì bài học ấy quá đắt, khiến người ta chết đi sống lại vài lần chứ không đùa. Vài trăm triệu với anh bạn tôi, xoay bao nhiêu năm cho lại?

Cái đìu hiu của Hội An không chỉ vì phố vắng người qua, ngõ nhỏ hiu hắt, Hội An đìu hiu vì những gương mặt người làm du lịch bỗng trầm ngâm, không còn nét tươi tỉnh, chào mời du khách như mọi ngày. 

Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 7.
Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 8.
Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 9.

Ai cũng nói rồi dịch bệnh sẽ qua thôi và kinh tế sẽ trở lại, du lịch sẽ hồi phục nhưng “qua thôi” thì nhiều người cũng xác xơ; cả vật chất và tinh thần. Khi chúng ta nói về du lịch nói chung, mọi thứ nghe sao mơ hồ quá, chung chung quá - nhưng thử tiếp cận khía cạnh “du lịch” với những con người cụ thể - anh chủ homestay, cô bán chè ở Hội An, chú lái xe ôm, bé gái bán đèn hoa trên bờ sông, bạn sẽ thấy du lịch rõ ràng và cụ thể hơn. Đó cũng là lúc, người ta thấy du lịch không còn mơ hồi với những câu chuyện sinh kế đầy gian nan.

Cuộc đời có được bao năm gầy dựng, một năm chết đứng là đi tong bao nhiêu. Nhiều người vẫn có thể đứng vững sau Covid, rút ra cho mình kinh nghiệm và lại lạc quan tiếp tục. Số người như vậy, trên Facebook cảm giác nhiều, chứ cứ thử nói chuyện với vài người làm du lịch xem, bước ra ngoài kia (nếu được) nhìn xem, sẽ thấy vô vàn nỗi khắc khoải của mùa Covid mà chẳng thể gán những thứ tích cực, truyền cảm hứng hay động lực gì cả.

Chỉ thấy nhiều nỗi buồn chơi vơi, như mùa lũ nổi lên ở Hội An.

Anh bạn tôi nói có thể sẽ không tiếp tục nữa, chưa biết thế nào. Ở thời điểm hiện tại, khi tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, người ta mong chờ một sự khởi sắc với du lịch Hội An. Giữa những niềm vui háo hức, sự rộn ràng chuẩn bị trở lại xen lẫn lắng lo và bất an: Liệu du lịch có thực sự hồi phục lần này không? Có nên tiếp tục công việc kinh doanh khi mùa cao điểm du lịch Hội An đã đi qua. 

Hội An những ngày du lịch hiu hắt: Chưa vào mùa lụt đã thấy buồn, xin đổi bình yên lấy chút nhộn nhịp - Ảnh 10.

Một sáng mai vừa lên trên phố cổ Hội An, bước ra ngoài nhìn những dãy phố dài vắng lặng, người dân Hội An bồi hồi nhớ lại những ngày con phố ken đầy người, đông vui và náo nhiệt. Người ta coi bình yên là những khoảnh khắc thoáng qua đủ để du khách và người dân tìm được chút tĩnh lặng giữa ngày nhộn nhịp. Không ai sẵn sàng hay vui vẻ với khung cảnh đìu hiu ngày nối tiếp ngày như vậy.

Người Hội An mong chờ khung cảnh nhộn nhịp, tiếng cười tiếng người râm ran trong nắng đổ bóng trên những bức tường vàng. Hội An đã sẵn sàng trở lại, dè dặt và thận trọng. Có lo sợ hay bất an, đây cũng là nhịp sống thường ngày trôi chảy gắn với cuộc đời người dân bên dòng sông Hoài. 

Hội An những ngày du lịch hiu hắt rồi cũng sẽ qua mà thôi.

Nguồn ảnh: Mai Văn Châu Thịnh, Quý Nguyễn.

Theo Minh Đức - Thiết kế: Thủy Tiên

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên