MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim nhen nhóm lại giấc mơ xây dựng đường sắt xuyên Á

23-02-2019 - 08:43 AM | Tài chính quốc tế

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào tuần tới tại Việt Nam mở ra cơ hội tái khởi động dự án đường sắt Hàn Quốc-châu Á.

Tại ga tàu tại cực bắc của Hàn Quốc, các đường ray dừng đột ngột ngay trước khu vực phi quân sự sát biên giới với Triều Tiên. Biển báo tại đó viết: "Chú ngựa thép muốn tung vó".

Mong muốn này có lẽ sẽ sớm thành hiện thực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un chuẩn bị tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam trong tuần tới. Kết quả đàm phán được dự đoán bao gồm giảm thiểu các biện pháp trừng phạt nhằm tiến tới phi hạt nhân hoá, và có thể thông qua tái khởi động hệ thống đường sắt được khởi công hơn 15 năm trước, một trong những dự án liên Hàn trọng điểm.

Trong một cuộc điện đàm cùng Trump trong tuần này, Tổng thống Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc đã sẵn sàng tiến hành dự án đường sắt và một số dự án kinh tế chưa tiết lộ khác nếu có thể trợ giúp đàm phán. Hội nghị còn có thể bao gồm mở cửa lại khu tổ hợp công nghiệp liên Hàn Gaeseong, nơi hơn 120 công ti của quốc gia này từng hoạt động trước khi bị đóng cửa vào năm 2016 khi căng thẳng leo thang.

Shin Han-yong, chủ tịch liên đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc – tổ chức điều hành Gaeseong, cho biết: "Chúng tôi đang làm mọi thứ, chúng tôi sẵn sàng tới bất cứ đâu có cơ hội." Tuy nhiên, ông Shin cũng cho biết nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khá thận trọng bởi chưa có gì chắc chắn về một hiệp định sau hội nghị.

Kể từ sau khi tuyên bố ngừng thử nghiệm tên lửa và bom vào năm ngoái, Kim Jong-un luôn tìm cách thuyết phục thế giới gỡ bỏ các chế tài xử phạt ngăn cản đầu tư vào Triều Tiên, hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu. Hiện nay, Trump vẫn mong muốn Kim Jong-un ngưng phát triển vũ khí hạt nhân trước khi gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, một trong những quan điểm khiến đối thoại bế tắc.

Kim và Moon đã tiến hành xây dựng phần nền cho hệ thống đường sắt trong một năm qua và tiến hành một nghi lễ vào tháng 12 về việc hiện đại hoá các đường ray tại phía đông và tây của bán đảo. Sau đó, các nghiên cứu bổ sung và thiết kế sẽ được thực hiện. Việc tiếp tục dự án đường sắt sẽ có lợi cho Kim; ngoài ra, Hàn Quốc cũng mong muốn kết nối với các nước châu Á khác trên đường bộ và cuối cùng tiếp cận Sáng kiến Vành đai-Con đường nhằm thúc đẩy thương mại Âu-Á của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dự án đường sắt được khởi công hơn 15 năm trước, tuy nhiên, bị hoãn lại do mâu thuẫn chính trị và các biện pháp trừng phạt quốc tế dành cho Pyongyang do chạy đua vũ khí hạt nhân. Khoảng một thập kỷ trước, Hàn Quốc vẫn vận hành các chuyến tàu chở hàng tới khu công nghiệp tại Gaeseong trước khi dự án bị đóng cửa do căng thẳng chính trị.

Khôi phục liên kết và hiện đại hoá hệ thống đường sắt của Triều Tiên sẽ giúp tàu của Hàn Quốc tiếp cận Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác, và giảm chi phí vận chuyển cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của quốc gia này.

Cải tiến cơ sở hạ tầng cũng sẽ giúp Triều Tiên loại bỏ các rào cản ngăn quốc gia này thu lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên. Trong năm 2013, Viện Nguồn lực Bắc Hàn tại Seoul dự tính khoản lợi nhuận này trị giá 6 nghìn tỉ USD. Triều Tiên còn là mỏ khoáng sản trái đất hiếm với trữ lượng lớn nhất thế giới. Những khoáng sản này đóng vai trò tối quan trọng trong sản xuất các bộ phận chủ chốt trong động cơ xe điện và nhiều thiết bị công nghệ cao của Hàn Quốc.

Lee Hae-jung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hyundai tại Seoul cho biết: "Dự án đường sắt khác với những dự án trong quá khứ bởi nó không chỉ nhằm kết nối Hàn Quốc và những nước châu Á còn lại, mà nó còn giúp Triều Tiên phát triển. Đường sắt và đường bộ rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, do đó, giúp Triều Tiên hiện đại hoá hệ thống giao thông có thể giúp nền kinh tế Triều Tiên phát triển."

Dù xác định nền kinh tế Triều Tiên gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin, nhưng ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự tính nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,5%, chạm mốc 32,3 tỉ USD. Mức tăng trưởng này tương đương 2% GDP của Hàn Quốc, đồng thời là cơ hội cho các nhà đầu tư nêu quốc gia này mở cửa.

Mạng lưới đường sắt và báo hiệu của Triều Tiên không thay đổi nhiều từ khi được xây dựng lại sau giai đoạn Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Mạng lưới này gồm năm đường ray tới Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Hai đường ray tới Trung Quốc hoạt động tích cực nhất và có lẽ cũng là hiện đại nhất tại đây.

Thoả thuận đường sắt sẽ có lợi cho các công ty Hàn Quốc, giúp tăng khả năng cạnh tranh của họ trước các đối thủ Trung Quốc có thể tham gia khi Triều Tiên mở cửa. Tuy vậy, nhiều công ty Hàn Quốc và các quốc gia khác như Thuỵ Điển và cả Trung Quốc, nhà bảo trợ kinh tế cho Triều Tiên, đều từng chịu thiệt hại do Triều Tiên.

Tuy vậy, tại thời điểm này, nhiều người vẫn lạc quan về kết quả tích cực của hội nghị thượng đỉnh. Vào tháng một, Kim Jong-un đã đặc biệt đề nghị tiếp tục công việc tại công viên công nghiệp Gaeseong và khu nghỉ dưỡng Núi Geumgang tại Hàn Quốc, và nước Mỹ cũng cho thấy thái độ sẵn lòng giảm thiểu các biện pháp trừng phạt nhằm phi hạt nhân hoá.

Theo Kim Young Hui, nhà kinh tế học người Hàn Quốc tại Ngân hàng Phát triển Triều Tiên tại Seoul, các công ty Triều Tiên đã tiến hành nghiên cứu và sẵn sàng hoạt động khi các biện pháp trừng phát giảm bớt.

Quỳnh Mai

Bloomberg

Trở lên trên