MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội độc thân thường không tốn nhiều tiền sắm Tết, có đúng không?

16-12-2022 - 14:28 PM | Lifestyle

Chuyện chi tiêu mùa lễ của những người độc thân có đau đầu như người đã kết hôn?

Tết được nhiều người cho là mùa tiêu tiền. “Làm lụng cả năm chỉ để chi tiêu trong 3 ngày Tết" là quan điểm không còn xa lạ. Đặc biệt đối với những người đã kết hôn, dường như những khoản chi như đối nội đối ngoại, dành cho con cái, khiến chi tiêu trong ngày Tết khá cao. Bên cạnh đó, hội độc thân được coi là người tiết kiệm nhất trong mùa lễ hội, có thật là như vậy?

Hội độc thân chia sẻ chi tiêu ngày Tết

Thức (đang làm trong lĩnh vực IT) chia sẻ rằng bản thân đã bắt đầu sắm sửa vào đầu tháng 12, do đây là thời điểm có nhiều đợt sale sập sàn của các nhãn hiệu lớn. Hiện tại, cậu bạn chủ yếu đầu tư cho cá nhân như quần áo, giày dép và đồ công nghệ.

Bên cạnh đó, theo trải nghiệm cá nhân, Thức cho rằng dự tính và thực tế khi sắm Tết thường sẽ có nhiều chênh lệch. “Năm ngoái, chỉ vì ‘lỡ tay' mua nhiều hơn một chút, thực tế chi tiêu so với ngân sách mình lên dự tính đã tăng gấp đôi. Thực ra dịp cuối năm này, mình dự trù khoản 30 triệu cho mua sắm quần áo, đôi giày, mình cũng đổi chiếc máy ảnh mới và quan trọng nhất là làm chuyến du lịch Sapa chốt sổ cuối năm nữa”.

Bên cạnh đó, Hải Yến (26 tuổi, đang làm trong lĩnh vực thương mại điện tử) chỉ vừa mới sắm một cái áo trong dịp săn sale cuối năm. Còn lại do gia đình cô bạn những ngày Tết cũng đi chơi hoặc qua họ hàng ít tiếp khách nên không cần chuẩn bị nhiều. Năm nay, Hải Yến dự tính sẽ mua một số quà cáp để biếu Tết vào khoảng 2-3 triệu, và mua một ít bánh mứt, đồ ăn, trang trí cho gia đình vào khoảng 1-2 triệu.

Hội độc thân thường không tốn nhiều tiền sắm Tết, có đúng không? - Ảnh 1.

Hải Yến

Hải Chi (23 tuổi, làm trong mảng truyền thông) chia sẻ rằng bản thân không phải sắm cho gia đình vào cuối năm, bởi vì khoản mục này hầu hết đều do bố mẹ cô chịu trách nhiệm chính. “Đây là cái Tết thứ 2 từ khi mình đi làm, nhưng năm nay chắc mình cũng không sắm gì nhiều. Mình đang độc thân, gia đình không ‘tin tưởng' để mình sắm sửa gì. Do vậy, mình chỉ mua quần áo mặc Tết cho bản thân và chuẩn bị một ít tiền mừng tuổi cho ông bà, bố mẹ và em gái".

Độc thân nên sắm Tết ít hơn?

Nhiều người thường cho rằng nếu độc thân, các khoản chi tiêu tối giản và tiết kiệm được rất nhiều tiền, đặc biệt trong dịp lễ Tết. Đồng tình với quan điểm này, Hải Yến cho rằng độc thân đúng là đỡ được một khoản quà cáp, chi tiêu cho gia đình họ hàng người yêu hay chồng.

Đối với Hải Chi, điều này chưa thật sự đúng. “Đúng là so sánh với những người đã kết hôn, mình tiết kiệm được nhiều hơn, bởi vì không phải sắm Tết cho gia đình. Mình chỉ sắm cho bản thân, và mình khá tối giản nên mua rất ít đồ. Song, đối với nhiều bạn đầu tư tận hưởng không khí Tết hay san sẻ chi phí sắm Tết cùng bố mẹ, có lẽ chi tiêu cho Tết gần như bằng với những người đã kết hôn".

Mặt khác, đối với Thức, cậu bạn cho rằng độc thân không có nghĩa sẽ chi tiêu Tết ít hơn. Bởi vì nếu có gia đình, cậu bạn sẽ hạn chế chi tiêu cho bản thân và danh nhiều hơn cho người thân. Còn khi độc thân, 2 vế này đảo ngược lại.

Còn độc thân, Thức tự nhận bản thân khá dễ trong kiểm soát thu chi. Thông thường cậu bạn có 2 nguồn thu nhập chủ động là từ lương và cho thuê studio. Cậu bạn sử dụng ứng dụng kiểm soát thu nhập. Do vậy, mỗi ngày dòng tiền thu chi ra sao, hiển thị biểu đồ dễ quan sát, có thể kiểm soát khó chặt chẽ.

“Và mùa Tết, do vật giá cái gì cũng tăng nên dễ cháy túi. Vì vậy theo mình nên lập danh sách những gì thực sự cần mua, so sánh giá và nên để lại 1 khoản dự phòng. Cá nhân mình chủ yếu chi vào 3 nhóm theo tính chất quan trọng với người độc thân thôi: Vật dụng bản thân, quan hệ xã giao bạn bè hoặc đồng nghiệp và nhu cầu giải trí, và nhớ chừa lại 10-20% dự phòng”.

Hội độc thân thường không tốn nhiều tiền sắm Tết, có đúng không? - Ảnh 2.

Thức

Còn đối với Hải Yến, cô bạn thường lập danh sách những khoản chi cần (quà cáp, bánh mứt,...) và khoản chi muốn (quần áo mới, làm đẹp trước Tết,...) Sau đó để mức chi phí phù hợp cho từng mục để quản lý chi tiêu ở mức mình mong muốn. Đến khi mua sắm, chi tiêu sẽ nhìn vào đó để tránh tiêu dùng quá mức.

Ảnh: NVCC


Theo Tô Diệp

Trí thức trẻ

Trở lên trên