MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội sắp 30 thời nay: Thích “tiền đẻ ra tiền”, vay nợ mua nhà cũng chẳng sao!

26-10-2022 - 10:48 AM | Lifestyle

Sau trải nghiệm ở tuổi 20, mọi người có xu hướng quản lý chi tiêu chặt chẽ cũng như đầu tư vào những thứ giá trị hơn.

Tuổi 30 được cho là cột mốc quan trọng của 1 người, đặc biệt trong chuyện tài chính. Không thể bất chấp rủi ro như tuổi 20, thay vào đó là những mối quan tâm mới. Cùng gặp hội chị em 29 tuổi, sắp sang tuổi 30, để xem quan điểm tài chính của họ hiện nay như thế nào.

Tuổi 20 hết tiền lại xin mẹ, sắp 30 quan tâm tài chính gia đình nhiều hơn

Chuẩn bị sang tuổi 30, Nguyễn Thảo quan tâm hơn đến việc quản lý tài chính gia đình. Đặc thù làm kinh doanh nên cũng không thể giống như các nhà có thu nhập ổn định được. Do vậy, cô thường ghi chép lại để có thể quản lý được chi tiêu.

“Bình thường lúc tiêu các khoản nhỏ, mình sẽ không để ý quá nhiều. Đôi khi, mình tiêu cái gì đến cuối tuần cũng không thể nhớ được. Mình nhận ra bản thân không thể kiểm soát được chi tiêu, đặc biệt do không theo dõi nên cũng không thể rút được kinh nghiệm trong những lần mua sắm bốc đồng. Mặt khác, thu nhập vợ chồng mình ở mức độ vừa phải nên mình nhận ra phải ghi chép lại mới có thể phân bổ hợp lý”.

Hội sắp 30 thời nay: Thích “tiền đẻ ra tiền”, vay nợ mua nhà cũng chẳng sao! - Ảnh 1.

Nguyễn Thảo


Bên cạnh đó, gia đình cô phân chia rõ ràng nhiệm vụ mỗi người trong câu chuyện tài chính. Chồng kiếm nhiều hơn sẽ lo những khoản lớn như nhà cửa, đầu tư, con cái. Còn Nguyễn Thảo sẽ lo cân đối chi tiêu sinh hoạt gia đình như mua sắm và tiết kiệm.

Sau khi làm mẹ cô có xu hướng muốn tăng thu nhập nhiều hơn. “Mình có xu hướng muốn đầu tư và dành những gì tốt nhất cho con từ ăn uống, quần áo, giáo dục, nhà cửa… Áp lực cũng là nguồn động lực, mình muốn làm sao kiếm được nhiều tiền để cho con cuộc sống tốt nhất có thể”.

Đầu tư vào những tài sản có thể “tiền đẻ ra tiền"

Ni Võ chia sẻ rằng khi còn 20 tuổi, lúc đó chưa lập gia đình, Ni Võ tốn 90% số tiền kiếm được vào quần áo, giày dép nói chung là đồ hiệu. "Mỗi khi mua được món đắt tiền là mình cực thích". Bây giờ, khi đã gần 30 tuổi có gia đình mặc dù vẫn dư giả mua đồ hiệu nhưng tần suất sắm không còn nhiều như trước. Ni Võ dành tiền mua đất, mua nhà cũng như nâng cấp đầu tư cho công việc buôn bán của mình. Lâu lâu có dịp đặc biệt, cô mới mua 1 vài món đắt tiền, chẳng hạn như vào sinh nhật.

"Đồ hiệu bán đi thì 80% mất giá so với giá mua và lỗi thời theo từng năm qua. Còn mua đất mua nhà thường sẽ lên giá theo năm. Với đầu tư kinh doanh thì mình sẽ phát triển hơn kiếm được nhiều tiền hơn".

Hội sắp 30 thời nay: Thích “tiền đẻ ra tiền”, vay nợ mua nhà cũng chẳng sao! - Ảnh 2.

Ni Võ


Ngoài ra, ở tuổi 26, Ni Võ cùng chồng đã mua 1 căn nhà ở quận 4. Sau 3 năm tích cóp, cô đã dùng 1,1 tỷ tiền tích lũy để cải tạo lại nhà. Ở ngưỡng tuổi sắp sang 30, cô mong muốn có không gian sống phù hợp hơn nên đã đầu tư vào căn nhà. Cô cũng chi khá “mạnh tay" vào đồ gia dụng, vì nó đã giúp cô tiết kiệm rất nhiều thời gian. Chẳng hạn như máy rửa chén hay máy sấy, "đắt xắt ra miếng", bát đũa lúc nào cũng sạch sẽ và quần áo luôn thơm tho.

Không ngại vay nợ mua nhà

Kiều Trinh chia sẻ rằng bản thân vài năm về trước, từng rất ngại việc ngồi ghi chép chi tiêu hàng ngày, kẻ bảng, cộng trừ nhân chia,... dù từng cố gắng thử làm nhiều lần nhưng sau vẫn từ bỏ không duy trì được. Song, đến bây giờ có gia đình nhỏ của riêng mình, đến một lúc cảm thấy chi tiêu của gia đình quá nhiều và không kiểm soát được, cô bắt buộc mình phải ghi chép lại và dần hình thành thói quen này.

“Mình thấy đây là 1 thói quen cực kỳ cần thiết để có thể quản lý tài chính của gia đình tốt hơn. Từ ngày biết có mấy cái ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại là siêng hẳn, hàng ngày cứ chi tiêu gì là mình sẽ cập nhật lên thôi. Bất cứ lúc nào, mình đều có thể xem lại được các khoản chi tiêu của tháng trước cũng như tháng gần nhất”.

Hội sắp 30 thời nay: Thích “tiền đẻ ra tiền”, vay nợ mua nhà cũng chẳng sao! - Ảnh 3.

Kiều Trinh

Ở tuổi gần 30, Kiều Trinh là một người không ngại vay nợ trả góp đặc biệt khi mua tài sản lớn. Cô cho rằng, nếu đang ở nhà thuê và thu nhập trên 25 triệu thì nên tính đến việc mua nhà trả góp (thay vì trả tiền thuê nhà 6-7 triệu đồng/tháng), tiền lãi coi như tiền đi thuê, mà có nhà riêng của mình, xây sửa được đúng ý hơn.

“Nếu thu nhập thấp và không quan trọng chỗ ở đẹp, tiện nghi thì nên lựa chọn thuê nhà khoảng dưới 5 triệu đồng/tháng, số còn lại tích luỹ để khi nào có khả năng tài chính tốt hơn thì mua trả góp như phương án 1. Không nên vay quá nhiều tiền trong việc mua nhà khi chưa chuẩn bị tài chính và thu nhập tốt, vì việc đó sẽ trở thành gánh nặng cho bạn” , quan điểm của Kiều Trinh về chuyện mua nhà.

Ảnh: NVCC

Theo TÔ DIỆP - THIẾT KẾ: HOÀNG SƠN

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên