MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nghị trung ương 4 Trung Quốc: Xuất hiện người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình?

29-10-2019 - 22:45 PM | Tài chính quốc tế

Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn tin ngoại giao thân cận tiết lộ, hiện có ba nhân vật thân cận nhất với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Vấn đề nhân sự của Bắc Kinh

Ngày 28/10, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIX ĐCSTQ đã chính thức khai mạc tại Bắc Kinh, dự kiến hội nghị sẽ bế mạc vào ngày 31/10.

Theo thông báo chính thức Bắc Kinh, chủ đề của phiên họp toàn thể này là "duy trì và hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hệ thống quản lý quốc gia và hiện đại hóa năng lực quản lý". Do đó, chế độ quốc gia và quản lý nhà nước chắc chắn sẽ là tiêu điểm thảo luận của các quan chức Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, một vấn đề khác tại Hội nghị trung ương 4 rất được quan tâm đó chính là vấn đề nhân sự của Bắc Kinh.

Chỉ ba ngày trước phiên khai mạc hội nghị, Trung Nam Hải đã chính thức tuyên bố rằng: Nguyên Bí thư của Khu tự trị Ninh Hạ Thạch Thái Phong kế nhiệm ông Lý Kỷ Hằng, đảm nhiệm vị trí Bí thư đảng ủy khu tự trị Nội Mông; nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Nam Trần Nhuận Nhi kế nhiệm ông Thạch Thái Phong, đảm nhiệm vị trí Bí thư đảng ủy khu tự trị Ninh Hạ v.v...

 Hội nghị trung ương 4 Trung Quốc: Xuất hiện người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình? - Ảnh 1.

Những thay đổi về nhân sự được coi là điểm thu hút truyền thông và dư luận của Hội nghị trung ương 4 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trước đó, vào ngày 26/10, hệ thống quân đội Trung Quốc PLA cũng có sự thay đổi khi hội nghị lần thứ 14, Ủy ban thường vụ Đại hội điệu biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) thông báo: Nguyên Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lực lượng chi viện chiến lược Nhiêu Khai Huân và Phó Tư lệnh Lục quân chiến khu phía Tây Từ Hướng Hoa đã bị đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Hai ông này đã lần lượt bị cách chức vào cuối tháng 7 và tháng 8.

Trên thực tế, mỗi hội nghị trung ương đều có thể là khoảng thời gian để bố trí nhân sự, đó có thể là một số thành viên cấp tỉnh và cấp bộ hiện tại đã gần hoặc đến tuổi nghỉ hưu hoặc đó có thể là đội ngũ kế nhiệm.

Quy định tạm thời về thời hạn nhậm chức của cán bộ lãnh đạo đảng và chính phủ Trung Quốc cho thấy, nhiệm kỳ lãnh đạo đảng, chính phủ ở tất cả các cấp chính quyền là 5 năm, giới hạn tuổi nghỉ hưu của các quan chức cấp tỉnh và bộ là 65 tuổi nhưng có thể được gia hạn 3 năm nếu chưa đủ nhiệm kỳ, vì vậy nhiều quan chức cấp tỉnh và cấp bộ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 68.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự chuyển đổi nhân sự rõ ràng không chỉ thiên về tuổi tác - dù đây vẫn là một yếu tố quan trọng, Bắc Kinh đã chú ý nhiều hơn đến năng lực toàn diện, kinh nghiệm công tác, hiệu quả quản lý của các quan chức.

Người kế nhiệm ông Tập xuất hiện?

Hiện nay, nếu tính đến thời điểm Đại hội XX, đội ngũ quan chức Trung Quốc có 35 người nằm trong độ tuổi 61-66, trong đó, 19 người ở độ tuổi dưới 65 tuổi. Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, 19 người này dự kiến sẽ tiếp tục trở thành các quan chức đứng đầu các địa phương, cũng có thể bước xa hơn, trở thành Ủy viên thường ủy Bộ chính trị Trung Quốc.

