Hỡi các ông bố bà mẹ, bạn đang hành xử "vì con" hay "vì mình"?
Có bao giờ trong lúc dạy dỗ con, bạn dừng lại và tự hỏi bản thân "Mình đang làm điều này 'vì còn' hay vì chính bản thân mình"? Bố mẹ cần phân biệt "vì con" hay "vì mình" để tránh việc can thiệp quá mức vào cuộc sống của con.
- 20-07-2018“Bà trùm bất động sản” Barbara Corcoran không bao giờ cho con ngồi ghế máy bay hạng nhất: Nếu muốn hưởng thụ điều gì, những đứa trẻ phải nỗ lực để đạt được nó
- 19-07-2018Thư gửi 114 học sinh ở Hà Giang: Chỉ là cha mẹ thương con cái bằng tình thương thiếu hiểu biết
Khi nuôi dạy con, vừa mới giải quyết được việc này thì việc kia đã xuất hiện, bố mẹ cũng không ngừng trưởng thành cùng con.
Đôi khi chỉ vì một việc nhỏ nào đó của bé mà vấn đề bị thổi phồng lên quá mức, đến nỗi thay đổi cả hướng đi của cuộc đời trẻ. Chính vì vậy, có một sự thật mà tôi muốn các bà mẹ có con gái lưu tâm chú ý như sau: Nguyên nhân của tất cả các hành động ngỗ ngược, không đúng mực của trẻ con là do sự can thiệp thái quá của người lớn.
Có một số bà mẹ ưu tiên làm điều mình thích nên bỏ mặc việc nuôi dạy con cái. Nhưng so sánh với những bà mẹ như vậy, thì những bà mẹ can thiệp thái quá vào cuộc sống của trẻ còn tệ hơn. Mẹ cứ nghĩ là vì con, cố gắng nỗ lực hết mình trong việc nuôi dạy con cái, thế nhưng con không muốn đến trường, không muốn làm việc, rồi có khi có những hành vi trái với đạo đức, v.v.
Nguyên nhân đầu tiên đã được các nghiên cứu chỉ ra đó là sự bảo hộ và can thiệp quá mức của bố mẹ.
Có khi nào bạn tự nói: "Con lạnh đúng không?" rồi ép con mặc thêm áo vào không? Có khi nào vấn đề của con mà bố mẹ lại giải quyết thay hay không? Có khi nào cuộc đời của con mà bố mẹ lại quyết định hay không? Có khi nào bố mẹ ủy thác giấc mơ của mình vào con cái hay không? Có khi nào bố mẹ bắt con phải làm những điều mình đã không thể thực hiện hay không?
Có khi nào để con không bị thất bại, bố mẹ đã bí mật chuẩn bị sẵn hết hay không? Có bao giờ bố mẹ nghĩ việc mình không cho con nếm trải thất bại đồng nghĩa với việc chuẩn bị sẵn cho con một cuộc đời nhàm chán, nửa vời hay không?
Việc bất hạnh nhất đối với cuộc đời con trẻ là không để con được tự lập. Đến một lúc nào đó, trẻ sẽ rời xa sự bảo bọc của bố mẹ để bắt đầu cuộc đời bằng chính đôi chân của mình. Để làm được điều đó thì trẻ phải tự quyết định con đường đi của mình. Nếu vấp phải trở ngại, tự mình phải vượt qua.
Thỉnh thoảng con cái cũng có những lựa chọn mà bố mẹ không tài nào hiểu được, có những quyết định mà bố mẹ nhìn vào đoán chắc sẽ thất bại. Tuy nhiên, đến một độ tuổi nào đó, tất cả các quyết định của con cái, phải do bản thân chúng tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm.
Khi ra mệnh lệnh đối với con hay la mắng con, hãy tự hỏi lại mình: "Đây là vì con? Hay vì là mình?".
Lúc mắng con vì bé mãi không thể tự chủ trong việc đi vệ sinh, hãy tự hỏi: bạn muốn bé có thể tự đi vệ sinh là "Vì con", hay là vì nếu bé có thể thực hiện được thì bạn sẽ nhàn hơn? Hét lên với con: "Làm nhanh lên" là "Vì con", hay vì bạn đang vội? Việc dùng phần thưởng hay lời đe dọa để bắt con nghe theo lời mình là "Vì con" hay làm vậy để trẻ nhanh nghe lời?
Trong việc nuôi dạy trẻ không có điều gì là chính xác tuyệt đối. Không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, và do vậy cũng có vô vàn những phương pháp nuôi dạy khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: chỉ cần một bánh xe của cả quá trình không ăn khớp thì chuyện nuôi dạy con sẽ trở nên vất vả hơn rất nhiều. Nếu ưu tiên lý do "Vì mình" thì mẹ sẽ cảm thấy khó chịu với tất cả những việc, bé thực hiện.
Chỉ khi nào là "Vì con" thì lúc đó mẹ mới phát hiện nhiều bất ngờ thú vị trong việc nuôi dạy con cái, mẹ sẽ cảm động khi con có từng sự trưởng thành nhỏ. Chính vì thế, những lúc cảm thấy khó khăn, mệt mỏi, hãy dừng lại, hít thở sâu rồi tự hỏi mình: "Đây là vì con? Hay vì là bản thân mình?". Nếu "vì con", việc nuôi dạy con sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
*Nội dung trích cuốn "Nuôi dạy bé gái từ 0 – 6 tuổi", Erika Takeuchi.
Trí thức trẻ