Hội nhập kinh tế “xoay vần” trong bối cảnh mới
Kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với kết quả đáng ghi nhận về tăng trưởng XK cũng như mở rộng thị trường. Tuy nhiên, những tình hình mới nảy sinh trong thương mại quốc tế, điển hình là chủ nghĩa bảo hộ “leo thang” đã và đang đặt ra không ít thách thức cho hội nhập kinh tế của Việt Nam thời gian tới.
- 08-02-2016Chuyển hóa sức mạnh quốc tế để tự cường trong hội nhập kinh tế
- 26-08-2015Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2015: Nóng hội nhập kinh tế quốc tế
GDP và xuất khẩu đều đi lên
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tổng kim ngạch XNK năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó XK đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Đặc biệt, XK sang thị trường các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều có tốc độ tăng cao so với năm 2017. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước, cho thấy DN Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới việc khai thác các cơ hội từ hội nhập và thực thi các FTA.
Đề cập tới hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới, đặc biệt khi Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và ký kết hai FTA mới, quan trọng là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường XK, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:
"Những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển cũng đòi hỏi DN Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ. Chính ở đây, những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 nếu được kịp thời ứng dụng ở những lĩnh vực như logistics, tài chính, tổ chức sản xuất hàng công nghiệp XK, dịch vụ hành chính công… sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh cho DN Việt Nam".
Đề cập tới hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới, đặc biệt khi Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và ký kết hai FTA mới, quan trọng là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường XK, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính: CPTPP có thể giúp GDP và XK của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng. Ước lượng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cũng cho thấy: Đến năm 2030, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5 đến 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16% tùy theo từng kịch bản.
E dè chủ nghĩa bảo hộ
Dù quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đến thời điểm hiện tại được nhận định đạt được không ít kết quả khả quan, nhưng một số chuyên gia đánh giá: Phải thừa nhận rằng, trong quá trình đó vẫn còn những bất cập nhất định như: Một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế; vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các FTA mang lại.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá: Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, bối cảnh hiện tại cũng đặt ra không ít thách thức trong quá trình hội nhập. Cụ thể, Việt Nam phải đối mặt với tác động chuyển hướng thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Xử lý thách thức này càng khó hơn khi thương mại điện tử xuyên biên giới đã phổ biến hơn, đi kèm với rủi ro tấn công an ninh mạng. Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi đó, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn. “Ngoài ra, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác. Các sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại. Bản thân việc USD lên giá và rủi ro các nước khác phá giá nội tệ cũng làm tăng thách thức đối với điều hành tỷ giá, thương mại và thị trường tài chính của Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề này, TS. Sudhir Shetty-Kinh tế gia Trưởng Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) đánh giá: “Căng thẳng thương mại có thể tạo cơ hội chuyển hướng thương mại cho một số mặt hàng XK của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực khi thương mại và tăng trưởng toàn cầu chững lại và tình trạng bất định gia tăng là tác động ở mức lớn hơn so với lợi ích có được do chuyển hướng thương mại”.
Một số chuyên gia phân tích thêm: Thách thức đối với duy trì cải cách của Việt Nam sẽ lớn hơn nếu quá tập trung hơn vào xử lý tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nói riêng và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nói chung. Trong khi đó, chậm trễ trong cải cách có thể ảnh hưởng đến động lực cho DN cũng như khả năng bắt kịp, đi cùng và vượt lên các nước trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Triển khai đồng bộ giải pháp
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định: Những xu thế mới về thương mại sẽ còn tiếp diễn, ít nhất trong trung hạn. Công nghiệp 4.0 vẫn diễn ra nhanh, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Việt Nam về tiến độ, phạm vi nỗ lực bắt kịp cuộc cách mạng này. Các xu thế thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tương tác theo nhiều cách khác nhau. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định từ những xu thế mới này.
Để ứng phó với những xu thế thương mại mới trong kinh tế và thương mại quốc tế, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần xem xét thực hiện một số nhóm giải pháp. Trước tiên là cần liên tục theo dõi, cập nhật các kịch bản đủ chi tiết để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỷ giá của các nền kinh tế chủ chốt; theo dõi động thái chính sách của các nước thứ ba để đánh giá sát hơn tình hình và học hỏi kinh nghiệm ứng phó. Thứ hai, Việt Nam cũng cần chủ động rà soát lại những quy định chính sách trong nước, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá XNK và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới, đồng thời khuyến khích việc tiếp cận và tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường năng lực và hoạt động của các cơ quan ngoại giao, thương vụ để dự báo và xử lý các biến cố đối với thị trường XNK, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của công nghệ,…
“Ngoài ra, giải pháp còn là khuyến khích, kêu gọi tinh thần chủ động của cộng đồng DN trong việc tìm hiểu diễn biến những xu thế thương mại mới và Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó xác định yêu cầu điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt chú trọng tới việc chuyển đổi, cập nhật công nghệ mới; tạo điều kiện cho các DN tham gia tham vấn chính sách, kiến nghị những rào cản, bất cập chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước cần tháo gỡ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xử lý các vấn đề liên ngành và hỗ trợ cho DN thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm hội nhập của các bộ, ngành, địa phương và DN chính là yếu tố mang tính chất quyết định để hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới theo đúng tinh thần chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả.
Xung quanh vấn đề này, TS.Shetty gợi ý: Việt Nam nên tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô đối với biến động về tài chính và thương mại quốc tế; tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia với các chính sách tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và củng cố mối liên hệ giữa đầu tư nước ngoài cũng như các nhà cung ứng trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cần cải cách sâu rộng thương mại và đầu tư, bao gồm đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan gây méo mó thương mại; thúc đẩy thương mại dịch vụ, tăng cường chiều sâu hội nhập khu vực (và toàn cầu); tăng cường cam kết ủng hộ cải cách hệ thống quản trị thương mại toàn cầu...
Hải quan