Theo thông lệ, việc đảm nhiệm nhiều vị trí Bí thư thành ủy tỉnh (thành phố) sẽ được coi là bàn đạp để có cơ hội tiến xa hơn trên chính trường Trung Quốc.

Đặc biệt, giới phân tích dự đoán, hội nghị trung ương 4 lần này có thể sẽ hé lộ ít nhiều thông tin về người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình , với những nhân vật nổi bật được nhắc tới như những "ngôi sao đang lên" là Bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ v.v...

"Hai ông Lý Cường và Trần Mẫn Nhĩ hiện nay có ưu thế hơn hẳn. Các ông lần lượt là Bí thư thành ủy hai thành phố trực thuộc trung ương Thượng Hải, Trùng Khánh, là Ủy viên Bộ chính trị. Ông Lý Cường có kinh nghiệm quản lý ở ba địa phương thuộc khu vực Hoa Đông có nền kinh tế phát triển nhất là Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải. Trùng Khánh là địa phương có vị thế vô cùng nhạy cảm trên chính trường với hai cựu Bí thư "ngã ngựa" Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài. Nếu ông Trần Mẫn Nhĩ có thể tái xây dựng hệ sinh thái chính trị và làm tốt công tác xóa đối giảm nghèo ở Trùng Khánh, thì đây sẽ là quân bài giúp ông tiến bước trong tương lai", Đa chiều bình luận.

 Hội nghị trung ương 4 Trung Quốc: Xuất hiện người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình? - Ảnh 2.

Ông Trần Mẫn Nhĩ - người được mệnh danh là "ngôi sang đang lên" hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng 9 vừa qua. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore

Hãng tin Reuters cũng cho biết, mặc dù người kế nhiệm của ông Tập dường như chưa được chỉ định nhưng nhiều nguồn tin ngoại giao thân cận của hãng này tiết lộ, hiện có ba nhân vật thân cận với nhà lãnh đạo Trung Quốc nhất, gồm: Bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ và Bí thư thành ủy Quảng Đông Lý Tây.

Nổi bật nhất là trường hợp của ông Trần Mẫn Nhĩ. Chỉ trong tháng 9, ông đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tiến hành thăm ba nước Singapore, Philippines và Sri Lanka và hội kiến với lãnh đạo cấp cao nhất của các quốc gia này. Đây được cho là động thái vô cùng đặc biệt.

Ngoài ra, Reuters cho hay, Bắc Kinh được cho đang bồi dưỡng đội ngũ quan chức sinh vào những năm 1970, từ đó có thể chọn thế hệ lãnh đạo quốc gia tiếp theo. Những người này có thể sẽ trải qua vài năm rèn luyện để lên tới các vị trí chủ chốt đứng đầu các địa phương, các bộ hoặc tương đương.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến phản bác quan điểm vấn đề người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được thảo luận ở Hội nghị trung ương 4 làn này, bởi vào tháng 3 năm ngoái, giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước Trung Quốc đã được xóa bỏ, theo đó ông Tập dự kiến sẽ tái đắc cử sau Đại hội khóa XX, thậm chí "nắm quyền trọn đời".

Tại thời điểm đó, nhà phân tích chính trị Bắc Kinh - nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Thời báo học tập của Trung Quốc Đặng Duật Văn cho rằng với việc xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ, ông Tập muốn tập trung quyền lực để có huy động chính phủ và nhân dân chung sức thực hiện Giấc mộng Trung Hoa.

"Ông Tập sẽ nắm quyền cho đến khi hoàn thành mục tiêu này chứ không phải nắm quyền trọn đời", Đặng dự đoán, ông Tập có khả năng sẽ tại nhiệm cho đến năm 2037 - khi hoàn thành những mục tiêu của giai đoạn đầu Giấc mộng Trung Hoa..

Theo Thủy Thu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên