Hội nghị Doha thất bại, giá dầu sẽ lao dốc trong thời gian tới?
Người ta vẫn hy vọng vào việc đạt được một thoả thuận phải chăng để có thể giúp hỗ trợ giá dầu và kiểm soát các dự đoán thị trường cho đến cuộc họp OPEC vào tháng 6 tới.
- 13-04-2016Liệu có phải giá dầu đã chạm đáy?
- 13-04-2016[Chart] Giá dầu vừa làm được điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2014
- 08-04-2016Giá dầu 35 USD là "ranh giới sống còn" cho các công ty dầu Mỹ
Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới diễn ra tại Doha vào ngày 17/4 đã kết thúc mà không có một thoả thuận nào đạt được. Sự sụp đổ của các cuộc đàm phán này báo hiệu rằng giá dầu thô thế giới có thể chịu sức ép mới sau một thời gian hồi phục không đáng kể.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran vẫn căng thẳng, gần 20 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã không thể tìm thấy đủ nền tảng chung để giữ nguyên hạn định khai thác dầu sau nhiều cuộc đàm phán.
Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar cho biết nhóm này cần có thêm thời gian để phác thảo kế hoạch hay lập một thoả thuận nhằm kìm hãm sản lượng dầu.
Trước cuộc họp thất bại này, các nước đã đề xuất giữ sản lượng khai thác dầu ở mức của tháng 1/2016 cho đến ít nhất tháng 10/2016. Tuy nhiên, đàm phán Doha đổ vỡ cũng là trường hợp không nằm ngoài dự đoán khi mà Iran đã quyết định không tham dự cuộc họp quan trọng này vào phút chót. Tehran cực liệt phản đối ý tưởng bình ổn sản lượng bởi nước này đang toan tính giành lại thị phần đã bị mất sau khi được phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Các nhà phân tích cũng nhìn nhận trước cuộc họp này là một thoả thuận bình ổn sản lượng nếu đạt được cũng chỉ có tác dụng rất ít để thay đổi tình trạng dư thừa dầu trên thế giới. Tuy nhiên, người ta vẫn hy vọng vào việc đạt được một thoả thuận phải chăng để có thể giúp hỗ trợ giá dầu và kiểm soát các dự đoán thị trường cho đến cuộc họp OPEC vào tháng 6 tới.
Các nhà quan sát thị trường đã từng đặt hy vọng rằng những thành viên tham dự cuộc họp có thể ký một 'thoả thuận hào hoa' để ít nhất là giữ thể diện và làm cầu nối đến cuộc họp OPEC vào tháng sáu. Sự sụp đổ của các cuộc đàm phán này báo hiệu rằng giá dầu thô thế giới có thể chịu sức ép mới sau khi tăng khoảng 55% kể từ tháng 2/2016 đến nay. Nga, Ả Rập Xê Út, Qatar và Venezuela đã nhất trí vào tháng 2/2016 về việc bình ổn sản lượng.
Trước thềm hội nghị ngày 17/4, giá dầu đã vượt dậy từ mức thấp kéo dài nhiều năm dưới 30 USD/thùng nhích lên trên 40 USD/thùng bởi thị trường kỳ vọng hội nghị Doha kết thúc với một thoả thuận duy trì sản xuất khai thác dầu hiện nay. Tuy nhiên, giá dầu thô brent vẫn còn cách xa mức đỉnh trên 100 USD/thùng đạt được vào năm 2014, và giảm gần 40% trong năm qua.
Trong bản báo cáo nghiên cứu gửi đến khách hàng vào ngày 15/4, hai ngày trước Hội nghị Doha, công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) đã chỉ ra rằng vì Nga và các nước thành viên OPEC đã bơm dầu thô ở mức kỷ lục nên hiệu quả của một thoả thuận bình ổn sản lượng tối đa chỉ đạt ở mức không đáng kể.
Capital Economics nhận định: "Việc bình ổn sản lượng dầu của OPEC và Nga ở mức cao hiện nay sẽ không làm giảm nguồn cung dư thừa nếu không có sự tham gia kích cầu hay cắt giảm nguồn cung từ phía các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC. Do vậy, xu hướng hồi phục giá dầu gần đây có thể xem ra chưa chín muồi và chúng ta sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thị trường có kết quả thất vọng vào phiên giao dịch sáng ngày 18/4."
Đại đa số các nước thành viên OPEC đều cảm thấy bí bách bởi giá dầu suy yếu vì doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ được sử dụng để trang trải nhiều khoản chi tiêu công cộng và để làm giải toả các sức ép trong nước. Tuy nhiên, người ta cũng nghi ngờ rằng các nước như Ả Rập Xê Út, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới đang giở một trò chơi về kinh tế với các nhà sản xuất dầu Mỹ.
Sản xuất dầu đá phiến nội địa của Mỹ tăng mạnh đã đẩy nguồn cung dầu thế giới lên cao và kéo giá dầu hạ. Trong khi người tiêu dùng nhận được lợi ích tương đương của biện pháp cắt giảm thuế lớn thông qua giá dầu và khí đốt rẻ hơn, thì giá dầu thô giảm đã khiến việc tiếp tục khoan dầu trở nên không kinh tế đối với nhiều công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2015 đã tăng trên 9 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong ít nhất 3 thập kỷ qua. Gần đây, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã cắt giảm dự báo sản lượng dầu Mỹ trong năm 2016 xuống còn 8,6 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, các nước đã có thời giàu sang nhờ nguồn thu dầu mỏ đã phải điều chỉnh phù hợp với thực tiễn kinh tế khắc nghiệt hơn. Ví dụ, các nước như Venezuela và Nigeria đã rơi vào giai đoạn khó khăn trong khi buộc phải trông chờ vào một thời đại đa dạng hoá kinh tế "hậu dầu mỏ”.
Mọi sự chú ý hiện nay được hướng đến cuộc họp của các nước thành viên OPEC vào tháng 6 tới, nơi tổ chức này có thể buộc ra tay nếu giá dầu thô bắt đầu một giai đoạn thoái trào mới. Hội nghị này nếu thất bại có thể dẫn tới giá dầu thô trượt dốc hơn nữa trên các thị trương toàn cầu.