MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội chứng FOMO trong đầu tư chứng khoán: Lo sợ bỏ lỡ chuyến tàu chiến thắng để rồi lại "mua đỉnh, bán đáy"

Hội chứng FOMO trong đầu tư chứng khoán: Lo sợ bỏ lỡ chuyến tàu chiến thắng để rồi lại "mua đỉnh, bán đáy"

Thiếu kiên nhẫn đã khiến nhiều nhà đầu tư thất bại, lâm vào tình trạng "mua đỉnh, bán đáy"; đồng thời luôn luôn cố gắng cạnh tranh với thị trường. "Có tới 90 – 95% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang thua với thị trường, việc cố gắng cạnh tranh để chiến thắng thị trường chung là điều rất khó", ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Thị trường chứng khoán thăng hoa đã đưa kênh đầu tư tài chính này trở nên vô cùng hấp dẫn đến tận những người lâu nay chỉ quen với gửi tiết kiệm ngân hàng. Nhiều người không thể đứng yên ngoài cuộc chơi này, không quan tâm cách đọc báo cáo tài chính, không tìm hiểu doanh nghiệp hay phân tích kỹ thuật giá cổ phiếu, chỉ mong muốn mở một tài khoản trên sàn giao dịch và nghe theo những đồn đoán trôi nổi trên thị trường nhằm kiếm mức lợi nhuận "khủng"

Trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến ngày 17/11, ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc phát triển kênh kinh doanh hợp tác Dragon Capital Việt Nam đánh giá hiện tượng này khá phổ biến và đang ngày càng nở rộ trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế xã hội, môi trường lãi suất thấp, nguy cơ leo thang giá hàng hóa, hàng loạt câu hỏi đặt ra liên quan đến việc sinh lời cho khối tài sản dẫn đến những quyết định đầu tư nhằm chống lại sự ăn mòn của lạm phát.

Tuy vậy, đây cũng chính là nguyên nhân cho "hội chứng FOMO – Fear Of Missing Out" – khi mà người ta sợ bỏ lỡ cơ hội bởi việc đứng ngoài trào lưu của đám đông. Cụ thể, trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, FOMO chính là trạng thái ghen tỵ và choáng ngợp bởi sự thành công của người khác, từ đó hình thành cảm giác lo sợ bỏ lỡ "chuyến tàu" chiến thắng.

Ông Tuấn chia sẻ, điều này hết sức bình thường, bản thân vị chuyên gia cũng đã trải qua những cảm xúc đó. Song, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý về mục đích khi tham gia đầu tư, tránh việc chạy theo đám đông mà không rõ phương hướng. Đây cũng chính là bước đầu tiên để có thể bắt đầu tham gia vào thị trường - mục tiêu là gì. Kế tiếp sau, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư cần xác định bản thân có khả năng với những kênh đầu tư nào, và có hiểu ro về những kênh đó không; đồng thời cũng cần xác định lượng tiền sẽ dùng nhằm đầu tư sinh lời.

Đặc biệt, việc xác định khẩu vị rủi ro là điều vô cùng quan trọng nhằm xác định kênh đầu tư phù hợp. Lợi nhuận càng cao thì sẽ đi kèm với rủi ro càng lớn, nhà đầu tư nếu mong muốn thu về khoản lợi nhuận cũng cần chấp nhận mức độ rủi ro tương đồng. Vị chuyên gia đến từ Dragon Capital cũng đưa ra 7 kênh đầu tư phổ biến và sắp xếp theo chiều tăng dần của khẩu vị lợi nhuận và rủi ro.

Hội chứng FOMO trong đầu tư chứng khoán: Lo sợ bỏ lỡ chuyến tàu chiến thắng để rồi lại mua đỉnh, bán đáy - Ảnh 1.

Nguồn: Dragon Capital

Cuối cùng, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư nên xác định bản thân sẽ tự tham gia thị trường hay sẽ ủy thác cho tổ chức. Theo đó, nếu có đủ quỹ thời gian và năng lực chuyên môn, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự mình phân bổ lượng tài sản vào những kênh đầu tư phù hợp và tự vận động mỗi khi những kênh đầu tư đó có sự biến động. Tuy nhiên, nếu đầu tư chỉ là nghề tay trái thì nhà đầu tư nên giao cho những tổ chức uy tín nhằm đạt được mức sinh lời hiệu quả nhất.

Vị Giám đốc Dragon Capital đưa ra ví dụ minh họa cụ thể: Nhà đầu tư đặt mục tiêu kiếm được 1 tỷ đồng. Hiện, số tiền mỗi tháng dành cho đầu tư là 10 triệu đồng/tháng.

Nếu nhà đầu tư lựa chọn khẩu vị an toàn, mức tăng trưởng 10%/năm, đầu tư một cách đều đặn thì bằng những kênh như trái phiếu, quỹ trái phiếu, sau hơn 6 năm nhà đầu tư đó sẽ đạt được đích 1 tỷ đồng.

Còn nếu nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm, mức tăng trưởng có thể gấp đôi là 20%/năm, tư tham gia đầu tư bằng cách mua cổ phiếu và các quỹ cổ phiếu thì chỉ cần 5 năm thì số tiền 1 tỷ đã có thể dành được. Điều này có thể cho thấy rõ khẩu vị đầu tư sẽ chi phối đến quyết định lựa chọn kênh và thời gian đầu tư.

Hội chứng FOMO trong đầu tư chứng khoán: Lo sợ bỏ lỡ chuyến tàu chiến thắng để rồi lại mua đỉnh, bán đáy - Ảnh 2.

Nguồn: Dragon Capital

Tuy nhiên, sai lầm là điều tất yếu trên thị trường đầu tư, bất chấp nhà đầu tư có xác định rõ ràng mục tiêu và phương pháp như thế nào đi chăng nữa. Ông Tuấn điểm qua những sai lầm thường gặp, đặc biệt là với những nhà đầu tư cá nhân. Đó là việc không hiểu về bản chất của khoản đầu tư, mục tiêu không cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư đang tập trung quá nhiều vào 1 loại tài sản như chỉ 1 bất động sản hay 1 cổ phiếu duy nhất, nếu tài sản đó bị giảm sút sẽ tác động rất tiêu cực đến khoản đầu tư ban đầu.

Ngoài ra, thiếu kiên nhẫn cũng khiến nhiều nhà đầu tư thất bại, lâm vào tình trạng "mua đỉnh, bán đáy"; đồng thời luôn luôn cố gắng cạnh tranh với thị trường.

"Có tới 90 – 95% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang thua với thị trường, việc cố gắng cạnh tranh để chiến thắng thị trường chung là điều rất khó", ông Tuấn cho biết.

Xét trong tương lai, mặt bằng lãi suất ngân hàng vẫn thấp nên dòng vốn từ đây sẽ chảy về những kênh đầu tư sinh lời tốt hơn như chứng khoán, trái phiếu... Ông Tuấn đánh giá trong năm 2022, với bức tranh kinh tế phục hồi nhờ nỗ lực của Nhà nước và Chính phủ thì sẽ là động lực rất tốt cho thị trường chứng khoán.

Nhận định đôi chút về thị trường tiền ảo (crypto currency), ông Tuấn cho rằng đây là một đề tài đang được bàn luận rất sôi nổi trong thời gian qua, mặc dù tăng nhưng rất rủi ro. Đặc biệt, yếu tố thanh khoản là điều cần hết sức lưu ý. Ông Tuấn khuyến nghị nhà đầu tư cần nghiên cứu rõ về lĩnh vực đó, đồng thời xác định rủi ro bản thân có thể chấp nhận là 20%, 30% hay 50%.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên